Chiều 23/3, hội trường Quốc hội sôi động khi quy định điều chỉnh độ tuổi trẻ em lên thành dưới 18 tuổi (Điều 1 của dự thảo Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em - sửa đổi) nhận được hàng loạt ý kiến phản đối của các đại biểu. Đây cũng là nội dung gây nhiều tranh cãi khi đưa ra bàn thảo tại kỳ họp trước.
Đi ngược với thế giới
Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Công ước quốc tế về quyền trẻ em, cơ sở để ban soạn thảo dự án luận viện dẫn có hiệu lực năm 1990, tức 26 năm về trước. Công ước này nói rất rõ trẻ em là dưới 18 tuổi trừ trường hợp luật pháp các nước công nhận tuổi thành niên lớn hơn, cho nên quy định trẻ em dưới 16 tuổi (từ 16 đến 18 tuổi không còn là trẻ em nữa) thì cũng không hề vi phạm vì quy định đó không bắt buộc.
Vị đại biểu là luật gia này phân tích, hơn nửa thế kỷ qua, ở Việt Nam, mọi người đều hiểu trẻ em là dưới 16 tuổi, 16 đến 18 là người chưa thành niên, từ 18 trở lên là thành niên. Tất cả luật pháp được phân chia theo 3 độ tuổi này.
"Tôi xin hỏi vì lý do gì vào năm 2016 của thế kỷ 21 chúng ta lại đem khái niệm trẻ em phải dưới 18 tuổi áp dụng, để đạt được cái gì?", ông Nghĩa bình luận về giải trình chưa thỏa đáng của cơ quan soạn thảo dự luật.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa: "
Không có lý gì bắt thanh thiếu niên 16-18 tuổi quay trở về làm thân phận trẻ em ". Ảnh: Quochoi.vn. |
Điểm thứ 2, quy luật của con người phát triển nói chung, cho đến nay ở rất nhiều quốc gia là trẻ em ngày càng trưởng thành. Do đó tuổi trẻ em, đặc biệt là tuổi chịu trách nhiệm hình sự, dân sự thì tinh thần là đều trẻ dần. Ví dụ trước đây 16, bây giờ 14 tuổi, có quốc gia 11, 12 tuổi đã phải chịu trách nhiệm hình sự. Nhưng ngược lại năng lực trách nhiệm dân sự được quy định từ rất sớm, với các mức hạn chế được nới lỏng dần cho tới lúc trưởng thành.
Vì thế, theo đại biểu Nghĩa, nếu quy định từ 16 đến dưới 18 tuổi vẫn là trẻ em thì hàng loạt hành vi dân sự của các lứa tuổi thanh thiếu niên phải tính toán lại. Hệ lụy là phải sửa Bộ luật Hình sự, Dân sự, Lao động... Đây là xu thế đi ngược với thế giới.
Phản bác giải trình của ban soạn thảo, ông đề nghị phải xử lý tất cả các xung đột trước khi thông qua điều khoản cơ bản này.
"Không cần thiết quay lùi bánh xe lịch sử lại 26 năm về trước để làm cái điều mà hồi đó không làm. Đất nước, con người Việt Nam phát triển, không có lý gì bắt thanh thiếu niên 16-18 tuổi quay trở về làm thân phận trẻ em", ông Nghĩa nói và khẳng định, đây là một quy định "lợi bất cập hại", "không phù hợp với thực tiễn".
Tổng động viên cả trẻ em nếu đất nước lâm nguy?
Chia sẻ với luật sư Trương Trọng Nghĩa, nhiều đại biểu đã nêu nhiều luận cứ để phản đối. Khẳng định không tán thành, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) yêu cầu, nếu Quốc hội vẫn quyết định thông qua thì cần xử lý các vướng mắc, bổ sung vào dự thảo luật các nguyên tắc dẫn chiếu để thống nhất với các bộ luật khác.
Phân tích chi tiết hơn, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, thực tế hiện nay trẻ em trưởng thành sớm hơn trước, không hạ thì thôi, chúng ta lại tăng độ tuổi lên.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan: "Nếu đất nước lâm nguy, chẳng nhẽ phải tổng động viên cả trẻ em?". Ảnh: Quochoi.vn. |
Ngoài hàng loạt rắc rối khi không tương tương thích với nhiều luật thì nó còn tạo nhiều vấn đề cho xã hội và lo ngại về ngân sách nhà nước. "Trong báo cáo giải trình, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng không ảnh hưởng gì tới ngân sách. Như vậy tôi suy ra rằng trẻ em cũng không được thêm gì nếu nâng thêm tuổi", bà lật lại vấn đề.
Quy định này cũng sẽ gây xung đột với nhìn nhận, đánh giá về nạn tảo hôn khi ở nhiều vùng, nhiều dân tộc thiểu số, người dưới 16 tuổi đã kết hôn. Thông qua quy định nâng độ tuổi dẫn tới việc các bạn trẻ lâm vào trạng thái kết hôn trái phép luật. Rồi "trẻ em" xâm hại lẫn nhau, yêu nhau cũng là phạm luật.
"Như tôi từng nói một cách hình tượng, chúng tôi sẽ phải xây thêm khoa sản trong bệnh viện nhi. Hay đối chiếu với Luật nghĩa vụ quân sự, nếu đất nước lâm nguy thì chẳng nhẽ phải tổng động viên cả trẻ em?", nữ đại biểu phân tích.
"Điều đó cho thấy chưa phù hợp nếu áp dụng công ước quốc tế trong vấn đề này. Kể cả khảo sát, lấy ý kiến học sinh cấp 3, thì xem liệu các em có đồng ý coi mình là trẻ em không?", bà nói thêm và đề nghị Quốc hội lấy ý kiến riêng về vấn đề này chứ không thông qua một lần cùng với cả dự thảo luật.