“Đây đang là một cuộc chiến tranh tiêu hao và ngành công nghiệp quốc phòng của Ukraine đã bị phá hủy ở quy mô lớn. Do đó, họ sẽ phải sử dụng mọi thể loại vũ khí phương Tây”, tiến sĩ Gustav Gressel, chuyên gia tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu (ECFR), chia sẻ với Zing. “Chúng tôi là cứu tinh duy nhất của họ”.
Theo phân tích của giới chuyên gia, Ukraine không chỉ cần các vũ khí hạng nặng có sức ảnh hưởng lớn như xe tăng hay pháo tầm xa. Họ cũng cần cả các vũ khí, khí tài cơ bản hơn để bù đắp cho nguồn trang bị tiêu hao theo thời gian.
“Ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine có thể vẫn cung cấp một số khí tài, nhưng nguồn cung sẽ hạn chế”, chuyên gia Mark Cancian, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) - tổ chức tư vấn chính sách hàng đầu ở Washington D.C. (Mỹ) - nói với Zing.
“Chiến tranh tiêu tốn khá nhiều khí tài, vũ khí và đạn dược, nhiều hơn nhiều so với Ukraine có thể tự sản xuất”, ông Cancian, người từng là đại tá thủy quân lục chiến Mỹ, nhận định.
Lựu pháo và pháo phản lực
Khi chiến sự tại Ukraine bước sang tháng thứ 5, Kyiv càng ngày càng dựa vào nguồn vũ khí được các nước phương Tây viện trợ để có thể đạt được mục tiêu trên chiến trường.
Hôm 13/6, ông Mykhailo Podolyak, cố vấn của Tổng thống Ukraine Zelensky, đã đưa ra danh sách viện trợ vũ khí mà Kyiv muốn nhận được từ phương Tây.
Quân đội Ukraine phụ thuộc hơn vào vũ khí phương Tây khi chiến sự kéo dài. Ảnh: Reuters. |
“Nói thẳng ra, để kết thúc cuộc chiến, chúng ta cần các loại vũ khí hạng nặng tương đương: 1.000 lựu pháo 155 mm, 300 hệ thống pháo phản lực bắn loạt, 500 xe tăng, 2.000 phương tiện bọc thép và 1.000 máy bay không người lái”, ông Podolyak viết.
Theo tiến sĩ Gressel, số lượng vũ khí này được đưa ra dựa trên nhu cầu bù đắp thiệt hại và trang bị theo hướng cơ giới hóa của quân đội Ukraine.
“Các con số này dựa trên thiệt hại trong giao tranh và có thể trang bị một số lực lượng cơ động như các lữ đoàn cơ giới, thay vì lữ đoàn bộ binh hạng nhẹ”, tiến sĩ Gressel bình luận về các con số trên.
Các chuyên gia nhận định lựu pháo 155 mm là loại vũ khí mà Ukraine rất muốn có để vừa tăng cường năng lực tấn công, vừa đảm bảo có được nguồn cung đạn đáng tin cậy hơn.
“Chúng được sử dụng để thay thế BM-27 Uragan và BM-30 Smerch, các loại vũ khí mà Ukraine có ít đạn, trong khi Nga đã phá hủy các nhà máy sản xuất đạn dược”, ông Gressel nói.
“Việc cung cấp lựu pháo có thể có ích. Chúng sử dụng đạn tiêu chuẩn 155 mm của NATO với nguồn cung rất dồi dào. Cả tá quốc gia sản xuất loại đạn này”, ông Cancian nói. “Do Nga có vũ khí vượt trội hơn Ukraine nên Ukraine cần khả năng chống trả”.
Dù vậy, ông Cancian chỉ ra tầm bắn của pháo chỉ khoảng 25 km, trong khi HIMARS có thể bắn tới 70 km. Điều này giúp lực lượng Ukraine công kích sâu vào các tuyến của Nga và bao phủ mặt trận tốt hơn.
“Một lợi thế khác của HIMARS là chúng đi kèm với tên lửa có điều khiển sẽ rất hữu ích việc tấn công pháo binh Nga”, vị chuyên gia cho biết. “Khả năng công kích pháo binh Nga sẽ được tăng cường khi radar phản pháo được gửi tới, vì nó cung cấp tọa độ chính xác để pháo binh tấn công”.
Sức mạnh của xe tăng
Bên cạnh các loại pháo, xe tăng cũng là vũ khí mà người Ukraine mong muốn nhận thêm từ phương Tây để tăng cường năng lực tác chiến.
Trả lời AFP, ông Gressel chỉ ra các xe tăng mà Ukraine đang sử dụng - vốn tồn tại từ thời Liên Xô - gây ra cho Kyiv vấn đề về nguồn cung thiết bị. “Chúng đang bắt đầu cạn kiệt, và một số bộ phận chỉ có được từ Nga”, ông nói.
Các xe tăng thế hệ thứ ba - như Leopard 2 - có thể giúp Ukraine nâng cao năng lực tác chiến. Ảnh: National Interest. |
Hôm 5/6, tờ El País của Tây Ban Nha dẫn các nguồn tin chính phủ cho biết trong chuyến thăm tới Kyiv hôm 21/4, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez đã đề nghị chuyển cho Ukraine khoảng 40 xe tăng Leopard 2A4 - loại xe tăng thuộc thế hệ thứ ba.
Dù vậy, Thủ tướng Đức Olaf Scholz sau đó cho biết ông chưa nhận được lời đề nghị từ Madrid, theo Reuters. Với tư cách nhà sản xuất xe tăng Leopard 2, Đức có quyền chấp thuận hoặc ngăn chặn kế hoạch viện trợ của Tây Ban Nha.
Theo chuyên gia vũ khí Alexandre Vautravers, Tổng biên tập tạp chí quân sự Revue Militaire Suisse (RMS), việc triển khai Leopard 2 tại Donbas sẽ đem lại lợi thế cho quân đội Ukraine vì Nga chủ yếu sử dụng xe tăng thế hệ thứ hai tại đây, dù là bản nâng cấp.
“Giáp - đặc biệt là giáp trước - của xe tăng thế hệ thứ ba hiệu quả gấp đôi so với các thế hệ trước”, ông giải thích với AFP.
“Hệ thống điện tử trên xe đã có sự phát triển đáng kể”, vị chuyên gia nói. Leopard 2 sở hữu hệ thống kiểm soát hỏa lực điện tử, cũng như một số đặc tính công nghệ cao khác như các thiết bị nhìn đêm tiên tiến.
Khi cơ động, Leopard 2 có khả năng bắn “với độ chính xác gần như khi đứng yên”, cũng như có thể bắn ra viên đạn đầu tiên nhanh hơn, điều có ý nghĩa quyết định trong các cuộc đấu tăng.
Trong khi đó, ông Cancian chỉ ra Ukraine cũng phải đối mặt hơn hai vấn đề về kỹ thuật nếu nhận được lô xe tăng của Tây Ban Nha: Bảo dưỡng và huấn luyện.
“Xe tăng Leopard của Tây Ban Nha có hai vấn đề”, ông nói. “Đầu tiên, chúng đã bị cất kho và sẽ cần được bảo dưỡng trước khi được gửi cho Ukraine. Điều này có thể kéo dài nhiều tuần”.
“Vấn đề khác là Ukraine không có kinh nghiệm sử dụng xe tăng Leopard. Các kíp xe tăng và thợ máy cần được huấn luyện. Do đây là hệ thống phức tạp, quá trình đào tạo có thể kéo dài nhiều tuần. Tại Mỹ, quá trình huấn luyện cho các nhân sự này kéo dài hàng tháng”, vị cựu đại tá quân đội Mỹ cho biết.