Nói về kế hoạch cổ phần hóa được cho là chậm so với kế hoạch, ông Trần Văn Bắc, Phó tổng giám đốc Tổng công ty thương mại Sài Gòn (Satra), cho biết có lý do khách quan từ việc xác định giá trị tài sản doanh nghiệp (DN). Hiện tổng công ty đang cùng đơn vị tư vấn hoàn tất các phần việc cuối cùng định giá tài sản, danh sách nhà xưởng... Ngay trong tháng 3 sẽ có quyết định xác định giá trị DN, chậm nhất là tháng 6 sẽ tổ chức IPO.
Cũng theo ông Bắc, Satra là DN không nằm trong danh sách Nhà nước nắm cổ phần chi phối khi cổ phần hóa. Tuy nhiên, do DN đang là đơn vị chủ chốt của TP.HCM thực hiện bình ổn giá hàng hóa trên thị trường, lại là đơn vị kinh doanh các mặt hàng chiến lược như gạo, xăng dầu nên lộ trình thoái vốn cũng phải đảm bảo các yêu cầu.
Theo lộ trình cổ phần hóa, trong năm 2017, tỷ lệ vốn Nhà nước tại DN này là trên 51%, đến sau năm 2019, tỷ lệ vốn Nhà nước mới xuống dưới mức 51%.
Năm 2016, doanh thu trên toàn hệ thống (công ty mẹ, các công ty con và công ty liên kết) của Satra đạt 55.266 tỷ đồng (tương đương khoảng 2,5 tỷ USD), lợi nhuận ước đạt gần 11.100 tỷ đồng, tăng 26,2%. Công ty mẹ đạt doanh thu 9.556 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 2.700 tỷ đồng.
Mở rộng hệ thống bán lẻ với thế mạnh là thực phẩm, hàng tươi sống là tham vọng trong tiến trình thay đổi mô hình hoạt động của Satra. Ảnh: TT |
Riêng mảng bán lẻ, DN này đưa ra kế hoạch đạt doanh thu 15.000-18.000 tỷ đồng đến năm 2020. Đây cũng là lĩnh vực được xác định là thế mạnh và tập trung phát triển.
Trong kế hoạch tăng tốc để cổ phần hóa, việc mở rộng chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi là tham vọng được đặt ra. Không còn bó gọn tại thị trường TP.HCM, nhà bán lẻ này bắt đầu mở rộng hệ thống ra các tỉnh, thành khác. Mở đầu là 2 cửa hàng tiện lợi tại thành phố Cần Thơ mở cửa trong tháng 1.
Ông Bắc cho biết sau Cần Thơ, Satra sẽ tiếp tục mở siêu thị, cửa hàng tiện lợi tại các tỉnh khác ở miền Tây, miền Trung và thị trường Hà Nội.
Hệ thống bán lẻ này hiện có 108 siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại. Con số này sẽ nâng lên khoảng 160 trong năm nay, bằng việc mở ra các tỉnh thành khác, trong đó ưu tiên phát triển chuỗi cửa hàng tiện lợi Satrafoods, nhằm tạo kênh phân phối tiêu thụ hàng hóa của các đơn vị thành viên nói riêng và hàng Việt Nam nói chung.
Các mặt hàng kinh doanh chủ lực của nhà bán lẻ này trong năm 2017 được xác định là gạo, mỡ cá, xăng dầu, thủy hải sản và thực phẩm chế biến xuất khẩu.
Satra là một trong 17 doanh nghiệp Nhà nước hàng đầu tại TP.HCM với 64 công ty thành viên, hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất chế biến, xuất nhập khẩu và thương mại, dịch vụ...