Sao Hoa ngữ tham dự LHP quốc tế chỉ để 'khoe mẽ'
LHP Cannes vốn được coi là “vua” của các liên hoan phim. Tuy nhiên, các nhà làm phim Trung Quốc lại nghĩ hoàn toàn khác. LHP Cannes lần thứ 65 vừa khép lại, nhưng nhiều ngôi sao Trung Quốc tới đây không phải để thi thố tài năng, mà để tạo dựng hình ảnh của mình.
Sự quan tâm và đánh giá của LHP Cannes tới các bộ phim tiếng Hoa luôn khách quan. Năm 1993, bộ phim Bá vương biệt cơ của đạo diễn Trần Khải Ca đã đoạt giải Cành cọ Vàng. Sau đó, nhà làm phim Hong Kong Vương Gia Vệ (phim Happy Together) và Edward Yang (phim A One and a Two) đã đoạt giải Đạo diễn xuất sắc nhất. Cát Ưu và Trương Mạn Ngọc đã đoạt giải Nam/Nữ diễn viên xuất sắc nhất.
Ngôi sao đại lục Phạm Băng Băng tới LHP năm nay theo lời mời của hãng mỹ phẩm L’Oreal. |
Thành tích giật lùi
Không thể phủ nhận, LHP Cannes đã có nhiều đóng góp trong việc phát hiện ra giá trị của phim Trung Quốc. Tuy nhiên, trong 2 năm trở lại đây, điện ảnh Trung Quốc không có phim nào lọt vào hạng mục tranh giải chính: giải Cành cọ Vàng.
Thực tế đó không hề khiến các ngôi sao Hoa ngữ giảm bớt mong muốn được xuất hiện tại Cannes. Trong mắt các nhà làm phim Trung Quốc, Cannes chỉ là một cuộc “phô trương” trên thảm đỏ, một nơi để vui đùa trong bầu không khí lãng mạn, đặc biệt là đối với một số ngôi sao nữ thích được “gán mác” là ngôi sao quốc tế, từ Củng Lợi, Chương Tử Di tới Lý Băng Băng và Phạm Băng Băng.
Nhưng năm nay, Chương Tử Di lại không xuất hiện tại LHP Cannes với lý do đang bận đóng phim (nhưng theo một số tờ báo thì cô đang bị cấm xuất ngoại vì liên quan đến vụ scandal với một số quan chức) và mặc dù phim Dangerous Liaisons do cô thủ vai chính được đánh giá cao song tác phẩm điện ảnh này lại không được trình chiếu tại LHP Cannes.
Trong khi đó, Phạm Băng Băng lại luôn nắm bắt từng cơ hội để tạo dựng hình ảnh là một ngôi sao điện ảnh quốc tế. Tại sân bay Cannes, cô đã gây xôn xao với trang phục trông như bộ pijama. Sau đó, trên thảm đỏ, với kiểu tóc mang phong cách đời Đường và bộ váy trông như con công, Phạm Băng Băng lại khiến những người có mặt tại đây nghĩ cô là một ngôi sao Nhật Bản. Thế nhưng, sự xuất hiện 3 năm liền của Phạm Băng Băng tại LHP Cannes không có nghĩa là Cannes ghi nhận khả năng diễn xuất của cô, mà cô tới đây là theo lời mời của hãng bảo trợ L'Oreal. Phạm Băng Băng chỉ là một sự quảng cáo “di động” cho hãng mỹ phẩm này tại LHP Cannes năm nay.
Chỉ để đánh bóng hình ảnh
Đối với các nhà làm phim Trung Quốc đại lục, Cannes không chỉ là nơi quảng cáo, mà còn để quảng bá các bộ phim của mình. Ví dụ, năm nay các nhà làm phim đã tích cực giới thiệu phim Họa bì II, 12 con giáp, Võ Đang và Phú Xuân sơn cư đồ tại LHP với hy vọng các tác phẩm của họ sẽ vang danh hơn ở thị trường nội địa.
Tương tự, nữ diễn viên Dương Mịch đã xuất hiện tại LHP chỉ để quảng bá cho phim Họa bì II và Võ Đang. Các áp phích quảng cáo phim Trung Quốc xuất hiện khắp mọi nơi tại LHP Cannes. Điều này cho thấy có vẻ như các ngôi sao Trung Quốc cảm thấy chiến dịch quảng bá phim mới của mình không hoàn thiện nếu như không tới LHP Cannes trước. Như vậy, số tiền mà họ bỏ ra tại Cannes chỉ đơn thuần để “khoe mẽ”.
Dương Mịch và Trần Đình Gia tham dự liên hoan phim Cannes để quảng bá cho Họa bì 2. |
Người ta nói rằng Cannes ngày càng mang tính thương mại. Nhưng đó có lẽ chỉ là quan điểm của các nhà làm phim Trung Quốc. Nhận thấy việc “khoe” trang phục và đồ trang sức tại đây sẽ thu hút sự quan tâm của các phương tiện thông tin đại chúng và công chúng, nên nhiều thương hiệu cao cấp đã không bỏ lỡ cơ hội và họ “mượn” các ngôi sao để quảng bá sản phẩm cho mình. Trong khi đó, các nhà làm phim Trung Quốc lại không theo đuổi tình yêu đối với dòng phim nghệ thuật, không cố gắng tìm tòi sự cách tân trong ngôn ngữ điện ảnh và nâng cao nghệ thuật, mà họ chỉ cố gắng đánh giá các hiệu quả kinh doanh do các ngôi sao mang lại.
LHP Cannes được coi là sự kiện điện ảnh quan trọng nhất châu Âu vì nó đã sớm mở cửa để nêu bật sức mạnh của điện ảnh toàn cầu. Chiến thắng tại Cannes tức là nó đã thể hiện nhãn quan nghệ thuật lớn hơn của một nhà làm phim. Nếu các nhà làm phim Trung Quốc chỉ coi LHP Cannes như một thương trường hoặc một cuộc “phô trương” thì tức là họ đã thiếu tình yêu với điện ảnh. Để tránh được điều đó, các nhà làm phim Trung Quốc phải tôn trọng nghệ thuật điện ảnh và giữ làm sao để những “bình hoa” quảng cáo “di động” tránh xa LHP Cannes.
Theo TT&VH