Phân biệt chủng tộc là một trong những điểm đen của thế giới bóng đá, ngay cả những ngôi sao nổi tiếng thế giới đều từng trở thành nạn nhân của điều này.
1. Lionel Messi
Messi từng bị cáo buộc phân biệt chủng tộc với Royston Drenthe bên phía Real Madrid. "Các anh biết điều gì khiến tôi khó chịu nhất không? Anh ta (Messi - PV) cứ nói 'negro, negro' suốt. Tôi biết cụm từ này phổ biến ở Nam Mỹ nhưng tôi không thể chịu đựng được", Drenthe quả quyết.
Vụ việc này sau đó bị chìm xuồng khi Drenthe rời Real, còn Messi trở thành biểu tượng thậm chí quyền lực số một tại Barca. Messi cũng hiếm khi vướng phải các cáo buộc phân biệt chủng tộc tính đến lúc này của sự nghiệp.
2, Luis Suarez - Patrice Evra
Đây là vụ phân biệt chủng tộc giữa hai cá nhân nổi tiếng nhất sân cỏ Premier League trong lịch sử. Sau trận hòa 1-1 giữa Liverpool và MU vào ngày 15/10/2011, Evra đã lên tiếng tố cáo Suarez phân biệt chủng tộc với anh. Chân sút người Uruguay lập tức đăng đàn bác bỏ cáo buộc trên và cho rằng hậu vệ MU cố tình dựng chuyện để hãm hại anh.
LĐBĐ Anh (FA) sau đó vào cuộc và xác nhận Suarez đã có ít nhất 10 lần dùng lời lẽ miệt thị màu da của Evra. Suarez bị treo giò 8 trận và nộp phạt 40.000 bảng. Sau khi trở lại, Suarez không bắt tay Evra khi MU và Liverpool chạm trán. MU thắng trận đó và cảnh tượng này diễn ra.
3, Romelu Lukaku
Ngay khi tới Italy khoác áo Inter Milan, Romelu Lukaku đã phải đối mặt với nỗi nhức nhối lớn nhất của sân cỏ xứ mỳ ống: phân biệt chủng tộc. Tiền đạo người Bỉ bị các CĐV Cagliari phân biệt bằng việc nhại lại tiếng khỉ. Đáp lại, Lukaku ghi bàn giúp Inter thắng trận. Mọi chuyện trở nên tệ hơn khi một bình luận viên cũng có lời lẽ phân biệt với Lukaku. Nhân vật này lập tức bị sa thải sau đó.
4, Mario Balotelli
Balotelli chưa bao giờ bị phân biệt chủng tộc tại Anh, nhưng những soi mói quá đà vào đời tư tiền đạo này cũng là một hình thức miệt thị riêng biệt của truyền thông xứ sở sương mù. Sau khi ghi bàn mở tỷ số trong chiến thắng 6-1 của Man City trước MU tại Old Trafford. Balotelli đã có màn ăn mừng kinh điển với dòng chữ "Tại sao luôn là tôi?" nhằm đáp trả truyền thông tọc mạch của xứ sương mù.
5, Roberto Carlos
Khi chuyển tới Anzhi Makhachkala vào năm 2011, Roberto Carlos huyền thoại cũng bị những CĐV tại Nga phân biệt chủng tộc nặng nề. Một quả chuối đã bị ném xuống sân gần vị trí của cầu thủ người Brazil. Vài tháng sau, vẫn là một quả chuối bị ném xuống, lần này Roberto Carlos bỏ ra ngoài sân không thi đấu để phản ứng.
6, Đội tuyển Serbia
Hồi tháng 10, ĐT Serbia đã bị UEFA phạt 37.000 USD vì để các CĐV có những hành vi phân biệt chủng tộc trong trận thua 2-4 trước Bồ Đào Nha tại Vòng loại Euro 2020. Khu vực Đông Âu là nơi xuất hiện tình trạng phân biệt chủng tộc nhiều nhất tại lục địa già. Trong bất kỳ giai đoạn tổ chức Vòng loại World Cup hay Euro nào, FIFA hoặc UEFA đều phải can thiệp và phạt tiền khu vực này vì những hành vi phân biệt chủng tộc.
7, Mexico
Sau khi ĐT Hàn Quốc đánh bại ĐT Đức với tỷ số 2-0 tại trận đấu cuối cùng của bảng F, một bình luận viên tại Mexico đã quá vui mừng và bèn "cảm ơn" Hàn Quốc bằng cử chỉ lấy tay kéo mắt. Hành động này sau đó đã lan rộng ra cả đất nước. BBC bình luận đây là hành động "phân biệt chủng tộc thuần túy" (pure racism).
Kênh Telemundo sau đó đã sa thải bình luận viên này.
8, Sasa Todic
Nhà cầm quân người Hàn Quốc bị trợ lý Sasa Todic của tuyển Thái Lan có cử chỉ miệt thị sau khi trận đấu Việt Nam và Thái Lan kết thúc tại Mỹ Đình chiều 19/11. HLV Park đã bước tới tranh cãi với đội ngũ huấn luyện của Thái Lan. Ảnh: Minh Chiến.
Ông Todic hôm 21/11 đã xin lỗi tất cả, chỉ trừ HLV Park và khẳng định đó không phải hành vi phân biệt chủng tộc. HLV này lý giải hành động của mình có ý nghĩa Thái Lan rồi sẽ vượt qua Việt Nam trên BXH. Phó chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn xác nhận với Zing.vn: "Chúng tôi đã gửi văn bản kiến nghị đến Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) về hành vi của trợ lý Sasa Vesna Todic bên phía đội tuyển Thái Lan với huấn luyện viên Park Hang-seo". Ảnh: Minh Chiến.