Half-Life là tựa game huyền thoại được hãng Valve cho ra mắt năm 1998. Trong hơn 20 năm tồn tại, sản phẩm là nguồn cảm hứng cho rất nhiều nhà thiết kế, dù tựa game họ đang phát triển thuộc thể loại gì.
Tầm ảnh hưởng của Half-Life không chỉ dừng lại ở thể loại bắn súng, nó còn tác động đến cả ngành game bởi cách kể chuyện độc đáo so với những sản phẩm đương thời.
Lối kể chuyện độc đáo đầy lôi cuốn
Theo PC Gamer, John Carmack, cha đẻ của Quake từng cho rằng game bắn súng thì không cần có cốt truyện. Không ít game thủ cũng cho rằng game nhập vai và phiêu lưu mới cần cốt truyện, còn game bắn súng FPS thì không.
Half-Life đã chứng minh điều ngược lại. Rõ ràng, một trò chơi bắn súng tiêu diệt thây ma đơn thuần sẽ hay hơn nếu có câu chuyện đáng nhớ đằng sau.
Thay vì dùng đến các cảnh phim hay đoạn hội thoại bên lề, game truyền tải câu chuyện đến người chơi trực tiếp ngay trong bối cảnh game.
Tác giả kịch bản Marc Laidlaw, người thổi hồn cho các câu chuyện trong Half-Life cho hay ban đầu nhà sản xuất dự định game sẽ có lối chơi phi tuyến tính. Nhưng tất cả đã thay đổi bởi Marc nhận định: “một trò chơi có kinh dị hay không là nhờ vào nhịp điệu phát triển của game”.
Sức ảnh hưởng từ sản phẩm của Valve vẫn bao trùm lấy ngành công nghiệp game. Ảnh: PC Gamer. |
Những game bắn súng trước đó như Doom chỉ có yếu tố gây sợ hãi từ hiệu ứng các loại cưa máy, shotgun chứ bản chất game không khiến người chơi phải lạnh sống lưng.
Trong Half-Life, các phân đoạn giới thiệu nhân vật được khai thác ở mức cao nhất, gợi ý về hậu quả mà người chơi sẽ phải đón nhận nếu có những bước đi sai lầm. Sau đó, không gian đảo ngược mở ra, tăm tối và tang thương, giống như những gì Alien, Night of the Living Dead hay It sau này thể hiện.
Cây đèn pin chỉ sáng khi sạc đủ điện trong game cũng góp phần khuếch đại nỗi sợ. Tưởng tượng bạn vừa chui qua một lỗ thông hơi, rọi cây đèn mà mình biết chắc nó sắp tắt về phía trước để tìm lối ra. Khi cây đèn hết sạch điện, bạn tắt một lúc để sạc. Lúc bật lại, bạn giật bắn mình khi nhận ra đang đối mặt với một con quái vật.
Nhiều game bắn súng ra đời sau cũng sao chép ý tưởng, cách pha trộn giữa kinh dị và chất hành động của Half-Life, đặc biệt là các game kinh dị góc nhìn thứ nhất. Amnesia hay Outlas đều chỉ phát cho người chơi nguồn ánh sáng hạn chế để tăng nỗi sợ hãi.
Không chỉ dừng lại ở không gian u tối và sự xuất hiện của những con quái vật, Half-Life có lối kể chuyện kinh dị rất khác. Nếu như trong Doom, người ta chỉ thấy xác anh lính với số đạn dự phòng còn nguyên bên cạnh thì trong Half-Life, bạn sẽ trực tiếp thấy được anh ta đã chết như thế nào.
Game có lối kể chuyện độc đáo so với sản phẩm đương thời. Ảnh: PC Gamer. |
Công thức này được bê nguyên vào BioShock và System Shock 2. Mọi cái chết trong Half-Life đều khơi gợi nỗi tò mò muốn biết được câu chuyện đằng sau của người chơi. Các xác chết nằm ngay ngắn trong phòng vệ sinh, trên giường đều như muốn nói: "Bạn đã đến quá muộn".
Để đảm bảo người chơi cảm nhận trọn vẹn từng khoảnh khắc cận kề cái chết, game dẫn bạn tìm hiểu câu chuyện thông qua những vệt máu, tiếng la hét hay ánh sáng.
Ví dụ, sẽ có nguồn sáng nhỏ phát ra từ lỗ thông hơi để người chơi biết phải đi đâu, hay công tắc xẹt lửa cho thấy có một sợi cáp đang ngâm dưới nước.
Những thủ thuật thu hút sự chú ý này được hoàn thiện hơn trong Half-Life 2, sau đó tiếp nối và phát triển bởi Call of Duty hay Mirror’s Edge.
Sức ảnh hưởng vô hình xuyên biên giới
Đó mới chỉ là tầm ảnh hưởng của Half-Life đối với chế độ chơi đơn. Sự tác động của nó còn vươn xa hơn thế.
Các bản mod cho nhiều người chơi cùng lúc như Natural Selection, Cry of Fear và Sven Co-Op sau này đều phát triển và trở thành game độc lập.
Hoặc như Age of Chilvary cũng là bản mod của Half-Life, chỉ có điều game thủ dùng kiếm thay cho súng. Nhóm thiết kế của đã phát triển và cho ra game độc lập Chivalry: Med Middle Warfare, sắp ra phiên bản mới trong năm nay.
Counter-Strike là bản mod đáng tự hào nhất của Half-Life. Ảnh: PC Gamer. |
Bản mod Day of Defeat lấy bối cảnh thế chiến II cũng được Valve mua lại để trở thành game độc lập.
Với những modder đã tạo ra Team Fortress - bản mod của Quake - cũng được thuê để làm ra Team Fortress Classic cho Half-Life. Đây là tiền thân của Team Fortress 2, và nếu không có Team Fortress 2, cũng sẽ không có Overwatch lẫn sự ra đời của thể loại game bắn súng anh hùng.
Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến Counter-Strike. Hai nhà thiết kế Minh 'Gooseman' Le và Jess Cliffe đã cho ra đời tựa game lớn mạnh đến mức có cả giải đấu thể thao điện tử riêng. Nếu không có Counter-Strike, hàng triệu người sẽ phải tìm tựa game khác để theo dõi thay cho lối chơi bắn súng đầy tính eSports.