Trong suốt những ngày lấm lem bùn đất để đi tìm lại sự thật về những phận đời xấu số đã thiệt mạng trong thảm họa sạt lở tại xã Minh Lương (huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai), tôi vô tình cũng hòa vào cuộc sống của những phu vàng.
Cuộc đời của họ quanh năm gắn liền với việc đào bới để tìm kiếm thứ tài nguyên quý giá cho những kẻ buôn vàng mà không hay rằng họ đang tự đào hố để dọn đường cho tử thần xuất hiện nhấn chìm họ dưới hàng tấn đất đá vào bất cứ lúc nào.
Chiếc cáng khênh thi thể của phu vàng. |
Thảm họa xảy ra, hàng chục phu vàng đã chết, thi thể bị xé nát, một phần máu thịt bị vùi chôn dưới những lớp đất đá không thể tìm thấy, thế nhưng nỗi đau đó vẫn chưa là gì khi cái chết của họ đã bị chính quyền địa phương “vùi lấp” thêm một lần nữa bằng những con chữ, số liệu sai sự thật để sự ra đi của họ mãi mãi chỉ có rừng xanh mới hiểu thấu.
Chỉ những người bước đến nơi những công nhân đã bỏ mạng, được nghe, được nhìn lại những dấu vết thương tâm về vụ thảm họa sạt lở mới thấy xót xa cho phận đời ngắn ngủi của những phu vàng.
Căn nhà của nạn nhân Bùi Văn Ai bao trùm một không khí thê lương. |
Hàng chục ngày đã trôi qua, nhưng chàng trai 16 tuổi Bùi Văn Hà, phu vàng trẻ nhất đi làm thuê tại bãi vàng Minh Lương, vẫn còn ám ảnh từ vụ sạt lở.
Hà kể phu vàng chia người làm 2 ca cùng một lò (ca đêm bắt đầu làm từ 5h chiều đến 5h sáng, ca ngày từ 5h sáng đến 5h chiều). Mỗi lò vàng có vài chục người làm việc liên tục.
Ngày xảy ra sự việc, Hà đi làm ca đêm. Mấy ngày liền trời mưa to, ở trong lò đất bùn nhão nhoét. Khoảng gần 1h sáng, Hà nghe tin ở bên ngoài đất đã vùi lấp toàn bộ lán của những người làm ca ngày, trong khi họ đang ngủ.
Trụ cột gia đình mất đi bỏ lại những người đàn bà và trẻ nhỏ gồng gánh nuôi nhau. |
Lúc đó trong lán có 27 người, chủ yếu là người vùng Lạc Sơn (Hòa Bình). Hà cùng mọi người ra khỏi lò, soi đèn và thấy cảnh tượng hãi hùng. Toàn bộ lán trại đã bị đất đá vùi sâu, người thì chẳng thấy đâu hết.
Mọi người tìm kiếm phát hiện một số người bị thương, trong đó có Bùi Văn Miên, Bùi Văn Hiểu, Bùi Văn Thường, Bùi Văn Đào (ở xóm Quàn), Bùi Văn Son (xóm Chạo, xã Tuân Đạo) và Bùi Văn Chiến (xóm Mòi, xã Tân Lập) cùng với một số người khác quê Thái Nguyên. Đặc biệt có Bùi Văn Lên (SN 1988 tại xóm Củ, xã Quý Hòa) được cứu sống trong tình cảnh hết sức nguy kịch. Toàn bộ người đã bị chôn vùi chỉ còn thò cái đầu lên khỏi mặt đất.
Nhớ lại cảnh đào bới tìm kiếm thi thể người chết, Hà vẫn còn chưa hết sợ. Chàng trai này bảo rằng về đêm rất khó ngủ, cứ nhắm mắt lại là nghĩ đến cảnh những xác chết mặt mũi lấm lem, trương phềnh được moi lên dưới bùn đất.
Chúng tôi đến nhà của phu vàng xấu số Bùi Văn Ai. Chị vợ Bùi Thị Nhạn chít khăn tang trắng, bế đứa con trai mới 3 tuổi nước mắt giàn giụa khi nhắc đến chồng. Chị Nhạn và anh Ai kết hôn năm 2006 và đã có 2 đứa con, đứa lớn là Bùi Văn Biển đang học lớp mầm non 5 tuổi, đứa nhỏ là Bùi Khánh Hòa đang học lớp 3 tuổi.Từ nay một mình chị Nhạn sẽ phải cáng đáng lo cho hai đứa con ăn học bởi đã mất đi lao động trụ cột là anh Ai.
Phải chứng kiến những cảnh tượng đau lòng, đứng giữa khung cảnh thê lương tang tóc, chúng tôi cũng chỉ còn biết động viên an ủi cho thân nhân của những phu vàng xấu số.
Những cỗ quan tài nằm đầy Xóm Khu, Xóm Chạo chứa thi thể của các phu vàng là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy vụ sạt lở đã làm hàng chục người chết thảm chứ không phải chỉ là con số 2 người chết như trong văn bản báo cáo của chính quyền địa phương.