- Phiên chất vấn trực tiếp ở Quốc hội diễn ra trong 3 ngày: 6-8/11. Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân là "tư lệnh ngành" thứ 3 trả lời chất vấn sau Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường.
- Nội dung chất vấn Bộ trưởng Tân xoay quanh các vấn đề: Sắp xếp cán bộ công chức sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, xã; Công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển, bồi dưỡng, đào tạo, thi nâng ngạch cán bộ, công chức và viên chức; Công tác đánh giá cán bộ.
-
40 đại biểu chất vấn, 16 đại biểu tranh luận với Bộ trưởng Nội vụ
Khép lại phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết đã có 40 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, có 16 đại biểu tranh luận và còn 30 đại biểu Quốc hội cùng 4 người tranh luận nhưng không đủ thời gian thể hiện trên hội trường.
Bà đánh giá phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, trách nhiệm, xây dựng. Trong đó, các đại biểu đặt câu hỏi thẳng thắn, sâu sắc, có tính thực tiễn cao và tích cực tranh luận để làm rõ vấn đề. Đây là lần thứ hai Bộ trưởng trả lời chất vấn trước Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đánh giá Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân có nhiều kinh nghiệm, nắm chắc tình hình, thực trạng và những vấn đề bức xúc thuộc lĩnh vực quản lý của ngành. Theo đó, phần trả lời của bộ trưởng mạch lạc, rõ ràng, cầu thị và rất thẳng thắn nhận trách nhiệm trước Chính phủ và Quốc hội. Ảnh: Hải Quân.
-
Cải tiến bộ máy, tinh giản biên chế chưa bao giờ dễ dàng
Phó thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình báo cáo làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Phó thủ tướng xin 8 phút để trả lời.
Ông nhấn mạnh cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước, đổi mới chế độ công vụ, công chức là chủ trương lớn, quan trọng được đề cập trong các nghị quyết của Trung ương, quy định của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. “Mục tiêu xuyên suốt là xây dựng tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước tinh gọn, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của từng cơ quan nhằm thực hiện tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, qua đó góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy, chính quyền các cấp”, Phó thủ tướng nhấn mạnh. Theo Phó thủ tướng, thời gian qua Chính phủ đã nỗ lực trong việc sắp xếp, tổ chức kiện toàn tổ chức hành chính Nhà nước và cải cách chế độ công vụ, công chức. Bước đầu đã đạt những kết quả tích cực. Song bên cạnh đó, Phó thủ tướng thừa nhận còn một số khó khăn, vướng mắc trong tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước khi một số lĩnh vực chưa thực sự tinh gọn, hiệu quả, hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập còn cồng kềnh, phân tán; việc xã hội hoá dịch vụ sự nghiệp công còn hạn chế; một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn yếu kém về phẩm chất, năng lực, chưa làm tròn, chức trách nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, theo Phó thủ tướng, còn tình trạng tham nhũng vặt, công tác thực thi chính sách pháp luật chưa hiệu quả, vẫn còn sai phạm trong tuyển dụng, bổ nhiệm. Trong khi đó, việc xử lý sai phạm chưa nghiêm, công tác đánh giá chất lượng đội ngũ công chức, viên chức chưa thực chất, số liệu chưa thuyết phục.” Chính phủ cũng đã nắm được và đang từng bước có giải pháp xử lý”, Phó thủ tướng nói. Phó thủ tướng nhấn mạnh tới đây sẽ có giải pháp giải quyết hàng loạt vấn đề đại biểu nêu như văn bằng, chứng chỉ trong tuyển dụng, xử lý các vi phạm trong hoạt động công vụ, xử lý cán bộ sau khi nghỉ hưu, sắp xếp cán bộ dôi dư do tinh giản biên chế… Ông cho biết Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nội vụ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương giải quyết các vấn đề trong công tác quản lý cán bộ, bổ nhiệm, đề bạt người thiếu theo chuẩn, sai quy trình… Nhấn mạnh vấn đề sắp xếp, tổ chức bộ máy tinh giản biên chế theo hướng thu gọn đầu mối là vấn đề động đến tổ chức, con người và rất phức tạp do phải giải quyết những vấn đề do lịch sử để lại, nhưng Phó thủ tướng khẳng định Chính phủ xác định phải làm từng bước thận trọng, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, vừa lắng nghe theo ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động để có giải pháp đúng, nhưng đồng thời cũng phải đảm bảo hợp tình hợp lý, cá biệt có những vấn đề phải hợp đạo lý. “Cải tiến bộ máy, tinh giản biên chế không phải là vấn đề mới trong các giai đoạn phát triển của đất nước, chúng ta đã tiến hành một số lần nhưng vấn đề này chưa bao giờ là dễ dàng”, Phó thủ tướng nói và nhấn mạnh Chính phủ xác định đây là vấn đề khó khăn, phức tạp nên phải có bước đi phù hợp, thận trọng. -
Văn bằng ngoại ngữ, tin học không khác gì giấy phép con
Đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) chất vấn Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân về giải pháp cho công chức trong việc thi lấy bằng chứng chỉ ngoại ngữ, tin học như thế nào để "tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa". Đại biểu này cũng băn khoăn là các đại biểu Quốc hội sử dụng thành thạo máy tính có cần bằng tin học hay không.
Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) đánh giá cao lời nhận khuyết điểm chân thành của Bộ trưởng Nội vụ. Trong phần chất vấn của mình, bộ trưởng đã trên 5 lần nhận khuyết điểm, trách nhiệm. Đại biểu Hiền cho biết cử tri là công chức viên chức, giáo viên gửi tâm tư lo lắng trước những thay đổi liên tục trong các quy định. Họ mệt mỏi với việc tách nhập và việc làm sao hoàn thiện văn bằng chứng chỉ. Cử tri nói với chúng tôi rằng bằng ngoại ngữ, tin học không khác gì giấy phép con.
-
Bộ trưởng Nhạ: Chứng chỉ ngoại ngữ, tin học không cần thiết với giáo viên
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trả lời thêm về biên chế giáo viên và việc sáp nhập các cấp học, các trường. Ông cho biết thời gian qua bộ đã có nhiều buổi làm việc về vấn đề biên chế giáo viên. “Giáo viên rất đông nên vướng mắc về biên chế giáo viên cần cùng nhau có giải pháp tham mưu cho Chính phủ tháo gỡ”, ông Nhạ nói. Ông Nhạ chia sẻ vui mừng trước thông tin Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết tới đây sẽ có nhiều đổi mới về tuyển dụng, điển hình như quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học. “Với giáo viên nói riêng, quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học là không cần thiết”, ông Nhạ nói. Ông khẳng định sẽ phối hợp với các địa phương và cùng Bộ trưởng Bội vụ Lê Vĩnh Tân xây dựng nghị quyết tham mưu Chính phủ đảm bảo biên chế giáo viên hợp lý, có lộ trình giảm các cán bộ quản lý, phục vụ không cần thiết nhưng con số tăng cũng hợp lý chứ không thể tăng vô cùng”, ông Nhạ nói. Về sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có trường học, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh khi sáp nhập thì yêu cầu nghiêm ngặt về tiêu chuẩn, điều kiện bởi mỗi cấp học có tâm sinh lý khác nhau, khi sắp xếp phải tính toán kỹ. Bên cạnh đó, ông cho rằng lãnh đạo quản lý Nhà trường hay giáo viên khi sáp nhập liên cấp cùng phải có đủ điều kiện. Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ. Ảnh: Hải Quân.
-
Đuổi việc công chức nhũng nhiễu dân sao khó quá?
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu tranh luận cho biết Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân mới trả lời ông một nội dung về tinh giản biên chế và điển hình ở Bộ Nội vụ, ông ghi nhận và đánh giá cao Bộ đã làm gương. Nhưng ông Cầu đề nghị Bộ trưởng Tân trả lời tại hội trường về tình trạng cán bộ công chức, viên chức nhũng nhiễu gây khó dễ cho người dân, doanh nghiệp. “Tôi đã đề nghị vấn đề này tại những kỳ họp trước, đề nghị đuổi việc những người này nhưng thấy “khó quá”, quy trình nhiêu khê, dài dòng”, ông Cầu nói. Theo đại biểu tỉnh Nghệ An, Luật cán bộ công chức sắp thông qua tại Quốc hội lần này nhưng nếu không sửa thì không có cơ chế cho Chính phủ thực hiện. Vì vậy, ông đề nghị sửa luật phải đưa ra giải pháp mạnh tay giải quyết tình trạng này. Ảnh: Hải Quân.
-
Chỉ 30% cán bộ làm việc, sao không tìm ra người giảm biên chế?
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ (Bắc Kạn) về con số 0,63% công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ hiện nay có đúng thực chất hay không, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nêu con số báo cáo từ 40 tỉnh, thành gửi về. Qua đó cho thấy tỷ lệ hoàn thành tốt nhiệm vụ của công chức khoảng 27,7%; mức hoàn thành xuất sắc; hoàn thành tốt khoảng 67,3%; hoàn thành nhiệm vụ năng lực còn hạn chế 6,3% và không hoàn thành 0,63%. Song ông thừa nhận đánh giá và phân loại như thế này là chưa chính xác. Nguyên nhân do các địa phương chưa xây dựng được tiêu chí, tiêu chuẩn, điều kiện để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ công việc, chủ yếu thiên về tình cảm, đánh giá một cách chung chung với nhau. Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cũng nêu thực tế nhiều lãnh đạo chấm điểm về thái độ công vụ của công chức trong cơ quan nhưng còn mang cảm tính, có sự nể nang. “Nói thật với các đại biểu là các đồng chí lãnh đạo ít khi nào được đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ lắm. Tôi hơn mười năm làm lãnh đạo thấy từ cấp tỉnh trở lên các đồng chí chưa có bản tự kiểm nào. Tôi đánh giá tôi là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, anh em nói nếu chủ tịch, bí thư, bộ trưởng mà không hoàn thành thì chúng em làm gì có hoàn thành”, ông Tân nói. Nhưng ông cũng “tâm sự” nhiều khi thấy áy náy quá vì “đơn vị mình có hoàn thành xuất sắc đâu mà mình hoàn thành xuất sắc”. Việc này, theo ông Tân là do tâm trạng nể nang, có tình cảm với nhau. Vì vậy tới đây sẽ sửa đổi theo hướng đánh giá ngang, đánh giá dọc, đánh giá đa chiều, trên đánh giá dưới, dưới đánh giá trên và đánh giá phải bằng những sản phẩm cụ thể. “Tôi nói nghiêm túc đánh giá cán bộ gì đến mức không tìm ra được người để tinh giản biên chế. Trong khi đó dư luận xã hội nói chỉ có 30% cán bộ làm việc mà tại sao không kiếm được người để giảm biên chế?”, ông Tân đặt vấn đề và cho rằng phải làm nghiêm túc, công khai trong đánh giá cán bộ. -
Bộ trưởng Nội vụ bị phê bình 2 lần
Về vấn đề thi tuyển chức danh lãnh đạo quản lý, Bộ trưởng Tân cho biết Bộ Nội vụ vẫn đang triển khai nội dung này nhưng với tốc độ chậm.
“Bộ đã phát văn bản yêu cầu các địa phương đăng ký, nhưng ít địa phương đăng ký quá. Cho đến khi chúng tôi nhận được 14 bộ và 22 đơn vị thì mới chính thức cho triển khai được. Về vấn đề này, đồng chí Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tổ chức Trung ương phê bình tôi 2 lần”, ông Tân bộc bạch. Hiện, mục tiêu 14 bộ và 22 đơn vị mới thực hiện được 1 nửa. Theo kế hoạch, cuối năm 2019, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương sẽ sơ kết về thực hiện 2 năm đề án này. Ban Tổ chức và Bộ Nội vụ sẽ đề xuất một số chủ trương, trong đó nên tổ chức hình thức thi này. “Đây là cách chúng ta giảm được các thủ tục hành chính và thực sự chọn được người tài. Còn thực hiện quy trình 5 bước thì ở dưới được thì trên lắc đầu. Nên hình thức thi này thì nên khuyến khích, có cơ chế, chức vụ nào nên thi”, Bộ trưởng Nội vụ nhận xét. Ông cũng cho hay bộ sẽ đề xuất để tiếp tục triển khai nội dung này thay vì chỉ thí điểm trong 2 năm. -
Đại biểu mang tâm thư kêu cứu của giáo viên vào nghị trường
Trao đổi lại với Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý (Đà Nẵng) nói: “Không biết bộ trưởng đã có ý kiến chỉ đạo như thế nào mà hầu hết các địa phương vẫn diễn ra tình trạng các ngành y tế, giáo dục đang kêu chuyện bị giảm biên chế theo kiểu cào bằng, trong khi ngành giáo dục đang chuẩn bị triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới với nhiều yêu cầu mà đến thời điểm này, văn bản chỉ đạo chưa có. Đặc biệt, kỳ thi viên chức giáo dục một số địa phương đã chính thức diễn ra mà không có bất cứ một sự ưu tiên nào dành cho giáo viên hợp đồng, đặc biệt là những giáo viên hợp đồng lâu năm có đóng bảo hiểm xã hội”. Nữ đại biểu vừa chất vấn, tay vừa giơ cao bức tâm thư kêu cứu của một giáo viên hợp đồng giảng dạy trong suốt 14 năm qua nhưng lại bị chấm dứt hợp đồng. “Có lẽ giờ đây những giáo viên này đang dõi theo đang khắc khoải, đang mong chờ câu trả lời rõ hơn từ bộ trưởng”, bà Thuý nói. Đại biểu Kim Thúy và Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân. Ảnh: Hải Quân.
-
Người làm việc tốt không nhiều đâu, phải trả lương xứng đáng
Trả lời câu hỏi về tham nhũng vặt của đại biểu Nguyễn Hữu Cầu,
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết Thủ tướng đã chỉ đạo, giao cho Bộ trưởng Nội vụ làm Tổ trưởng kiểm tra công vụ nên làm rất quyết liệt. “Tuy là tham nhũng vặt, là lỗ nhỏ thôi nhưng rất nguy hiểm”, ông Tân nói. Ông cho biết vừa qua Chính phủ ban hành Đề án Văn hoá công vụ, các địa phương cần xây dựng chương trình hành động triển khai. Thủ tướng cũng đã phát động văn hoá công sở, công chức phải thực sự là công bộc, tinh thần này phải được thổi lên. Ông nêu thực tế có các đơn vị được giao nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, có khi làm 12h đêm không nghỉ. Như Bộ Nội vụ có những ngày làm đến đêm đèn vẫn sáng, các cơ quan khác cũng vậy. “Nhưng người làm việc tốt như thế không nhiều đâu. Vì vậy chế độ lương, thưởng và vị trí việc làm cần phải tính lại. Người nỗ lực phải hưởng mức lương tương xứng chứ không cào bằng như hiện nay”, ông Tân nói. Ông nhắc lại tinh thần xử lý tham nhũng vặt là xử lý kiên quyết, thời gian đã xử lý nhiều nhưng con số này cũng chưa phản ánh bức tranh chung của xã hội. Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu. Ảnh: Hải Quân.
-
Bộ trưởng sẽ viết bản tự kiểm điểm gửi Thủ tướng
Về chất vấn của đại biểu Hà Thị Lan (Bắc Giang) cho rằng Thủ tướng đã phê duyệt Đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới, nhưng gần 4 năm Bộ Nội vụ chưa có văn bản, thông tư để hướng dẫn thực hiện, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân một lần nữa “xin nhận khuyết điểm”. Theo ông, đây là một quyết định về chính sách đối với cán bộ người dân tộc có từ tháng 3/2016 và Chính phủ đã giao cho Bộ Nội vụ 8 nhiệm vụ, đến nay Bộ còn 4 nhiệm vụ chưa làm. “Tôi sẽ làm bản tự kiểm điểm gửi Thủ tướng tháng 12 năm nay để nhận trách nhiệm về vấn đề này. Đây là thiếu sót của Bộ Nội vụ, trong đó có trách nhiệm của bộ trưởng”, ông Lê Vĩnh Tân thẳng thắn nói. Ông cho biết đã làm việc với một số lãnh đạo của cơ quan liên quan bàn về vấn đề cơ cấu của người dân tộc sắp tới và biên chế đã được giao. Theo đó, dứt khoát thi tuyển dụng công chức, viên chức người dân tộc không thể tuyển dụng chung với người Kinh. Vì vậy, ông nhấn mạnh tham mưu Chính phủ phải tuyển dụng riêng, tức là tuyển dụng người dân tộc với nhau, và người Kinh với nhau để đảm bảo cơ cấu. “Nếu làm chung thì không được đâu, kể cả về tiêu chuẩn, điều kiện bồi dưỡng người dân tộc, kể cả trình độ ngoại ngữ cũng phải tính khác chứ không thể tuyển dụng chung một mặt bằng”, ông Tân nhấn mạnh. Ông hy vọng trong nhiệm kỳ tới đây, nhất là Đại hội các cấp sẽ phải đảm bảo được tỷ lệ người dân tộc. Thực tế hiện nay, hầu hết các tỉnh đều đảm bảo được tỷ lệ người dân tộc trong cơ cấu công chức, viên chức ở cấp tỉnh, thậm chí có những tỉnh đạt tỷ lệ cao. Toàn cảnh phiên chất vấn Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân. Ảnh: Hải Quân.
-
Xây dựng vị trí việc làm, trả lương theo chính sách mới
Trả lời đại biểu Quốc hội về vấn đề xây dựng vị trí việc làm, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân khẳng định đây là vấn đề rất quan trọng. “Bộ Nội vụ đã nhận khuyết điểm trước Chính phủ trong phiên họp Chính phủ thường kỳ, vì Chính phủ giao Bộ Nội vụ thẩm định Đề án vị trí việc làm đối với các đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh và các bộ, ngành Trung ương, nhưng hơn một năm từ năm 2015 đến tháng 8/2016, Bộ Nội vụ chưa phê duyệt được Đề án vị trí việc làm nào đối với các đơn vị sự nghiệp công lập". Ông cho biết Bộ Nội vụ đã đề nghị Thủ tướng phân cấp cho bộ trưởng và Chủ tịch UBND các tỉnh phê duyệt Đề án vị trí việc làm đối với các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ chi thường xuyên. Vấn đề còn lại là xác định đề án vị trí việc làm như thế nào để phục vụ cho việc trả lương theo chính sách cải cách tiền lương. “Đây là một vấn đề rất quan trọng”, ông Tân nhấn mạnh. Nói thêm về chính sách cải cách tiền lương, Bộ trưởng Nội vụ cho biết Bộ Chính trị đã giao cho Ban tổ chức Trung ương là cơ quan chủ trì thực hiện xây dựng Đề án vị trí việc làm, xây dựng chức danh tương đương để trả lương theo vị trí việc làm và theo chức vụ lãnh đạo, quản lý. Bộ Nội vụ sẽ tổng hợp về vị trí việc làm, tổng hợp chức danh tương đương và thang bảng lương của các bộ, ngành để trình Bộ Chính trị cho ý kiến, làm cơ sở cho năm 2020 tiến hành xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để chuẩn bị thực hiện chế độ tiền lương 2021. Ông Tân cho biết việc xây dựng đề án vị trí việc làm lần này làm kỹ hơn, dự kiến chia làm 4 nhóm để dễ xếp lương, khác với trước đây chia quá nhiều nhóm nên không thể cơ cấu tiền lương khác nhau được. Phần trả lời của Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân sẽ tiếp tục vào 14h. -
Làm thế nào để không "giản" người "tinh", giữ lại người kém đức, kém tài
Đại biểu Châu Quỳnh Giao (Kiên Giang) chất vấn Bộ trưởng Nội vụ giải pháp để không “giản” những người “tinh” và giữ lại người kém đức, kém tài.
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an Nghệ An chất vấn Bộ trưởng Nội vụ về tình trạng tham nhũng vặt, việc một bộ phận cán bộ, công chức gây khó dễ và sách nhiễu cho người dân và doanh nghiệp vẫn chậm được khắc phục. Theo ông Cầu, nguyên nhân của tình trạng này là do chế tài xử lý quy định trong Luật cán bộ, công chức chưa đủ mạnh, còn rườm rà về thủ tục. Ông hỏi bộ trưởng tới đây có giải pháp mạnh mẽ nào để siết chặt kỷ luật công vụ, mạnh tay xử lý các sai phạm nói trên.Đại biểu tỉnh Nghệ An cũng đề nghị bộ trưởng công bố hiện nay có bao nhiêu bộ, ngành chưa giảm được biên chế và tổ chức bộ máy? Ông phản ánh vấn đề cấp phó của tỉnh vẫn còn cào bằng và chất vấn: “Xin hỏi Bộ trưởng, các tỉnh lớn đông dân như Thanh Hoá, Nghệ An cũng bằng các tỉnh khác thì có đúng không?”. Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu. Ảnh: Hải Quân.
-
Bộ trưởng nhận trách nhiệm về quy định “20 năm không sửa”
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về vấn đề thi xét tuyển, xét nâng ngạch công chức, viên chức, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân thừa nhận việc này “rất phiền hà”. Không chỉ riêng văn bằng, chứng chỉ về thi nâng ngạch hoặc xét thăng hạng viên chức mà cả về quy trình bổ nhiệm đều rất rườm rà. Ông Tân nhắc đến quy định về việc này có từ năm 1993, đến nay đã hơn 20 năm nhưng vẫn không sửa. “Một quyết định mà để 20 năm không sửa, để cho thủ tục rườm rà là trách nhiệm của Bộ Nội vụ”, ông Tân nhận trách nhiệm. Ông cam kết sẽ sửa ngay và thực hiện quy trình bổ nhiệm thăng hạng, xét nâng ngạch công chức theo đúng quy định, không thêm bất cứ một hồ sơ thủ tục nào. -
Cả nước thiếu 87.000 giáo viên và hơn 12.000 nhân viên y tế
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) về biên chế giáo viên và nhân viên y tế, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết tổng biên chế sự nghiệp của nước ta là 1,8 triệu người, 80% trong đó là giáo viên và nhân viên y tế. Tuy nhiên, theo thống kê bước đầu, cả nước còn thiếu 87.000 giáo viên các cấp và hơn 12.000 nhân viên y tế. Hiện tại, Bộ Nội vụ đang phối hợp với Bộ Y tế và Bộ Giáo dục xác minh cụ thể, từ đó đề xuất Chính phủ và Bộ Chính trị bổ sung. Đến nay, Bộ trưởng cho biết đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ và trình Bộ Chính trị giải quyết vấn đề giáo viên ở cấp mầm non. Đồng thời, ông cũng khẳng định việc tinh giản biên chế giúp tiết kiệm gần hàng trăm tỷ đồng và đang được một số tỉnh, thành thực hiện tốt. Ảnh: Hải Quân.
-
79 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân
Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết sau khi việc sắp xếp tổ chức bộ máy, nhiều bộ, ngành và địa phương đã tinh gọn và hạn chế sự chồng chéo, giao thoa. Bước đầu đã giảm được 4 tổng cục, 11 vụ, cục. Số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thì giảm nhiều.Tinh giản biên chế cũng đạt được kết quả khả quan, chất lượng cán bộ, công chức, viên chức cũng được nâng lên. Nhắc đến công tác cán bộ, ông Tân nhấn mạnh đây là vấn đề rất quan trọng vì cán bộ là người xây dựng thể chế, chính sách, người tổ chức thực hiện và vận động nhân dân, tạo sự đồng thuận giữa Nhà nước và nhân dân. Vì thế, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều nghị quyết, các văn bản quy phạm pháp luật về công tác cán bộ từ tuyển dụng bổ nhiệm, luân chuyển, đào tạo và thực hiện các chính sách cán bộ, từng bước khắc phục những tồn tại, hạn chế. Bộ trưởng Nội vụ cũng khẳng định đã xử lý nghiêm các sai phạm về công tác cán bộ kỷ luật, kỷ cương hành chính ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, việc thể chế hoá các chủ trương nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước còn chậm, thiếu đồng bộ, chậm đưa các chủ trương nghị quyết vào cuộc sống. Với trách nhiệm người đứng đầu ngành nội vụ, ông Tân cam kết sẽ cố gắng tập trung giải đáp và chia sẻ ý kiến cùng với đại biểu Quốc hội về các nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý của ngành. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sau đó cho biết đã có 79 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân. -
Chất vấn Bộ trưởng Nội vụ về bổ nhiệm người nhà, tinh giản biên chế
Sáng nay (7/11), sau phiên đăng đàn của Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.
Ông Tân sẽ trả lời về các nhóm vấn đề gồm: Sắp xếp cán bộ công chức sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, xã; công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển, bồi dưỡng, đào tạo, thi nâng ngạch cán bộ, công chức và viên chức; công tác đánh giá cán bộ, công chức và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức.
Báo cáo với Quốc hội về kết quả thực hiện chính sách tinh giản biên chế, Bộ trưởng Nội vụ cho biết tổng số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được tinh giản là 40.500 người.
Trong đó, vẫn còn có những sai phạm trong công tác bổ nhiệm cán bộ, như bổ nhiệm chưa đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện; bổ nhiệm quá số lượng quy định; chưa đáp ứng về trình tự, thủ tục bổ nhiệm; bổ nhiệm người nhà, người thân…
Bộ Nội vụ nhấn mạnh sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, kiến nghị xử lý nghiêm các vi phạm trong công tác tuyển dụng, nâng ngạch, bổ nhiệm cán bộ tại các bộ, ngành, địa phương.
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân. Ảnh: Hoàng Hà.
-
Inforgraphic 3 ngày trả lời chất vấn của Thủ tướng và 4 bộ trưởng