Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao nhân viên ngân hàng nhảy việc?

Các chuyên gia ngân hàng chỉ ra rằng, việc thay đổi lãnh đạo ngân hàng liên tục, cho vay khó khăn, nợ xấu còn cao… cũng làm nản lòng cán bộ, nhân viên và họ chủ động tìm lối thoát.

Khảo sát của JobStreet.com với đối tượng công ty và nhân viên để biết được mức tăng lương và thưởng trong năm 2014 tại Việt Nam, cho thấy tín hiệu tốt của nền kinh tế, đó là hơn 35% công ty, trong đó có lĩnh vực ngân hàng, được khảo sát đưa ra mức thưởng cao hơn năm trước vì công ty kinh doanh tốt hơn.

Anh minh họa

Các công ty trong lĩnh vực sản xuất, công nghệ thông tin, nhà hàng khách sạn đưa ra mức thưởng bằng với bình quân chung từ 1,28 - 1,3 tháng lương. Trong khi những lĩnh vực như tài chính hay ngân hàng thì mức thưởng bình quân khoảng 1,8-2 tháng lương.

“Và khi được hỏi về quyết định thay đổi công việc khi nhận được thông tin về mức lương thưởng trong năm, có đến 58% người lao động quyết định sẽ thay đổi công việc mới” – khảo sát của JobStreet.com cho biết.

Mặc dù khảo sát trên cũng cho thấy, có thể mức thưởng của nhân viên ngân hàng kỳ vọng sẽ cao hơn trong năm nay, nhưng với bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, hoạt động kinh doanh của các ngân hàng cũng khó khăn. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) cũng sẽ khiến nhân lực ngành ngân hàng có nhiều xáo trộn, nên chuyện nhảy việc trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng sẽ diễn ra thường xuyên.

Cán bộ làm công tác nhân sự của một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết, mặc dù chưa phải tái cơ cấu, nhưng khi ngân hàng cơ cấu lại hoạt động kinh doanh theo hướng nâng cao chất lượng, khiến một số bộ phận nhân viên “thừa ra” nên buộc họ phải tìm nơi làm việc mới và chuyển công tác.

Phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần cho hay, trước đây nhân lực ngân hàng luôn hấp dẫn, thậm chí nhiều ngân hàng cạnh tranh nhau gay gắt bằng lương thưởng, thì vài năm gần đây chỉ những vị trí có tầm ảnh hưởng, có chất lượng mới được chào mời.

Đặc biệt, với các ngân hàng đang có phương án hợp nhất, sáp nhập, sẽ không tránh khỏi sự dịch chuyển nhân sự. Ngoài việc dịch chuyển nhân sự trong lĩnh vực ngân hàng còn có sự chuyển đổi công việc sang lĩnh vực khác. Một cựu nhân viên của VIB còn cho biết, lý do anh này bỏ việc về nhà kinh doanh hàng ăn là vì lương, thưởng ngày càng giảm.

Trần Ngọc Anh - một cán bộ ngân hàng từng nhảy việc từ ngân hàng này sang ngân hàng khác cho biết, khi mà kinh doanh khó khăn, mỗi ngân hàng có cách kinh doanh, sản phẩm, khẩu vị rủi ro riêng. Vì thế định hướng kinh doanh của ngân hàng có thể phù hợp với thế mạnh của nhân viên này nhưng không phải sở trường với nhân viên khác, nên cũng dẫn tới quyết định chuyển công tác.

Ngoài ra, sự khác nhau về chế độ đãi ngộ, cơ chế dễ làm, chỉ tiêu khoán… cũng khiến nhân viên đứng núi này, trông núi nọ.

“Không chỉ với các ngân hàng thương mại Nhà nước mà với các ngân hàng thương mại cổ phần hiện nay cũng áp dụng hình thức luân chuyển cán bộ, đặc biệt số lãnh đạo cấp chi nhánh hoặc cấp phòng, từ chi nhánh này sang chi nhánh khác để khai thác thị trường mới, tránh việc chỉ cho vay tập trung vào một số khách hàng “ruột”, khách hàng truyền thống, đồng thời cũng hạn chế được rủi ro. Đó là cách quản trị của từng ngân hàng” – Thành viên HĐQT của một ngân hàng lớn cho biết.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng, việc chuyển đổi vị trí, nhảy việc từ ngân hàng này sang ngân hàng khác, thậm chí chịu sa thải là xu hướng chung trong bối cảnh hiện nay. Ngay như tại châu Âu, trong năm 2013 đã có khoảng 80 nghìn nhân viên ngân hàng bị sa thải. Những ngân hàng tên tuổi lớn cũng sa thải rất nhiều nhân viên như: Ngân hàng Bankia (Tây Ban Nha) đã cắt giảm 23% tổng số nhân sự để đáp ứng điều kiện của gói cứu trợ trị giá 41 tỷ euro; Ngân hàng Unicredit của Italia sa thải 8.490 nhân viên; Ngân hàng HSBC cũng cắt giảm 6.525 nhân viên, tương đương 2,5% nhân sự trên toàn cầu.

Theo phân tích của nhiều nhà chuyên môn về nhân sự, thì cán bộ ngân hàng thường rất ngại chuyển đổi công việc. Tuy nhiên, hiện nay, lý do chính đưa đến sự dịch chuyển nhân viên ngân hàng, phần lớn do sự thay đổi chính sách, thay đổi mục tiêu kinh doanh của bản thân mỗi ngân hàng, buộc nhân viên phải thay đổi.

Bên cạnh đó, với trường hợp lương, thưởng của ngân hàng thấp quá cũng khiến nhân viên ngân hàng nhấp nhổm.

Ngoài ra, các chuyên gia ngân hàng chỉ ra rằng, một nguyên nhân nữa là việc thay đổi lãnh đạo ngân hàng liên tục, cho vay khó khăn, nợ xấu còn cao… cũng làm nản lòng cán bộ, nhân viên và họ chủ động tìm một lối thoát.

“Song, không phải nhân viên nào muốn chuyển đi cũng được chấp nhận. Nếu là cán bộ phụ trách khoản vay đang thuộc nợ xấu thì phải xử lý xong khoản nợ đó mới được chuyển công tác” – nhân viên một ngân hàng chia sẻ.

Khảo sát của Viện Nhân lực ngân hàng tài chính (BTCI) mới đây cho thấy, lượng sinh viên ra trường học ngành tài chính - ngân hàng năm 2013 là khoảng 32.000 người và đến năm 2016 sẽ lên đến khoảng 61.000 người. Tuy nhiên, số sinh viên được tuyển chọn chỉ khoảng 15.000 người - 20.000 người.

Lãnh đạo các ngân hàng Việt Nam cho biết, có 3 vị trí rất khó tuyển dụng hiện nay là quản trị rủi ro, quản lý và đầu tư. TS. Đặng Ngọc Đức, Phó Viện trưởng Viện Ngân hàng – Tài chính (Đại học Kinh tế Quốc dân) cho biết, kỳ thi tuyển sinh năm học 2013, số thí sinh thi vào ngành tài chính – ngân hàng đã giảm, tỷ lệ chọi chỉ là 1/4,5, thấp hơn nhiều so với những năm trước.

Tuy nhiên, nỗi lo về thừa nhân lực ngành ngân hàng sẽ vẫn hiện hữu, khi định hướng trong tái cơ cấu ngân hàng chủ yếu là nâng cao chất lượng chứ không phải theo hướng mở rộng về quy mô.

 

http://thoibaonganhang.vn/tin-tuc/2-vi-sao-nhan-vien-ngan-hang-nhay-viec-19895.html

Theo Thời báo Ngân hàng

Bạn có thể quan tâm