Với To Wo, người làm mỳ sợi tại đại lộ Queen, ngày lịch sử khi Hong Kong được trao trả về Trung Quốc năm 1997 chẳng khác gì mọi ngày bình thường. Ông vẫn thái mỳ, trộn gia vị, pha nước dùng, và phục vụ các vị khách đến từ mọi tầng lớp.
Ngày chuyển giao, 1/7/1997, được một số người xem là cơ hội để Hong Kong thanh tẩy quá khứ với Anh. Nhưng với những người khác, họ sợ bản sắc của Hong Kong vốn hình thành sau 99 năm dưới tay quản trị của người Anh sẽ thay đổi.
Tuy nhiên, với những người lao động như To Wo, cái lo cơm ăn áo mặc khiến họ không nghĩ nhiều về những điều đao to búa lớn. Dù dưới quyền quản lý của London hay Bắc Kinh, họ vẫn phải lao động quần quật mỗi ngày, theo New York Times.
Nửa chặng đường biến động
25 năm từ sau ngày trở về với Trung Quốc, toàn bộ Hong Kong đã biến đổi. Nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng không ngừng, đe dọa tới vai trò điểm trung chuyển quốc tế của Hong Kong. Và với nhiều người, những biến động chính trị xã hội suốt 3 năm vừa qua đặt câu hỏi về danh tính của thành phố.
Năm 1997, chính phủ Trung Quốc cam kết sẽ duy trì hệ thống "một quốc gia, hai chế độ", cho phép Hong Kong hưởng quyền tự trị đáng kể trong 50 năm, nhằm duy trì các quyền tự do vốn đã biến thành phố trở thành một trong các trung tâm tài chính toàn cầu, một trong những siêu đô thị hấp dẫn nhất hành tinh.
Hong Kong khi đó là sự kết hợp của phương Đông và phương Tây. Những tiệm vàng óng ánh, những cửa hiệu bán đồ xa xỉ của châu Âu tọa lạc bên những cửa hiệu bán hương liệu, dược phẩm truyền thống của người Hoa.
Quang cảnh một khu chợ ở Hong Kong. Ảnh: New York Times. |
Vài năm đầu sau chuyển giao, giới lập pháp Hong Kong gần như toàn quyền quyết định số phận của đặc khu hành chính. Ngoài những thẩm quyền trước đây không có dưới thời Anh, các cơ quan chính phủ, tòa án vẫn tuân theo lề lối cũ. Song hành với đó, các doanh nghiệp, giới nhà giàu từ khắp thế giới vẫn tìm tới xứ Cảng thơm với sự bảo đảm của nguyên tắc thượng tôn pháp luật mà người Anh để lại.
Trong hơn một thập kỷ, Bắc Kinh tuân thủ cam kết "Một quốc gia, hai chế độ". Thời hạn 2047, hạn chót để hợp nhất hệ thống chính trị giữa Hong Kong và đại lục, dường như xa vời ngay cả với chính những người Hong Kong.
Tuy nhiên, những diễn biến trong thập kỷ qua khiến Hong Kong đang dần mất đi vai trò là trung tâm tài chính châu Á, khi hàng loạt trung tâm khác vươn lên như Singapore, Seoul, Thượng Hải.
Bất ổn chính trị, nổi lên từ 2016 và bùng nổ từ 2019, theo sau đó là đại dịch Covid-19, đã khiến giới đầu tư và doanh nghiệp quốc tế phải đặt câu hỏi về danh tính và sự hấp dẫn của Hong Kong.
Vẫn còn 25 năm nữa cho đến hạn chót 2047, nhưng Hong Kong đã bước vào một thời kỳ mới. Những siêu đô thị như Hong Kong sẽ không lụi tàn chỉ trong nháy mắt. Nhưng có một thực tế là người nghèo Hong Kong đang ngày càng nghèo hơn, trong khi giới trí thức trẻ đang tìm cơ hội định cư ở phương Tây.
"Mọi thứ ở Hong Kong đã thay đổi", ông To nói.
Đối diện thực tế
Vào ngày 30/6/1997, khi quốc ca Anh lần cuối xướng lên tại Hong Kong, Eunice Yung vẫn là học sinh trung học. Ngày hôm ấy, cô gái không quan tâm điều gì khác ngoài kết quả thi đáng thất vọng khiến Yung mất cơ hội học tại một trường đại học danh tiếng ở Hong Kong.
Cô gái trẻ cuối cùng được nhận vào Đại học Vancouver tại Canada, theo học ngành khoa học máy tính. Yung không bao giờ ngờ sau 25 năm, hàng trăm nghìn thanh niên Hong Kong theo bước cô.
Trong suốt chiều dài lịch sử, mỗi khi đại lục có thay đổi lớn, Hong Kong luôn là điểm đến của dòng người di cư. Những năm trước ngày chuyển giao là giai đoạn hiếm hoi dân số đặc khu này suy giảm bởi dòng người di cư tới phương Tây.
Với Yung, cô từng từ chối ở lại Canada mà trở về Hong Kong để học thêm một bằng luật. Năm 2016, Yung trúng cử một ghế tại Hội đồng Lập pháp, với tư cách thành viên lực lượng ủng hộ chính phủ trung ương ở Bắc Kinh.
"Ở Hong Kong, một thực tế chính là chúng ta là một phần của Trung Quốc", Yung nói.
Cảnh sát Hong Kong tại công viên Victoria hôm 4/6. Ảnh: New York Times. |
Tháng 6/2020, luật an ninh quốc gia mới được ban hành tại Hong Kong. Kể từ đó, hàng loạt cơ quan thông tấn độc lập đã đóng cửa hoặc bị nhà chức trách cấm hoạt động. Gần 50 chính trị gia và nhà hoạt động đã bị bắt. Trên các con đường ở Hong Kong, không còn biểu tình lớn như năm 2019.
"Tôi nghĩ Hong Kong vẫn là thành phố rất tự do. Những cuộc biểu tình như vậy, nếu chúng ta cho phép họ đi xa đến một mức nào đó, sẽ hủy hoại tình cảm dành cho đất nước (Trung Quốc)", Yung nói.
Câu hỏi danh tính
Brian Leung, 28 tuổi, sinh ra trong gia đình bố mẹ là người Đại lục nhập cư vào Hong Kong. Lớn lên trong nhà ở xã hội, Leung là người đầu tiên của dòng họ được theo học Đại học Hong Kong danh tiếng.
Giống như rất nhiều thanh niên Hong Kong đồng trang lứa, Leung từng tự hào với danh tính kép của bản thân, là người gốc Hoa, đồng thời ủng hộ các giá trị luật pháp của người Anh và một phần văn hóa của người Bồ Đào Nha.
Khi Olympic mùa hè 2008 tổ chức ở Bắc Kinh, Leung cổ vũ đồng thời đoàn thể thao Hong Kong cũng như Trung Quốc.
"Tất cả thanh niên chúng tôi đều muốn cơ hội hòa nhập, chúng tôi từng nghĩ rằng khi trở về với đất mẹ, Hong Kong sẽ là một phần của dân tộc vĩ đại này", Leung nói.
Nhưng cuộc khủng hoảng mùa hè năm 2019 đã thay đổi nhiều thứ. Phong trào biểu tình phản đối luật dẫn độ của thanh niên, trong đó sinh viên là nòng cốt, bị cảnh sát trấn áp.
Hàng triệu người Hong Kong đang sống trong những căn nhà siêu nhỏ. Ảnh: New York Times. |
Với những người từng di cư khỏi đại lục, Hong Kong là điểm đến an toàn, là nơi họ an cư lạc nghiệp. Hàng triệu người từ đại lục đã ở lại Hong Kong, lấy những cái tên tiếng Anh để dễ hòa nhập như Kelvin, Fiona, Gladys, Alvin, Eunice.
Bởi làn sóng người đại lục đổ đến, bao gồm cả giới đại gia, giá nhà tại Hong Kong tăng chóng mặt trong 20 năm qua. Hong Kong hiện là một trong những nơi có giá mua nhà và thuê nhà đắt đỏ nhất thế giới.
Giờ đây, chính người Hong Kong đang di cư khỏi thành phố. Theo số liệu thống kê, số người rời Hong Kong trong một tháng của năm 2022 bằng toàn bộ số người rời Hong Kong năm 2019. Tầng lớp trí thức như kiểm toán viên, giáo sư, kỹ sư công nghệ thông tin, đang tìm kiếm miền đất hứa ở nước ngoài.
"Tôi không thể ngăn nước mắt rơi. Tôi rất yêu Hong Kong, đó là lý do tôi từng xuống đường biểu tình, và cũng là lý do tôi phải rời thành phố", Leung nói, người đàn ông di cư đến Mỹ tháng 7/2019 vừa chưa quay trở lại.
Với những người ở lại Hong Kong, cuộc sống ngày càng khó khăn hơn. Trên đại lộ Queen, giá thuê nhà tăng chóng mặt cùng tình trạng làm ăn ế ẩm khiến không ít hộ gia đình kinh doanh lâu đời phải bỏ cửa hàng.
Ông To may mắn vẫn duy trì được tiệm mỳ nhỏ, ngày qua ngày không nghỉ. Ông cũng không nhớ lần cuối được hưởng một ngày nghỉ lễ đàng hoàng là khi nào.
Cả gia đình ông To đang sống chui rúc trong một căn hộ nhỏ. Trong khi đó, các anh em của ông ở đại lục sống thoải mái nhờ tiền lương hưu. Đó cũng là cuộc sống mà ông mơ ước.