Phong trào sáp nhập
Thị trường mua bán, sáp nhập, hợp nhất (M&A) ngân hàng đang nóng hổi, khi các ngân hàng lần lượt công bố phương án sáp nhập với ngân hàng khác. Hàng loạt ngân hàng nhỏ công bố sẽ sáp nhập vào các ngân hàng lớn: Mekong bank vào MaritimeBank, DaiABank vào HDBank, PhuongNamBank và Sacombank, hay Phương Tây sáp nhập vào PVFC thành (PVcomBank), HBB nhập vào SHB. Còn PGBank hợp vào Vietinbank theo mô hình “ngân hàng trong ngân hàng”. Riêng GPank sẽ là ngân hàng đầu tiên của Việt Nam được bán lại 100% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài.
Những ngân hàng nhỏ sẽ "lột xác" hay mất tên sau sáp nhập? |
Như vậy, lộ trình M&A năm nay sẽ có 6-7 ngân hàng sẽ sáp nhập, sẽ còn vài ngân hàng nhỏ nữa sẽ phải công bố danh tính, khi các “ông lớn” đang tuyên bố tìm ngân hàng tốt để nhận sáp nhập. Ví như Vietcombank cũng đã tiết lộ sẽ nhận ngân hàng sáp nhập vào mình.
Trong tuyên bố định hướng trở thành tập đoàn tài chính – ngân hàng mới đây, ngân hàng Quân Đội (MB) cũng hé lộ kế hoạch săn ngân hàng nhỏ để nhận sáp nhập. Mặc dù không phải là ngân hàng lớn, chỉ với vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, ngân hàng Bản Việt (VietCapitalBank) trong tài liệu báo cáo ĐHCĐ 2014 cũng chủ trương kế hoạch nhận sáp nhập ngân hàng.
Theo ông Đỗ Duy Hưng, Tổng giám đốc VietCapitalBank, thực ra thông tin về chủ trương nhận sáp nhập ngân hàng của VietCapitalBank đã có trong các kỳ ĐHĐCĐ năm trước của ngân hàng. Nếu thấy trong quá trình phát triển của ngân hàng nếu có lợi thì làm. Hiện trên thị trường còn khoảng 12 ngân hàng có vốn điều lệ tối thiểu theo quy định là 3.000 tỷ đồng. Đây là nguy cơ đối với những ngân hàng này, vì trong điều kiện hiện nay nếu nhỏ bé quá cũng là bất tiện.
Một chuyên gia ngân hàng cấp cao phân tích, các ngân hàng nhỏ dần biến mất trên thị trường tài chính-ngân hàng Việt sẽ là những tên tuổi mà trong giới ai cũng dễ dàng đoán ra. "Đây không còn là chuyện sốc đối với các ngân hàng nhỏ, chỉ là cú sốc với cổ đông của họ mà thôi. Vì thực ra, kế hoạch cho lộ trình các ngân hàng “kết duyên” với nhau đã có đề án từ năm 2011, đến nay chỉ còn việc thực thi", vị chuyên gia trên cho biết.
Bập bềnh sóng M&A
Thị trường tiền tệ-ngân hàng từ hai năm nay đã nóng lên chuyện thiếu thanh khoản của nhiều ngân hàng nhỏ, mà 1 trong 3 ngân hàng tham gia hợp nhất đầu tiên là SCB đã bị rơi vào kiểm soát đặc biệt. Thực tế, cả 3 ngân hàng đã thuộc cùng một chủ sở hữu từ lâu, và đây chỉ là sự phân tách vốn nhỏ lẻ của ông chủ.
Phân tích về việc phân vốn của một cổ đông trong nhiều ngân hàng, một chuyên gia cho biết, điều này đã và đang bộc lộ nhiều điểm bất hợp lý. Cụ thể, việc nhiều ngân hàng độc lập nhưng có chung một ông chủ thực chất đã làm xé lẻ vốn điều lệ khiến năng lực cạnh tranh yếu. Điều này cho thấy, sau hợp nhất 3 ngân hàng trên thì ngân hàng mới có vốn điều lệ trên 10.000 tỷ đồng.
Thứ hai, đại gia thành lập ngân hàng sẽ có thể dẫn đến việc lợi dụng vốn huy động của dân để cho vay đầu tư kinh doanh các dự án của chính đại gia này (dưới sự đứng tên của người khác…) dẫn đến việc sử dụng vốn không hiệu quả, các khoản vay ưu đãi không minh bạch dẫn đến nợ xấu.
Theo ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, hệ thống ngân hàng còn rất nhiều vấn đề và rủi ro còn khá cao. Trước mắt, các cuộc sáp nhập sẽ giúp lành mạnh hóa năng lực tài chính cho các ngân hàng, mạnh hơn về vốn, giảm thiểu rủi ro sở hữu chéo, các dòng tiền được giám sát minh bạch hơn dù không phải cuộc “hôn nhân” nào cũng đẹp.
Còn ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy Ban Giám sát Tài chính quốc gia cho rằng, bây giờ thị trường đang “over bank” (quá nhiều ngân hàng), song không có nghĩa là mạng lưới rộng, khi ở những vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, ngân hàng chưa “phủ sóng”.
Để có làn sóng M&A ngân hàng trong năm 2014 này, Chính phủ đã có Đề án về tái cấu trúc ngành ngân hàng từ cuối năm 2011 theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3. Việc M&A ngân hàng nếu minh bạch giá và định giá đúng thì không vấn đề gì. Còn khi xử lý xong những “ông nhỏ” này thì lúc đó lại là một câu chuyện sau nữa.