Tối 31/7, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong và đoàn đại biểu HĐND đã tiếp xúc cử tri quận 1. Cử tri đặc biệt bày tỏ sự lo lắng về tình trạng ùn tắc giao thông tại TP.HCM thời gian vừa qua.
Mặc dù thành phố đã khởi công nhiều công trình, thông đường, xây cầu, tình trạng ùn tắc giao thông vẫn rất nghiêm trọng. Từ đó, cử tri đề xuất TP.HCM phải có những giải pháp nhằm giảm mật độ lưu thông trên đường, trong đó có cải cách thủ tục hành chính, bố trí lệch giờ lệch ca.
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong tiếp xúc cử tri quận 1. Ảnh: T.Lâm. |
Chủ tịch UBND Nguyễn Thành Phong thừa nhận dù đã đề ra nhiều phương án, nhưng hạ tầng giao thông của TP vẫn trở nên quá tải so với nhu cầu người dân. Người đứng đầu TP cho biết sẽ tái khởi động đề án lệch giờ, lệch ca, nhưng phải có sự cân nhắc kỹ vì nó sẽ ảnh hưởng đến hàng triệu người dân thành phố.
Vào tháng 5, UBND TP.HCM đã chỉ đạo Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM nghiên cứu lập đề án bố trí, sắp xếp giờ làm việc, giờ học lệch ca để giảm bớt lưu lượng giao thông vào giờ cao điểm, trình UBND thành phố trước ngày 30/7.
UBND TP yêu cầu nội dung đề án cần nghiên cứu theo từng nhóm đối tượng như: Học sinh sinh viên, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân tại các bệnh viện, cán bộ công chức, người lao động tại các khu công nghiệp…
Dù đã xây thêm cầu, mở thêm đường nhưng tình trạng kẹt xe tại TP.HCM ngày càng nghiêm trọng. Ảnh: Tùng Tin. |
Đây không phải lần đầu tiên TP.HCM tính đến phương án này nhằm giảm tải cho hệ thống giao thông. Đề án lệch ca, lệch giờ đã được TP.HCM nghiên cứu từ năm 2001. Đến 2007, UBND TP.HCM đưa ra kế hoạch 6650 với 8 giải pháp cấp bách nhằm giảm tai nạn và ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, HĐND TP đã không thông qua đề án này.
Đến 2009, đề án một lần nữa lại được tái khởi động và dự kiến áp dụng cho khối hành chính sự nghiệp. HĐND TP một lần nữa không thông qua. Gần nhất, cuối năm 2016, Sở Giao thông vận tải TP.HCM tiếp tục đề xuất phương án làm việc lệch ca, học lệch giờ để giảm ùn tắc giao thông. 16 năm qua, đề án này vẫn chỉ tồn tại dưới dạng đề xuất.