Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sasco thấm đòn nặng nề vì dịch Covid-19

Doanh thu thuần quý II của Sasco chỉ vỏn vẹn 60 tỷ đồng, mức thấp kỷ lục trong lịch sử hoạt động của công ty, khi dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng lên ngành hàng không.

Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco) mới công bố báo cáo tài chính quý II. Tiếp nối quý I, kết quả kinh doanh 3 tháng qua của Sasco cũng sụt giảm nghiêm trọng vì dịch Covid-19.

Doanh thu thuần của Sasco trong quý II là 60 tỷ đồng. Đây là mức doanh thu theo quý thấp kỷ lục của Sasco từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán năm 2016. So với cùng kỳ 2019, doanh thu của công ty dịch vụ sân bay này “bốc hơi” 91%.

Với biên lợi nhuận gộp 38%, lãi gộp của Sasco trong kỳ vừa qua đạt 23 tỷ, chỉ bằng 7% so với quý II năm trước.

Doanh thu quý II chạm đáy là điều được báo trước với các doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng không. Hoạt động vận tải bằng đường không gần như đóng băng trong tháng 4 để thực hiện yêu cầu giãn cách xã hội. Trong hai tháng còn lại, thị trường nội địa bắt đầu hồi phục nhưng hàng không quốc tế chưa mở cửa trở lại.

Sasco anh 1

Đồ họa: Việt Đức.

Doanh thu thuần và lãi gộp sụt giảm nghiêm trọng nhưng Sasco ghi nhận khoản doanh thu hoạt động tài chính lên tới 122 tỷ, tăng 14%. Phần lớn trong khoản thu này đến từ cổ tức, lợi nhuận được chia.

Nhờ khoản doanh thu tài chính đáng kể, Sasco vẫn có lợi nhuận sau thuế 36 tỷ đồng. Mức giảm lợi nhuận của công ty so với cùng kỳ năm ngoái là 79%, thấp hơn tỷ lệ giảm doanh thu.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Sasco đạt doanh thu thuần 584 tỷ đồng và lãi ròng 52 tỷ. Với tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 lên ngành hàng không, hai chỉ tiêu kinh doanh quan trọng của doanh nghiệp sụt giảm lần lượt 59% và 80% sau một năm.

Sasco hiện là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ hàng không, chuyên quản lý và vận hành hệ thống cửa hàng miễn thuế, bán hàng lưu niệm, nhà hàng, phòng chờ tại sân bay lớn nhất tại Việt Nam. Trong đó, các cửa hàng của công ty tập trung chủ yếu tại cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Cơ cấu sở hữu tại Sasco rất cô đặc với 2 nhóm cổ đông chính. Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) là cổ đông lớn nhất sở hữu 49% vốn. Nhóm cổ đông gồm 3 công ty của gia đình Chủ tịch HĐQT Hạnh Nguyễn chiếm 45% cổ phần.

Covid-19 thổi bay doanh thu, lợi nhuận của Sasco
Kết quả kinh doanh lũy kế 6 tháng của Sasco so với cùng kỳ
Nhãn6T 20186T 20196T 2020
Doanh thu thuần tỷ đồng 13321432583
Lợi nhuận sau thuế
19025752

Năm nay, Sasco đặt kế hoạch kinh doanh 2020 với chỉ tiêu doanh thu thuần 1.109 tỷ đồng, giảm 62% so với 2019. Mục tiêu lợi nhuận trước thuế chỉ 23 tỷ đồng, giảm 95%.

Sở dĩ công ty lãi 52 tỷ sau 2 quý nhưng chỉ đặt kế hoạch lợi nhuận cả năm hơn 20 tỷ do trích lập dự phòng lỗ vì các đường bay quốc tế chưa mở lại. Công ty bị ảnh hưởng nặng nhất do nhà ga quốc tế tại sân bay Tân Sơn Nhất không hoạt động khiến doanh thu bằng 0 nhưng vẫn chịu nhiều chi phí.

Toàn bộ hệ thống bán hàng miễn thuế tại sân bay Tân Sơn Nhất và Cam Ranh của Sasco đã tạm đóng cửa nhưng công ty vẫn phải tốn chi phí để bảo dưỡng cửa hàng.

Các đường bay nội địa đã phục hồi nhưng sức mua từ hành khách chưa trở lại như trước dịch. Khách nội địa đóng góp 40-50% lợi nhuận của Sasco trong khi tỷ trọng của khách quốc tế chiếm 50-60%.

Năm 2020, Sasco sẽ tập trung triển khai các dự án cải tạo, sữa chữa và nâng cấp những điểm kinh doanh ở sân bay Tân Sơn Nhất; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án Làng ẩm thực mua sắm tại đường Nguyễn Trung Trực, Khu căn hộ, dịch vụ và văn phòng cho thuê tại đường Nguyễn Chí Thanh, Khu nghỉ dưỡng tại đường trần Hưng Đạo (Bà Kèo) cùng ở huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang).

Sabeco quyết giành thêm thị phần khi ngành bia lao đao

“Đầu tư vào thương hiệu tốt nhất là lúc thị trường đang giảm. Những người khác dừng lại và chúng tôi có nhiều cơ hội để nổi lên hơn”, CEO Sabeco chia sẻ với Zing.

Việt Đức

Bạn có thể quan tâm