Bất chấp một thế kỷ phát triển khoa học kỹ thuật, những gì con người trải qua trong đại dịch Covid-19 năm 2020 không khác là mấy so với đại dịch Cúm Tây Ban Nha năm 1918, theo AP.
Trong những năm giữa hai đại dịch chết chóc, thế giới đã phát hiện ra các loại virus, tìm ra cách chữa nhiều loại bệnh, chế tạo ra nhiều vaccine có hiệu quả, phát triển hệ thống thông tin liên lạc và mạng lưới y tế công cộng tinh vi.
Bệnh nhân được điều trị trong đại dịch Cúm Tây Ban Nha tại Oakland, Mỹ. Ảnh: AP. |
Thế nhưng, khi dịch bệnh ập đến, giống như năm 1918, khẩu trang là lựa chọn phát huy hiệu quả nhất để phòng bệnh. Hàng trăm nghìn người đã chết nhưng con người vẫn chưa tìm ra cách tiêu diệt loại bệnh truyền nghiễm chết người.
Không nhiều khác biệt sau 100 năm
Vào năm 1918, không ai có vaccine, phác đồ hay thuốc điều trị cho đại dịch khi Cúm Tây Ban Nha càn quét toàn thế giới, cướp đi sinh mạng hơn 50 triệu người. Tình trạng đó đang xảy ra một lần nữa đối với virus corona.
Khoa học hiện đại nhanh chóng phát hiện được virus corona, xác định được mã di truyền của nó và phát triển xét nghiệm phát hiện, những kiến thức không hề có vào năm 1918.
Điều này mang lại cho con người thêm nhiều cơ hội hơn để giảm nhẹ thiệt hại, ít nhất tại các quốc gia có khả năng xét nghiệm nhanh chóng.
Nhưng cách thức để tránh bị nhiễm bệnh và nên làm gì khi đã nhiễm bệnh không có nhiều thay đổi. AP cho rằng sai lầm của giới lãnh đạo nhiều quốc gia trong giai đoạn đầu chống dịch, cả trong quá khứ lẫn hiện tại, đã góp phần khiến dịch bệnh thêm trầm trọng.
Tại Mỹ, Tổng thống Trump tuyên bố chiến thắng đại dịch ngay cả trước khi dịch bệnh ăn sâu bén rễ tại nước này. Vào năm 1918, sự im lặng chính là sai lầm của chính quyền Tổng thống Woodrow Wilson trong phòng chống đại dịch.
Các nhà sử học cho biết Tổng thống Wilson khi đó chưa một lần công khai nói về dịch bệnh, mà sau đó đã giết chết 800.000 người Mỹ, kể cả sau khi chính bản thân ông đã nhiễm bệnh và chưa từng hồi phục hoàn toàn.
Điểm bị nghi ngờ là nơi Cúm Tây Ban Nha khởi phát kéo dài từ Kansas, Mỹ tới Trung Quốc ở bên kia địa cầu. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ từ thời kỳ đó cũng biết rõ Tây Ban Nha không phải nơi khởi nguồn của dịch bệnh.
Dịch bệnh được gắn với tên của đất nước Tây Ban Nha bởi truyền thông nước này đã nhanh chóng đưa tin về sự tàn phá khủng khiếp của dịch bệnh trong làn sóng lây lan đầu tiên vào đầu năm 1918.
Vào thời điểm đó, chính quyền nhiều quốc gia tham chiến trong Chiến tranh thế giới I, trong đó có Mỹ, liên tục kiểm duyệt và bác bỏ thông tin về dịch bệnh.
Giống với Covid-19, đại dịch cúm năm 1918 đến từ một loại virus đường hô hấp, nhảy từ động vật sang con người. Hai loại bệnh có cách lây truyền và biểu hiện bệnh lý tương tự, nhà sử học John Barry cho biết.
Giãn cách xã hội, rửa tay, đeo khẩu trang là những biện pháp phòng dịch hàng đầu vào thời điểm đó, tương tự như hiện nay.
"Nếu nhiễm bệnh, hãy ở nhà, nằm nghỉ trên giường, giữ ấm, uống nhiều nước nóng, hãy bình tĩnh cho tới khi triệu chứng qua đi. Sau đó hãy cẩn thận, mối nguy hiểm lớn nhất đến từ viêm phổi và các loại bệnh khác sau khi cúm qua đi", Ủy viên Y tế thành phố Chicago John Dill Robertson khuyến cáo người dân vào năm 1918.
Khuyến cáo y tế vào năm 2020 không có nhiều khác biệt so với 100 năm trước. Một số khuyến cáo mới nếu có cũng chỉ là "che mặt mỗi khi ho hoặc sổ mũi".
Thuyết âm mưu lan truyền
Năm 1918, bác sĩ phẫu thuật đã ghi chú trong sổ tay rằng "người chỉ có triệu chứng bệnh nhẹ có thể truyền bệnh trầm trọng cho người khác". Cảnh báo tương tự cũng được các bác sĩ và chuyên gia y tế đưa ra trong đại dịch Covid-19, đặc biệt sau khi phát hiện lượng lớn người nhiễm bệnh có thể truyền virus dù không có triệu chứng.
Khi Cúm Tây Ban Nha bùng phát, nhà chức trách cũng khuyến cáo người dân tránh các cách điều trị không truyền thống và chỉ nhận thuốc từ bác sĩ. Tuy nhiên, ngay cả các chuyên gia y tế cũng không phải lúc nào cũng biết rõ họ cần làm gì.
Các tạp chí y khoa vào năm 1918 đề cập tới nhiều các điều trị bất thường như dùng ánh sáng hay những loại thuốc chưa được phê chuẩn, dù có thể mang lại lợi ích, nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ.
Bệnh viện dã chiến tại Pennsylvania trong đại dịch Cúm Tây Ban Nha. Ảnh: CNN. |
Một bác sĩ vào năm 1918 đã khuyên bệnh nhân hít acid boric và sodium bicarbonate để rửa sạch đường hô hấp.
Một số khác khuyên người dân sử dụng một loại cây có chất đốc để giúp tuần hoàn máu, hay dùng thuốc phiện để khử trùng bên trong cơ thể, Laura Spinney, tác giả cuốn sách "Pale Rider: Cúm Tây Ban Nha năm 1918 và cách nó thay đổi thế giới", cho biết.
Sau 100 năm, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, con người có thêm nhiều kiến thức về dịch bệnh, nhưng thuyết âm mưu như thời Trung cổ liên quan tới virus corona vẫn có không gian để lan truyền.
Thuyết âm mưu đổ lỗi cho mạng 5G làm lây lan virus corona được lan truyền tại Anh, tương tự như cáo buộc sóng radio gây ra dịch cúm vào năm 1918. Hệ quả là, nhà chức trách Anh phát hiện hàng chục tháp điện thoại di động bị phá hủy sau khi xuất hiện thuyết âm mưu về mạng 5G.
Hàng loạt phương pháp phòng và chữa bệnh không hề có cơ sở khoa học được lan truyền trên các mạng xã hội như uống nước tăng lực, ăn thực phẩm có tính kiềm cao, bôi thuốc kháng sinh dạng mỡ vào mũi, hay thậm chí nín thở để không nhiễm virus.
Bài học từ Cúm Tây Ban Nha
Tháng 9/1918, khi làn sóng thứ hai của dịch Cúm Tây Ban Nha, và cũng là chết chóc nhất tới hiện nay, tấn công nước Mỹ, giám đốc cơ quan y tế Philadelphia đã phớt lờ các cố vấn và cho phép tổ chức cuộc diễu hành dọc thành phố để bán trái phiếu chiến tranh.
Sự kiện tại Philadelphia hành sau đó được gọi là cuộc diễu hành chết chóc nhất thế giới. Trong khi các quan chức thành phố khẳng định không có gì đáng lo ngại, người dân Philadelphia nhìn thấy những người xung quanh dần ngã bệnh và những ngôi mộ tập thể được đào.
"Sau một tháng, hơn 10.000 tại Philadelphia chết vì Cúm Tây Ban Nha, trong khi số người chết ở Saint Luois không vượt quá 700", Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ cho biết. Saint Luois trước đó cũng dự kiến tổ chức cuộc diễu hành tương tự Philadelphia, nhưng cuối cùng quyết định hủy bỏ sự kiện.
Bệnh viện tại Colorado quá tải vì Cúm Tây Ban Nha. Ảnh: Getty. |
Cuối tháng 11/1918, còi báo động vang lên ở San Francisco để đánh dấu chấm dứt 6 tuần phong tỏa thành phố, thông báo người dân có thể tháo khẩu trang. San Francisco, cũng như nhiều thành phố ở Bờ Tây, hầu như không bị ảnh hưởng bởi làn sóng dịch bệnh đầu tiên và có thời gian chuẩn bị cho làn sóng thứ hai.
San Francisco khi đó yêu cầu người dân bắt buộc đeo khẩu trang và bỏ tù những người bất tuân lệnh. Các biện pháp phòng ngừa phát huy hiệu quả, tỷ lệ tử vong tại San Francisco thấp hơn nhiều so với những nơi khác. Nhưng thành phố đã tự thỏa mãn quá sớm.
"Khi số ca nhiễm bệnh gần xuống bằng 0, các lãnh đạo thành phố nói: 'Hãy mở cửa thành phố. Hãy tổ chức cuộc diễu hành lớn ở trung tâm'. Và thế là họ cùng nhau tháo khẩu trang", Larry Brilliant, chuyên gia dịch tễ học người Mỹ, cho biết.
Tháng 12/1918, hàng nghìn ca nhiễm mới xuất hiện. Làn sóng dịch bệnh kéo dài sang cả năm 1919. Số người chết vì dịch bệnh tại San Francisco sau đó tăng thêm hơn 1.000 trường hợp. Đây là làn sóng tấn công cuối cùng của đại dịch Cúm Tây Ban Nha.