Ngày 25/6, Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM phối hợp với Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) và Hội Nước mắm Phú Quốc tổ chức hội thảo đánh giá tác động của việc bổ sung vi chất dinh dưỡng vào trong chế biến thực phẩm (mì tôm, nước tương, nước mắm...).
Giảm chất lượng, mất thị trường
Đại diện nhiều doanh nghiệp (DN) cho hay Nghị định 09/2016 về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm quy định: Bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm. Tuy nhiên, việc bổ sung hai chất này đang làm khó người kinh doanh.
Bà Huỳnh Kim Chi, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Việt Nam kỹ nghệ bột mì, cho hay từ ngày Nghị định 09 có hiệu lực thi hành từ 28/1/2017, công ty bổ sung vi chất sắt, kẽm vào sản xuất. Nhưng khi bổ sung những chất này vào thì bột mì bị nổi đốm, màu sắc các sản phẩm thành phẩm không ổn định, bị biến đổi ảnh hưởng đến chất lượng.
Chính vì thế phần lớn khách hàng không chấp nhận các sản phẩm làm từ bột mì có bổ sung vi chất sắt và kẽm. Không chỉ vậy, hầu hết thị trường nhập khẩu sản phẩm của công ty như Mỹ, Canada… cũng đều không yêu cầu bổ sung vi chất sắt và kẽm vào sản phẩm. Điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh số, làm giảm thị phần của công ty.
Cùng chung cảnh ngộ, Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam nêu thực tế khi dùng bột mì có bổ sung vi chất sắt, kẽm thì màu sắc sản phẩm bị xỉn hơn khi sử dụng bột mì bình thường. Đồng thời chất dai, giòn, trơn bóng trong mì cũng bị giảm.
Dẫn chứng chi tiết hơn, ông Kajiwara Junichi, Tổng giám đốc Acecook Việt Nam, cho hay: Nhiều nước không sử dụng bột mì có bổ sung sắt, kẽm. Do vậy, nếu muốn tiếp tục xuất khẩu, công ty phải đầu tư thêm hệ thống sản xuất riêng cho xuất khẩu, thậm chí phải xây nhà máy mới. Điều này dẫn đến chi phí đầu tư quá lớn, không hợp lý về mặt kinh doanh, bất khả thi.
Một số doanh cho hay khi thực hiện chủ trương bổ sung iốt, sắt vào nước mắm, mỳ tôm khiến chất lượng sản phẩm bị ảnh hưởng. Ảnh: Tú Uyên. |
“Có khi chúng tôi buộc phải chấp nhận mất thị trường xuất khẩu, giảm thị phần, giảm kim ngạch xuất khẩu. Đáng lo nhất là việc bắt buộc áp dụng những quy định bất hợp lý như vậy làm chất lượng sản phẩm bị ảnh hưởng, và giảm khả năng cạnh tranh của Việt Nam với các nước”, ông Kajiwara Junichi nhấn mạnh.
Nhiều DN khác khẳng định các nước xuất khẩu bột mì để làm nguyên liệu cho chế biến thực phẩm cũng không quy định phải bổ sung sắt, kẽm vào bột. Vì vậy khi các DN Việt Nam đề nghị bổ sung thêm vi chất sắt và kẽm vào nguyên liệu thì không được nhà cung cấp chấp thuận.
Thế nên buộc DN Việt phải nhập bột mì, sau đó bổ sung vi chất sắt, kẽm trước khi đưa vào sản xuất đã làm gia tăng chi phí, giá thành của sản phẩm, tạo thêm gánh nặng không cần thiết cho DN Việt.
Bổ sung cũng như không
Bên cạnh việc phải bổ sung sắt và kẽm vào thực phẩm, Nghị định 09 còn quy định: Muối dùng để ăn trực tiếp, dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường iốt.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm TP.HCM, nêu thực tế: Đối với các sản phẩm thủy sản, nước mắm, nước chấm; rau củ quả sấy khô, thịt gia cầm sấy… nếu dùng muối iốt sẽ làm các sản phẩm bị biến mùi, vị, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sản phẩm.
“Đó là chưa kể do iốt có tính thăng hoa, dễ tương tác với các thành phần khác trong thực phẩm và biến đổi khi gặp nhiệt nên càng làm gia tăng chi phí, giá thành của sản phẩm. Mặt khác, tại một số thị trường xuất khẩu, khách hàng từ chối một số sản phẩm có bổ sung iốt và sản phẩm làm từ bột mì có bổ sung sắt, kẽm”, bà Lý Kim Chi khẳng định.
Đồng quan điểm, ông Lâm Bá Nhĩ, Giám đốc quản lý chất lượng Công ty Cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan), dẫn chứng: Công ty đã đưa iốt vào thực phẩm nhưng gặp nhiều khó khăn. Lý do là mỗi sản phẩm có đặc tính khác nhau nên lượng iốt vào cũng khác nhau. Trong đó có những sản phẩm chế biến qua công nghệ xử lý nhiệt độ cao, làm mất tác dụng và không còn tồn dư iốt trong thành phẩm.
Thậm chí qua xét nghiệm lượng iốt còn lại cho thấy có những sản phẩm không phát hiện có iốt.
“Thực tế trên đã chứng minh không nên bắt buộc phải sử dụng muối iốt. Bởi qua quá trình gia nhiệt trong chế biến sẽ làm phân hủy hết lượng iốt trong sản phẩm, dẫn đến thành phẩm cuối cùng đã không còn iốt tồn tại. Như vậy không đáp ứng được kỳ vọng của Nghị định 09 về bổ sung iốt trong thực phẩm cho người dân. Điều này gây lãng phí rất lớn”, ông Nhĩ nói.
Ở khía cạnh khác, bà Hồ Kim Liên, Chủ tịch Hội nước mắm Phú Quốc, dẫn kết quả thí nghiệm tại trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng ngày 20/6 cho thấy: Nếu sử dụng 11 ml nước nắm Phú Quốc/ngày/người thì sẽ hấp thụ 4,4 mg iốt; trong nước mắm đã có sẵn iốt.
“Ngoài ra, châu Âu đã bảo hộ quy trình sản xuất cho nước mắm Phú Quốc. Nếu thực hiện theo Nghị định 09 thì quy trình sản xuất nước nắm Phú Quốc đã được châu Âu bảo hộ phải làm thế nào cho hợp lý?”, bà Hồ Kim Liên đặt vấn đề.
Tháo gỡ khó khăn kiểu nửa vời
Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM cho biết đã cùng với các hội ngành nghề và cộng đồng DN nhiều lần kiến nghị Chính phủ, tổ công tác của Thủ tướng, Bộ Y tế… bỏ những quy định vô lý trong Nghị định 09. Qua đó kịp thời tháo gỡ khó khăn, tồn tại cho ngành chế biến thực phẩm.
Đến ngày 27/10/2017, Bộ Y tế đã ban hành Công văn 6134 về việc thực hiện ý kiến kết luận của Thủ tướng. Theo đó các đơn vị trực thuộc chỉ kiểm tra các DN sản xuất muối iốt, không kiểm tra các DN sản xuất thực phẩm có sử dụng muối iốt.
Tuy nhiên, về cơ bản, Công văn 6134 chỉ tháo gỡ cho DN ngành thực phẩm ở khâu kiểm tra, chưa giải quyết được triệt để các kiến nghị về những khó khăn, bất cập mà DN thực phẩm gặp phải trong quá trình sản xuất, công bố, đưa sản phẩm ra thị trường.