Những lá phiếu quyết định kết quả bầu cử Thái Lan 2019
Chủ nhật, 24/3/2019 05:42 (GMT+7)
05:42 24/3/2019
Chuyên gia nhận định tiền bạc không phải vấn đề cốt lõi mà những nhóm cử tri quan trọng như người trẻ, nông dân, binh sĩ... mới có thể quyết định kết quả bầu cử Thái Lan 2019.
Ngày 24/3, Thái Lan chính thức bước vào cuộc tổng tuyển cử đầu tiên sau 8 năm nhằm bầu ra lưỡng viện và thủ tướng mới. Trước đó, các đảng chính trị đã sử dụng vô số hình thức vận động tranh cử khác nhau, từ mua phiếu đến đồng loạt đổi tên thành Thaksin - cựu thủ tướng Thái Lan - khiến đây trở thành cuộc bầu cử sôi động đáng chú ý.
Thanathorn Juangroongruangkit, lãnh đạo đảng Future Forward Party, phát biểu tại buổi vận động tranh cử tại Bangkok, Thái Lan, hôm 22/3. Một số nhà phân tích cho rằng vấn đề tiền bạc không phải yếu tố cốt lõi. Những lá phiếu quyết định nằm trong tay nhóm cử tri thuộc các doanh nghiệp lớn, tầng lớp trung lưu thành thị, công nhân, nông dân, người trẻ và binh sĩ, theo AP.
Thủ tướng Prayut Chan-o-cha tham dự cuộc vận động của đảng Palang Pracharath ở trung tâm Bangkok hôm 22/3. Theo Chris Baker, nhà sử học và chuyên gia về chính trị Thái Lan, các tập đoàn lớn thống trị nền kinh tế Thái Lan và các gia tộc đứng sau thường có thiên hướng bảo thủ, đồng thời muốn tránh sự bất ổn chính trị. Các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào nhiều ngành sản xuất của Thái Lan cũng có quan điểm tương tự.
Dù ứng cử viên nào chiến thắng, nhóm doanh nghiệp này vẫn có thể được lợi. Tuy nhiên, nếu quần chúng công khai phản đối dữ dội kết quả bầu cử được cho không công bằng, môi trường đầu tư có thể bị ảnh hưởng xấu.
Người ủng hộ đảng Palang Pracharat thân chính phủ ở tỉnh Narathiwat, miền Nam Thái Lan. Nhóm cử tri quan trọng khác là công nhân và nông dân. Ở các vùng nông thôn Thái Lan, điều kiện kinh tế và chất lượng các dịch vụ công tụt hậu rất xa so với đô thị. Mặc dù tỷ lệ nghèo đói giảm rõ rệt, xuống dưới 10% dân số, năng suất nuôi trồng đã chững lại với sản lượng lúa và ngô bị giảm xuống so với các nước láng giềng.
Ngay cả lĩnh vực công nghiệp cũng không theo kịp các quốc gia khác trong khu vực. Nhóm cử tri công nhân, nông dân là những người ủng hộ mạnh mẽ các đảng liên kết với cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra bởi từng hưởng lợi từ các chính sách dưới thời ông. Trong ảnh, người ủng hộ tham dự cuộc vận động của đảng Palang Pracharath ở trung tâm Bangkok hôm 22/3.
Tầng lớp trung lưu đô thị Thái Lan ở Bangkok hiện bị chia rẽ. Một mặt, họ là lực lượng lật đổ các chính phủ quân sự trước đó đã nắm quyền quá lâu, và rất tự hào về việc Thái Lan nổi lên như một quốc gia dân chủ, có thu nhập trung bình. Tuy nhiên, cũng chính họ là những người đã xuống đường biểu tình nhiều lần trong hàng chục năm qua để tìm cách lật đổ chính quyền cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra, với cáo buộc tham nhũng và sử dụng chính sách dân túy. Ông Baker cho rằng nhóm cử tri này vẫn còn xu hướng bảo thủ rất mạnh mẽ.
Ngoài ra, Thái Lan có 7 triệu cử tri trên 18 tuổi đủ điều kiện bỏ phiếu lần đầu. Trong số đó có những sinh viên tốt nghiệp đại học phải vật lộn để có được công việc lương cao. Bên cạnh đó là nhóm thanh niên không có bằng cấp, kinh doanh nhỏ trên đường phố, lái taxi và nhiều nghề nghiệp khác không yêu cầu chuyên môn. Trong cuộc bầu cử trước, đảng ủy nhiệm của ông Thaksin đã có thể kêu gọi nhóm cử tri này với lời hứa sẽ tăng mức lương tối thiểu và đảm bảo mức lương khởi điểm cho sinh viên tốt nghiệp đại học. Theo ông Baker, nhóm người trẻ đang có xu hướng bầu cho các đảng ủng hộ chính quyền quân đội vì lý do tương tự.
Nhóm cử tri đóng vai trò quan trọng không kém là binh sĩ Thái Lan. Sau khi Hiến pháp được sửa đổi năm 2017 theo hướng có lợi cho quân đội, Thủ tướng đương nhiệm Prayut Chan-ocha đang nỗ lực trở thành người đứng đầu chính phủ dân sự mới. Nếu Tướng Prayut tiếp tục nắm quyền, lợi ích của quân đội sẽ được đảm bảo nhờ nguồn ngân sách hào phóng. Điều này cũng giúp quân đội Thái Lan tránh bị cải cách nhằm làm kiềm chế sức mạnh chính trị lẫn khả năng tài chính.
Chuyên gia Baker cho rằng nếu Tướng Prayut chiến thắng trong cuộc bầu cử, quân đội Thái Lan sẽ được giữ nguyên trạng theo hướng có lợi. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng dù có xu hướng bảo thủ, quân đội Thái cũng có tính phe phái và không thể loại trừ một cuộc đảo chính trong tương lai.
Cuộc tổng tuyển cử Thái Lan năm nay có khoảng 51,4 triệu cử tri, 81 đảng tranh cử, 68 ứng cử viên thủ tướng và 10.792 ứng cử viên nghị sĩ thuộc 350 khu vực bầu cử. Ba liên minh đảng lớn chiếm ưu thế bao gồm đảng Pheu Thai (chống chính quyền quân sự, chiếm ưu thế ở miền Bắc và Đông Bắc), đảng Palang Prachat (ủng hộ chính quyền quân sự, chiếm ưu thế ở khu vực Bangkok) và đảng Dân chủ (trung lập, chiếm ưu thế ở miền Nam).
Pauline Ngarmpring, người chuyển giới đầu tiên là ứng viên thủ tướng trong cuộc bầu cử ngày 24/3, đấu tranh cho quyền của cộng đồng LGBT với hy vọng có thể thúc đẩy cải cách.
Một ngày trước giờ G, tương quan lực lượng giữa các đảng phái chính trị tại Thái Lan vẫn rất khó đoán, với lợi thế bầu cử đôi chút nghiêng về phe quân đội.
Việc Mỹ rút khỏi WHO sẽ khiến tổ chức này mất nguồn tài trợ lớn nhất, từ đó ảnh hưởng đến khả năng ứng phó với các cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng như đại dịch COVID-19.