Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sáp nhập ngân hàng lớn - nhỏ: Ai thích 'cưỡng hôn'?

6 thương vụ sáp nhập trong hệ thống ngân hàng được cơ quan quản lý “hé mở”, trong đó có sự góp mặt của các nhà băng lớn nhất đặt ra nhiều câu hỏi về tính tự nguyện hay "cưỡng hôn".

“Bật đèn xanh” kèm... cưỡng chế

Những ngày đầu tiên của năm mới thị trường xôn xao với thông tin và những cái tên ngân hàng chỉ “đích danh” sẽ được “gả” với nhau trong năm 2015. Đáng chú ý nhất trong bản danh sách sáp nhập mà thị trường đồn thổi là sự xuất hiện của các “ông lớn” quốc doanh khi số này sẽ “ôm” về các ngân hàng nhỏ hơn. 

Theo các tin tức trên thị trường, những động thái xin ý kiến cổ đông về phương án sáp nhập của một số nhà băng lớn thời gian gần đây thì nhiều khả năng SaigonBank về một nhà với Vietcombank; BIDV được cho là sẽ “ôm” MHB; VietinBank có thể nhận về cả 2 nhà băng là PGBank và OceanBank…

Trong cuộc họp triển khai nhiệm vụ của Vietcombank diễn ra cuối tuần qua, Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định quyết tâm sẽ không để tái cơ cấu ngân hàng chậm trễ trong năm 2015. “Tư lệnh” ngành ngân hàng khẳng định, ngân hàng lớn nhận về ngân hàng nhỏ sẽ không thua thiệt gì. Ngược lại, NHNN sẽ xây dựng hàng loạt cơ chế để trợ giúp cho các thương vụ sáp nhập này diễn ra suôn sẻ và hoạt động của các ngân hàng sau sáp nhập vẫn phát triển bình thường.

Những động thái xin ý kiến cổ đông về phương án sáp nhập của một số nhà băng lớn thời gian gần đây thì chắc chắn các thương vụ sáp nhập ngân hàng diễn ra sẽ không sớm thì muộn.

SaigonBank sẽ được

SaigonBank sẽ được "gả" về với Vietcombank?

Với những khẳng định “bật đèn xanh” của người đứng đầu ngành ngân hàng, giới chuyên gia cho rằng, nếu năm 2014 là năm các ngân hàng làm đẹp, tân trang lại để chờ dạm hỏi thì năm 2015 sẽ là năm bùng nổ của các thương vụ sáp nhập.

Năm 2015 cũng là năm “chốt” của đề án tái cơ cấu ngân hàng giai đoạn 2011 – 2015. Do đó, dù muốn hay không muốn thì một là các ngân hàng sẽ phải sáp nhập tự nguyện. Trong trường hợp không tự nguyện chắc chắn ngân hàng Trung ương sẽ dùng biện pháp bắt buộc sáp nhập.

“Ông lớn” có ái ngại?

Nhìn lại chặng đường, bước đi của quá trình sáp nhập ngân hàng, nhiều người cho rằng dường như các nhà băng đang cố “dền dứ”, cố “nấn ná” để “cựa mình” thoát khỏi cảnh buộc phải “gả cho ai đó”, nhưng ông Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho rằng, đó chỉ là cảm nhận của số ít. Còn thực tế thị trường hoàn toàn khác.

Ví “phác đồ” điều trị căn bệnh yếu kém trong hệ thống ngân hàng cũng tương tự như điều trị bệnh trong y khoa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia Trương Văn Phước nói thẳng: “Điều quan trọng là phác đồ điều trị chuẩn để “bệnh nhân không tử vong". “Chuẩn” ở đây là không vội vàng, đương nhiên không thể lề mề, mà phải có những bước đi phù hợp. Những “bước đi” này cụ thể nhanh, chậm ra sao là do “hội đồng y khoa” quyết định. Có nghĩa là có thể bình tĩnh để lựa chọn những giải pháp tối ưu cho quá trình tái cơ cấu”, ông nói.

Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cũng lưu ý, “chúng ta từng “chích” vào hệ thống tài chính Thông tư 02 và bước đầu trên “bề mặt da” hệ thống có dị ứng. Điều này lý giải một phần vì sao mà NHNN phải có 1 lộ trình áp dụng Thông tư này, cũng như có bước đi thận trọng trong xử lý nợ xấu, tái cơ cấu lại hệ thống ngân hàng”.

Tuy nhiên, theo TS. Lê Xuân Nghĩa (nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia), thực tế thì tâm lý của các ngân hàng là không muốn sáp nhập. “Chính vì thế, các cuộc đàm phán sáp nhập nội bộ trở nên phức tạp. Trừ trường hợp ngân hàng đó thực sự lớn, mạnh mà các ngân hàng nhỏ thấy rằng thôi thì mình dựa vào ông lớn đấy để tồn tại, còn ngang ngang nhau thì khó lắm”, TS. Nghĩa bình luận.

Dù NHNN đã “bật đèn xanh” rằng sẽ có 6 cuộc sáp nhập ngân hàng trong năm 2015, nhưng dưới góc nhìn của mình, TS. Nghĩa lại không mấy kỳ vọng năm 2015 sẽ “kết thúc quá trình tái cấu trúc ngân hàng, kể cả vấn đề nợ xấu, sáp nhập, sở hữu chéo… dù cơ quan quản lý tiền tệ đã có Thông tư 36 trong tay làm “bảo bối” để chốt chặn”.

Ông Nghĩa phân tích: Điểm hy vọng lớn trong Thông tư 36 là nới cho vay trung dài hạn lên 60%, nghĩa là các ông chủ nhà băng có thể bớt “nhăn trán”, bớt sức ép về nợ nần khi giãn được tiến độ xử lý nợ xấu bằng cách chuyển nợ ngắn hạn thành nợ trung, dài hạn. Nhưng điều đó có hiệu ứng mạnh mẽ đến mức nào trong việc xử lý dứt điểm nợ xấu, tái cấu trúc ngân hàng thì vẫn còn là một câu hỏi.

“Nói chung là các ngân hàng lớn, nhất là ngân hàng quốc doanh chắc gì đã “khoái”, đã muốn ôm thêm các ngân hàng cổ phần nhỏ hơn. Ngược lại, các nhà băng nhỏ lại muốn gắn tên mình với “toa tàu” lớn hơn để mà “nương tựa” trong lúc ốm yếu là điều dễ hiểu”, TS Lê Xuân Nghĩa chốt lại.

Sắp bùng nổ sáp nhập ngân hàng

Năm 2015 có 6 thương vụ ngân hàng sáp nhập. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình cho biết sẽ triển khai quyết liệt tái cơ cấu và xử lý nợ xấu trong 6 tháng đầu năm.

http://infonet.vn/sap-nhap-ngan-hang-lon-nho-ai-thich-cuong-hon-post156570.info

Theo Nguyễn Hoài/ Infonet

Bạn có thể quan tâm