Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sắp bùng nổ sáp nhập ngân hàng: Xu thế khó cưỡng

Trước việc ngân hàng lớn phải “ôm” ngân hàng bé, có nhiều đồn đoán khác nhau. Tuy nhiên, có thể thấy các bên đều đón nhận cuộc “hôn nhân” này với tâm lý chưa hẳn đã là vui.

Theo lời của cơ quan quản lý, vì lợi ích chung của quốc gia, dù việc sáp nhập có thể chưa thông đồng bén giọt nhưng cần làm.

Lắm tâm tư

Tại các ngân hàng lớn, tâm lý chung từ lãnh đạo tới nhân viên toàn hệ thống đều e ngại việc “cõng” toa tàu mới sẽ kéo những chỉ số an toàn của ngân hàng đi xuống; thậm chí đưa nợ xấu đang cố gắng làm sạch lại quay đầu tăng. Trưởng bộ phận của một trong 3 NHTM (đã nêu ở kỳ 1) cho hay: Điều lo lắng nhất của ban lãnh đạo ngân hàng là, qua kiểm tra trình độ đầu vào của nhân viên một số bộ phận thuộc ngân hàng nhỏ hầu hết đều cho kết quả không đáp ứng tiêu chuẩn. Còn tại một ngân hàng có thể được “ông lớn” sáp nhập về, trưởng một phòng giao dịch ở Hà Nội vốn bôn ba qua nhiều đơn vị lại tâm tư, bởi không biết số phận mình và các nhân viên tới đây sẽ ra sao.

Chia sẻ vấn đề này, thành viên HĐQT Ngân hàng Đại Á đã từng “biến mất” sau thương vụ sáp nhập cùng HDBank cũng ủng hộ quan điểm: "Không phải tất cả các bộ phận của ngân hàng nhỏ khi sáp nhập đều yếu kém. Vị này đơn cử như DaiAbank khi sáp nhập vào HDBank, các chỉ số rất lành mạnh và tốt; thậm chí tới trên 50% lãi trước thuế năm đó do ngân hàng 'bị' sáp nhập mang lại".

Rất có thể, PG Bank sẽ về một nhà với Vietinbank.

Rất có thể, PG Bank sẽ về một nhà với Vietinbank.

Đoán được tâm trạng trên, ngoài lời hứa sẽ không để các “ông lớn” phải thiệt về tiền bạc, Thống đốc Nguyễn Văn Bình còn chỉ rõ họ sẽ được gì? Cụ thể như với trường hợp của Vietcombank, nếu nhận ngân hàng nhỏ phía Nam về, Thống đốc nói: “Vietcombank tự dưng được mạng lưới có mấy trăm chi nhánh phòng giao dịch mà không mất đồng nào. Thứ nữa, được tiếng là NHNN góp phần vào tái cơ cấu bởi hiện Vietcombank đang là NHTM nhà nước nắm cổ phần chi phối”.

TS Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia ngân hàng cũng chỉ ra tâm lý của các ngân hàng không muốn sáp nhập; mà nếu sáp nhập, ai cũng giành quyền quản lý. “Cho nên các cuộc đàm phán nội bộ sẽ rất căng thẳng. Trừ khi ngân hàng đó thực sự lớn mạnh thì các ngân hàng nhỏ phải dựa vào để tồn tại. Còn nếu hai ngân hàng ngang nhau, việc đàm phán càng trở nên khó khăn hơn”, ông Nghĩa nói.

Bắt buộc

Phân tích với Tiền Phong, vị lãnh đạo từng ở vị trí đứng đầu một NHTM (đề nghị không nêu tên) cho rằng, với việc sáp nhập lớn - bé này, đã đến lúc NHNN phải có bước đi táo bạo đầu tư sâu vào quản trị; sử dụng các tiêu chuẩn của Basell 2 (quản trị rủi ro theo chuẩn quốc tế - hiện nước ngoài đã tiến đến Basell 3) để kiểm soát các NHTM. Cùng đó, khâu thanh tra giám sát phải tập trung vào thể chế, chất lượng, thời gian và điều kiện để quản  trị. Vị này cũng cho biết, ở nước ngoài, với một ngân hàng yếu kém, người ta có thể xử lý bằng cách bán từng bộ phận (ví như  bán dịch vụ; bán nợ).

TS Cao Sỹ Kiêm, thành viên Hội đồng tư vấn tiền tệ quốc gia cho rằng không tính đến 6 NHTM trong diện sáp nhập bắt buộc (NHNN chỉ định), sẽ có một số NHTM cổ phần thuộc Top 2 và 3 chủ động thăm dò nhau để tiến đến (nếu được) sẽ “kết hôn” trong tương lai. Cụ thể hơn, ông Kiêm phân tích: Ngoài diễn biến Southern bank đang chờ ngày “về một nhà” với Sacombank, với tiềm lực đủ mạnh ACB có thể tự tái cơ cấu làm mới mình. Eximbank thương hiệu khá lớn nghe nói có thể đang quá trình đi tìm hiểu.  MB có thể đứng độc lập hoặc chọn một NHTM dưới “cơ”.

Ở “vai” Chủ tịch HĐQT DongAbank, ông Kiêm không giấu thông tin ngân hàng này đã bắt đầu ngồi “thử” với một “anh” cổ phần khác có nhiều điểm chung (từ thị trường, nợ xấu, dịch vụ để thăm dò xem có thể tiến tới “kết hôn” được hay không). “Trong năm nay, những ngân hàng nhỏ và quá yếu sẽ phải nhập vào một ngân hàng lớn nào đó. Vài năm tới, những ngân hàng cùng nhỏ trên thị trường sẽ chủ động tìm đến nhau thay vì để bị ép. Với gần 40 NHTM hiện tại, tiến đến giảm xuống còn 30 rồi 20 ngân hàng trên thị trường là vừa”, Ông Kiêm nói.

Nhìn nhận về xu hướng sáp nhập, TS Vũ Viết Ngoạn-Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, cho rằng: Về mặt chính sách, vẫn cho phép các ngân hàng thời gian đầu tự tìm hiểu và “kết hôn” với nhau. Nếu đến thời hạn, ngân hàng yếu không thể tự tìm được đối tác, dứt khoát cần tới sự trợ giúp từ chính sách để đảm bảo lành mạnh hóa hệ thống. “Chắc chắn có những cuộc kết hôn gượng ép, nhưng đây là điều cần thiết để đảm bảo lợi ích chung. Không chỉ của hệ thống ngân hàng mà cả quốc gia”, ông Ngoạn nhấn mạnh.

“Kiên quyết thực hiện tái cơ cấu ngân hàng vì an toàn của hệ thống, lợi ích của người dân. Dứt khoát các ngân hàng yếu kém phải kiểm soát chặt chẽ, cần thiết thì sáp nhập, giải thể theo đúng pháp luật”. 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (trích phiên họp thường kỳ Chính phủ 8/2014)

Sáp nhập ngân hàng lớn - nhỏ: Ai thích 'cưỡng hôn'?

6 thương vụ sáp nhập trong hệ thống ngân hàng được cơ quan quản lý “hé mở”, trong đó có sự góp mặt của các nhà băng lớn nhất đặt ra nhiều câu hỏi về tính tự nguyện hay "cưỡng hôn".

http://www.tienphong.vn/Kinh-Te/sap-bung-no-sap-nhap-ngan-hang-bai-cuoi-xu-the-kho-cuong-813038.tpo

Theo Khánh Huyền/ Tiền Phong

Bạn có thể quan tâm