Phút 90+4 trận Jubilo Iwata vs Shimizu S-Pulse ở giải VĐQG Nhật Bản (J1 League), tiền đạo Jong Tae Se đón đường chuyền của đồng đội trong vùng cấm. Anh đỡ lại một nhịp rồi tung người móc bóng lập siêu phẩm xe đạp chổng ngược đẹp mắt. Đây là bàn danh dự của đội khách, đồng thời khép lại trận đấu với thất bại 1-3 cho Shimizu.
Trên bảng xếp hạng J1 League, CLB Shimizu S-Pulse đứng vị trí thứ 13 trên tổng số 18 đội với 2 trận thắng và 3 trận thua.
Tháng 6 năm 2010, Jong Tae Se được cả thế giới biết đến khi anh khóc nức nở lúc quốc ca Triều Tiên vang lên trước trận gặp Brazil. Trận này tiền đạo sinh năm 1984 nén đau thi đấu nhưng đội nhà vẫn thất bại 1-2. Cuộc đọ sức ghi nhận siêu phẩm ở góc gần 0 độ của hậu vệ Douglas Maicon.
Kết thúc vòng bảng, đội CHDCND Triều Tiên thua cả 3 trận, trước các đối thủ Brazil, Bồ Đào Nha và Bờ Biển Ngà.
Jong Tae Se sinh ngày 2/3/1984 tại Nagoya, Nhật Bản. Anh từng thi đấu cho các đội bóng Kawasaki Frontale (Nhật Bản), Bochum và Cologne (Đức), Suwon Samsung (Hàn Quốc) và hiện tại là Shimizu S-Pulse (Nhật Bản). Jong gắn bó với đội tuyển Triều Tiên từ năm 2007 đến 2011, anh ghi 15 bàn sau 33 trận.
Jong Tae Se khóc nức nở tại World Cup 2010. |
Jong chào đời tại Nhật Bản, anh được đội tuyển nước này quan tâm nhưng quyết định trở về Triều Tiên đá cho đội tuyển quê hương. Trước năm 2007, "Rooney châu Á" vẫn chưa một lần đặt chân lên CHDCND Triều Tiên. Anh học tập tại đất nước mặt trời mọc và phát lộ tài năng bóng đá tại đây.
Jong nảy sinh ý định trở về vào năm 2005. Khi ấy, anh chứng kiến thất bại của tuyển CHDCND Triều Tiên trên sân Nhật Bản trong khuôn khổ vòng loại World Cup 2006 và vì thế không đủ điều kiện góp mặt ở ngày hội bóng đá thế giới tại Đức. Sau sự kiện này, "Rooney Triều Tiên" bày tỏ mong muốn thi đấu cho Triều Tiên. Chịu một số khó khăn tưởng như không thể vượt qua trong việc nhập tịch, cuối cùng tiền đạo sinh năm 1984 cũng trở thành thành viên của tuyển Triều Tiên vào năm 2007.
Trên hành trình vòng loại World Cup 2010, Jong tỏa sáng rực rỡ giúp tuyển nhà giành vé dự World Cup lần thứ hai trong lịch sử. Người hâm mộ đặt cho anh biệt danh “Rooney của châu Á”, còn người dân CHDCND Triều Tiên gọi anh là “Rooney của nhân dân”.