Trong podcast Rule Breakers, Cameron Diaz bày tỏ cảm giác tự hào khi góp mặt trong Shrek và Charlie's Angels - hai phim góp phần nói hộ tiếng lòng của phụ nữ về việc bị đối xử bất công. Trên thực tế, Diaz không đủ sức nặng trong lời nói để đòi công bằng cho bản thân và đồng nghiệp cùng thời.
Diaz cho biết hồi thập niên 1990 đến 2000, diễn viên nữ bị đối xử bất công, bóc lột nặng nề, định kiến về giới vẫn còn gay gắt. Cô cũng đồng tình với Michelle Visage - người tạo ra podcast - rằng tình trạng phân biệt giới tính thời đó nghiêm trọng đến mức sao nữ chỉ biết "cười trừ cho qua chuyện".
Cameron Diaz hiện không đóng phim nhưng thỉnh thoảng tham gia các talk show về nghề diễn xuất. Ảnh: Getty. |
"Đó là điều bình thường đến lạ. Chúng tôi chỉ còn biết cười trừ và âm thầm vượt qua tổn thương", Diaz cho hay. Cô nói thêm diễn viên nữ thời đó chỉ biết động viên, an ủi nhau vì họ thừa hiểu định kiến không thể xóa nhòa trong một sớm, một chiều.
Theo ngôi sao sinh năm 1972, #MeToo đã có thể giúp cô chống lại thế lực bóc lột và lạm dụng nếu phong trào này sớm phát triển vào cuối thế kỷ trước.
Cũng trong podcast Rule Breakers, Cameron Diaz chia sẻ sự nổi tiếng khiến cô cảm thấy bản thân như đứa trẻ vì không thể tự làm bất kỳ điều gì cho mình.
"Họ đối xử với bạn như thể bạn rất quý giá. Bạn chẳng cần đụng tay vào chuyện gì, mọi thứ đã có người khác lo. Điều đó làm mất đi cảm giác tự chủ và khả năng tự chăm sóc của bạn", Diaz nói.
Cameron Diaz (giữa) thời đóng Charlie's Angels. Ảnh: NME. |
Cameron Diaz là gương mặt nổi bật của điện ảnh, tên tuổi bảo chứng cho thành công phòng vé cuối thập niên 1990 đầu 2000. Chỉ với vai diễn đầu tiên trong The Mask (1994), Diaz đã được đưa lên hàng ngôi sao khi doanh thu phim đạt 350 triệu USD.
Tên tuổi nữ diễn viên cũng gắn liền với thành công của loạt phim làm lại Charlie's Angels và vai công chúa Fiona của thương hiệu hoạt hình Shrek. Năm 2011, thành công của vai Elizabeth Halsey huyền thoại trong tác phẩm Bad Teacher đã giúp cô bỏ túi hơn 42 triệu USD.