Trong bài báo lay động lòng người trên New York Times, Kelly Marie Tran lên án đanh thép thói kỳ thị chủng tộc đối với người da màu ở Mỹ, điều mà cô đã nếm trải trong suốt cuộc đời mình tính đến nay. Điều đau đớn nhất là khi cha mẹ cô phải xóa bỏ cội rễ văn hóa của người Việt, ngay từ cái tên, để nhận lấy những cái tên Mỹ dễ đọc.
Hồi tháng 6, nữ diễn viên xóa sạch trơn bài đăng trên trang Instagram của cô sau khi bị người hâm mộ lâu năm của loạt phim Star Wars phản đối, bắt nạt qua mạng.
Kelly Marie Tran từng đến Việt Nam vào tháng 11/2017 để cùng bạn diễn Ngô Thanh Vân quảng bá cho phim bom tấn Star Wars: The Last Jedi.
Bình luận về bài báo trên New York Times, hàng trăm độc giả của tờ báo này đã cổ vũ sự dũng cảm của Kelly Marie Tran khi đại diện cho đông đảo người dân Mỹ nói lên điều cần nói.
"Một phụ nữ đẹp, một bài viết đẹp", độc giả S.R. viết. "Cảm ơn bạn vì đã truyền sức mạnh. Tôi sẽ cho con gái 3 tuổi của mình đọc bài viết của bạn", độc giả Matt Smith gửi gắm.
Sau đây là bản dịch bài viết của Kelly Marie Trần trên New York Times:
"(Điều nghiêm trọng) không phải là những lời lẽ đó, mà là tôi bắt đầu tin họ.
Những lời lẽ đó (những hành vi bắt nạt trên mạng) dường như xác nhận một thực tế mà trải nghiệm của một người phụ nữ da màu lớn lên ở Mỹ đã dạy tôi lâu nay: rằng tôi là kẻ bên lề hoặc để lấp chỗ trống, chỉ có giá trị như một nhân vật quần chúng trong cuộc sống và câu chuyện của họ.
"Là phụ nữ da màu ở Mỹ, tôi là kẻ bên lề hoặc để lấp chỗ trống, hoặc là một nhân vật quần chúng"
- Kelly Marie Tran
Và những lời lẽ đó đánh thức một điều ngủ quên trong tôi: một cảm giác mà tôi nghĩ rằng mình đã thoát khỏi nó. Cảm giác mà tôi đã có khi 9 tuổi, khi tôi ngừng nói tiếng Việt vì quá mệt mỏi khi phải nghe những đứa trẻ khác chế nhạo.
Hay khi 17 tuổi, trong bữa tối với gia đình của anh bạn trai người da trắng, tôi gọi một món ăn bằng lối phát âm tiếng Anh chuẩn, thì người bồi bàn đã rất ngạc nhiên và khen tôi: "Ồ, thật dễ thương, gia đình mình có một cô sinh viên trao đổi à?".
Những lời lẽ như thế củng cố một lối nói mà tôi đã phải nghe trong suốt cuộc đời mình: rằng tôi là "một kẻ khác", rằng tôi không thuộc về nơi này, rằng tôi không đủ tốt, đơn giản vì tôi không giống họ.
Và cảm giác đó, giờ đây tôi nhận ra, từng là, đang là, một nỗi xấu hổ. Xấu hổ vì những thứ khiến tôi khác biệt, xấu hổ vì nền văn hóa của quê hương tôi. Và đối với tôi, điều thất vọng nhất là mình đã để cho cảm giác xấu hổ đó xâm lấn.
"Năm 9 tuổi, tôi ngừng nói tiếng Việt vì mệt mỏi cứ bị bạn bè chế nhạo". Ảnh: AP. |
Bởi vì sao? Vì cũng chính cái xã hội nơi đã dạy một vài người trở thành anh hùng, vị cứu tinh, người thừa kế của lý tưởng về vận mệnh hiển nhiên (niềm tin rằng Hoa Kỳ có vận mệnh mở rộng lãnh thổ từ duyên hải Đại Tây Dương đến Thái Bình Dương - Zing.vn), cũng là cái xã hội đã dạy tôi lùi về làm phông nền cho câu chuyện của họ, làm móng tay cho họ, chẩn đoán bệnh tật cho họ, ủng hộ chuyện tình của họ. Và có lẽ gây nhiều tổn hại nhất, là mong chờ họ cứu mình.
Trong một thời gian dài, tôi đã tin vào điều đó. Tôi tin vào những lời lẽ, câu chuyện đó, được chế tạo cẩn thận bởi một xã hội được dựng lên để củng cố quyền lực của chỉ một loại người, một giới tính, một màu da, một thực thể.
Nó cũng củng cố trong tôi những quy tắc đã được lập nên trước khi tôi ra đời, những quy tắc đã khiến cha mẹ tôi thấy cần thiết đến mức phải rũ bỏ tên thật của họ và tự đặt tên Mỹ cho mình - Tony và Kay - để dễ dàng hơn cho những người khác khi phát âm, một hành động xóa bỏ văn hóa mà đến tận bây giờ vẫn khiến tôi đau đớn.
Và dù tôi ghét phải thừa nhận, nhưng tôi bắt đầu dằn vặt mình. Tôi nghĩ: "Ôi, có lẽ mình nên thon thả hơn" hay "Có lẽ mình nên nuôi tóc dài" và tệ hại nhất, "Ước gì mình không phải người châu Á".
Trong hàng tháng trời, tôi ngày càng dấn sâu vào một vòng xoáy tự căm ghét, rơi vào những cái hốc tăm tối nhất trong tâm trí mình, những nơi tôi xé toạc bản thân mình, và tôi đặt lời lẽ của họ lên trên lòng tự trọng của mình.
"Tôi đã bị tẩy não.
Tôi đã bị lừa.
Tất cả chúng ta đều bị"
- Kelly Marie Tran
Và đó là khi tôi nhận ra mình đã nghe những lời dối trá.
Tôi đã bị tẩy não để đến nỗi tin rằng sự tồn tại của mình bị giới hạn bởi một thứ ranh giới. Đó là sự chấp thuận của người khác.
Tôi bị lừa tin rằng thân thể của tôi không thuộc về chính tôi, rằng tôi chỉ xinh đẹp nếu ai đó chịu công nhận, bất kể quan điểm riêng của tôi ra sao.
Tôi đã bị lừa đi lừa lại nhiều lần, bởi tất cả mọi người: truyền thông, Hollywood, những công ty được lợi từ sự bất an của tôi, thao túng tôi để tôi mua quần áo, đồ trang điểm, giày dép của họ, chỉ để lấp đầy cái khoảng trống do chính họ khoét ra.
Phải, tôi đã bị lừa. Tất cả chúng ta đều bị.
Và trong ánh sáng của nhận thức mới, tôi cảm thấy một nỗi xấu hổ khác, nhưng không phải xấu hổ vì con người mình, mà xấu hổ vì thế giới nơi mình được sinh ra. Xấu hổ vì cách mà thế giới này đối xử với những người khác biệt.
Tôi không phải là người đầu tiên lớn lên trong hoàn cảnh đó. Điều này xảy ra với bất cứ người da màu nào trong một thế giới bị thống trị bởi người da trắng. Điều này xảy ra với bất cứ phụ nữ nào trong một xã hội dạy các cô gái rằng chúng ta chỉ xứng đáng được yêu khi nào chúng ta được các chàng trai công nhận là quyến rũ.
Đây là thế giới mà tôi lớn lên, nhưng không phải thế giới mà tôi muốn bỏ lại sau khi mình mất đi.
Kelly Marie Tran và John Boyega, bạn diễn trong Star Wars, đều từng là nạn nhân bị fan lâu năm của loạt phim bắt nạt. Ảnh: Getty Images. |
Tôi muốn sống trong một thế giới nơi trẻ con da màu không cần dành toàn bộ thời thơ ấu để ước được da trắng. Tôi muốn sống trong một thế giới nơi phụ nữ không trở thành đối tượng bị soi xét vì vẻ ngoài của họ, hay hành động của họ, hay sự tồn tại của họ nói chung.
Tôi muốn sống trong một thế giới nơi con người thuộc mọi chủng tộc, tôn giáo, tầng lớp kinh tế xã hội, bản dạng giới và năng lực đều được đối xử như chính họ xứng đáng: như một con người.
Đó là thế giới mà tôi muốn sống. Và đó là thế giới mà tôi sẽ góp phần tạo nên.
Đó là suy nghĩ xuyên qua tâm trí tôi mỗi khi tôi đọc một kịch bản hay một cuốn sách. Tôi biết cơ hội cho mình là ít ỏi. Tôi biết rằng mình thuộc về một nhóm nhỏ những người có đặc quyền kể chuyện để kiếm sống, những câu chuyện sẽ được nghe, thấy và tiêu hóa bởi một thế giới từ lâu đã quen nghe nhìn chỉ một thứ. Tôi biết tầm quan trọng của việc mình làm, và tôi sẽ không bỏ cuộc.
Các bạn biết đến tôi với cái tên Kelly.
Tôi là người phụ nữ da màu đầu tiên diễn vai chính trong một phần phim Star Wars.
Tôi là người phụ nữ châu Á đầu tiên lên bìa tạp chí Vanity Fair.
Tên thật của tôi là Loan. Và tôi mới chỉ bắt đầu".