Tuyên bố của Phủ Nội vụ Hoàng gia vào cuối ngày 23/3 cho biết nhà vua quan tâm đến sự ổn định quốc gia cùng cảm xúc và hạnh phúc của người dân.
Vì vậy, nhà vua trích dẫn từ bài phát biểu của cha mình để ủng hộ về mặt tinh thần cho người dân và các quan chức, đồng thời nhắc nhở mọi người sử dụng bài phát biểu làm kim chỉ nam trong nhiệm vụ mang lại sự đoàn kết, ổn định và hạnh phúc của người dân.
Hoàng cung cho biết nhà vua nhắc lại những bình luận được cha của ông đưa ra vào năm 1969 về sự cần thiết "để khuyến khích những người tốt điều hành đất nước và ngăn chặn những người xấu khỏi quyền lực và tạo ra sự hỗn loạn".
Vua Maha Vajirusongkorn. Ảnh: AFP. |
Theo Reuters, thông điệp của Vua Maha Vajirusongkorn được đưa ra chưa đầy 12 giờ trước khi các điểm bỏ phiếu được mở là động thái gây bất ngờ, khác với cách tiếp cận của người cha quá cố của ông, người giữ khoảng cách giữa chế độ quân chủ và chính trị trong những năm cuối đời.
Quốc vương quá cố Bhumibol Adulyadej, người qua đời vào tháng 10/2016 sau khi trị vì 7 thập kỷ, xa rời chính trường trong thập kỷ cuối đời khi Thái Lan bị rung chuyển bởi các cuộc đụng độ giữa giới tinh hoa ở thủ đô Bangkok và những người theo chủ nghĩa dân túy ở nông thôn.
Sự can thiệp vào phút cuối của Quốc vương Maha Vajirusongkorn diễn ra chưa đầy hai tháng sau khi hoàng gia ngăn chặn việc ứng cử của Công chúa Ubolratana cho vị trí thủ tướng.
Viết trên Twitter, nhà báo Andrew MacGregor Marshall cho rằng thông báo bất ngờ của Vua Vajirusongkorn nói với cử tri chọn "người tốt" là một sự can thiệp trắng trợn khác trong nền dân chủ Thái Lan.
Người Thái biết rằng "người tốt" là một uyển ngữ cho các đồng minh hoàng gia và quân đội. Marshall cho rằng Vua Vajirusongkorn đang ngầm kêu gọi người dân Thái Lan không bỏ phiếu cho Pheu Thai hoặc Future Forward Party.
Bầu cử Thái Lan diễn ra sau gần 5 năm quân đội trực tiếp cầm quyền. Đây được xem là cuộc đối đầu giữa nhà lãnh đạo chính quyền quân sự Prayut Chan-ocha, người muốn ở lại với tư cách lãnh đạo dân cử, và "mặt trận dân chủ" của các đảng phái phản đối chính quyền quân sự.