Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sao chống tham nhũng không được thảo luận ở HĐND?

"Tại sao trong suốt nhiệm kỳ HĐND TP, vấn đề chống tham nhũng không được đưa vào chương trình thảo luận?", đại biểu Trần Văn Thiện đặt câu hỏi tại HĐND TP HCM sáng 9/12.

Tại buổi thảo luận các vấn đề Kinh tế - Xã hội trong kỳ họp lần thứ 20 HĐND TP HCM khóa 8, đại biểu Trần Văn Thiện phát biểu, hiện nay cử tri cả nước nói chung và TP HCM nói riêng đang rất bức xúc với tình trạng tham nhũng phát triển rất tinh vi. Tham nhũng là quốc nạn, cản trở sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước nói chung và TP HCM nói riêng.

Tham nhũng đang trốn ở đâu?

Đại biểu Thiện dẫn lời của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong lần tiếp xúc cử tri ngày 5/12: "Tham nhũng ở nước ta đang rất nghiêm trọng. Đi đâu ai cũng kêu, ai cũng nói. Việt Nam là một trong những nước có tình trạng tham nhũng cao trên thế giới. Thậm chí ngoài xã hội có người nói Việt Nam là 'cường quốc về tham nhũng'. Không biết có nói quá không nhưng Việt Nam đang đứng vị trí rất cao trong bảng xếp hạng tham nhũng. Chủ tịch nước nói, công tác chống tham nhũng thời gian qua không đạt yêu cầu. Chủ tịch nước cảm thấy rất buồn và xấu hổ". 

Đại biểu Trần Văn Thiện phát biểu tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội HĐND TP HCM sáng 9/12. Ảnh: Hải An
Đại biểu Trần Văn Thiện phát biểu tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội HĐND TP HCM sáng 9/12. Ảnh: Hải An.

Theo ông Thiện, không chỉ Chủ tịch nước mà tất cả người dân đều chia sẻ và có cảm xúc như vậy. Vậy chúng ta phải làm gì để Việt Nam nói chung và TP nói riêng không còn ai gặp tham nhũng, không ai tham nhũng và không ai cần tham nhũng?

"Chúng ta nói rất nhiều về những kết quả đạt được vừa qua. Trong chiến tranh, Việt Nam có những vị tướng tài ba lỗi lạc. Tất cả người Việt Nam yêu nước và người dân TP đang rất trông mong sẽ xuất hiện một vị tướng hội đủ tài - đức - trí - tâm - bản lĩnh và đặc biệt là dũng khí để lãnh đạo cuộc đấu tranh chống lại quốc nạn tham nhũng. Người đó chắc sẽ được cả nước vinh danh và ghi công như một vị anh hùng dân tộc", ông Thiện tâm huyết.

Cử tri TP mong muốn cùng với Trung ương và các địa phương khác, TP sẽ chủ động, sáng tạo và quyết liệt hơn trong cuộc chiến chống tham nhũng ngày càng tinh vi, trầm trọng trong nền kinh tế xã hội.

Theo đại biểu, trong báo cáo của UBND về kinh tế xã hội năm 2015, khi nói về vấn đề chống tham nhũng thì rất ngắn. Năm 2015, TP HCM đã tiến hành 150 cuộc thanh tra tại 341 đơn vị, chỉ phát hiện 30 đơn vị sai phạm với giá trị 85 tỷ đồng, thu về ngân sách 31 tỷ đồng và 3 căn nhà.

Với kết quả rất khiêm tốn đó, đại biểu Thiện đặt câu hỏi: "Vậy tình trạng tham nhũng ở Việt Nam hiện như thế nào? Nó có hay không có, hay trốn ở đâu đó mà không thấy được. Nhiều cử tri đặt câu hỏi, chống tham nhũng thì chống ai, ai chống?".

3 điều trăn trở của đại biểu

Đại biểu Trần Văn Thiện gửi đến HĐND TP HCM 3 câu hỏi tâm huyết:

Chúng ta đánh giá thực trạng tham nhũng ở TP hiện nay như thế nào. Số liệu kết quả thanh tra trong báo cáo Kinh tế - Văn hóa - Xã hội có phản ánh đúng thực trạng tham nhũng hay không?

Tại sao trong suốt nhiệm kỳ HĐND TP, vấn đề chống tham nhũng không được đưa vào chương trình thảo luận của nghị trường. Vấn đề này cực kỳ nóng hổi nhưng tôi thấy hình như bị bỏ qua?"

TP HCM có mô hình, giải pháp gì đột phá trong thời gian tới trong cuộc chiến chống tham nhũng?

9 tháng đầu năm, TP chưa phát hiện tham nhũng

Phó Chánh Thanh tra TP Nguyễn Thị Ngọc Nga ghi nhận việc phòng chống tham nhũng luôn được TP chỉ đạo, triển khai quyết liệt.

TP đã chỉ đạo phát huy vai trò tốt của người đứng đầu ở các cơ quan đơn vị. Kiểm tra thanh tra đẩy mạnh, ngăn ngừa, xử lý nghiêm. 

Tuy nhiên, theo bà Nga, tham nhũng ở TP còn diễn ra ở một số ngành rất phức tạp: xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, quản lý tài chính công, cổ phần hóa DNNN...

Bà Nga
Bà Nguyễn Thị Ngọc Nga, Phó Chánh thanh tra TP HCM phát biều tại phiên thảo luận Kinh tế - Xã hội ở HĐND TP HCM sáng 9/12. Ảnh: Hải An.

Trong khi đó, thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp. CCHC chưa gắn với đào tạo, đào tạo lại cho công chức, viên chức.

Một số địa phương, đơn vị chưa đầu tư cho giải quyết đơn thư tố cáo, chưa chủ động kiểm tra, thanh tra về tham nhũng trong lĩnh vực của mình.

Thanh kiểm tra công vụ chưa thường xuyên, dàn đều. Việc tặng quà, nhận quà vẫn ngấm ngầm, khó kiểm tra, giám sát.

Dù đánh giá tình hình tham nhũng phức tạp, nhưng vị Phó Chánh thanh tra cho biết, trong 9 tháng năm 2015, chưa phát hiện hành vi tham nhũng. Thanh tra TP tiến hành 176 cuộc thanh tra, phát hiện 80 đơn vị có sai phạm về kinh tế. 

Tình trạng tham nhũng, theo bà Nga, do việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật còn thiếu tính hệ thống, gắn kết, phối hợp của các cấp ngành. Việc thanh tra, kiểm tra chưa đạt yêu cầu, chất lượng chưa sâu. Việc tự phát hiện tham nhũng chưa cao.

Hơn nữa, cấp ủy, thủ tưởng cơ quan chưa quan tâm đúng mức đến phòng chống tham nhũng.

Ở nhiều nơi, theo Phó Chánh thanh tra TP, việc phòng chống tham nhũng có làm nhưng chưa quyết liệt, không có trọng tâm, trọng điểm. Cán bộ công chức còn thiếu rèn luyện, lợi dụng cơ chế chính sách, lợi dụng nhiệm vụ để vòi vĩnh, nhũng nhiễu, làm trái.

Cái áo, chén cơm do dân nuôi, phục vụ dân thế nào?

Trước đó phát biểu đề dẫn thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội của TP HCM, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị đại biểu mổ xẻ, đánh giá tình hình Nghị quyết của HĐND năm 2015, cũng như hướng tới những năm sau của nhiệm kỳ 2016-2021.

Bà muốn các đại biểu chỉ rõ kinh nghiệm gì trong chỉ đạo, điều hành, phát huy thế nào trong thời gian tới, thay vì lặp lại báo cáo của UBND, hoặc ca ngợi thành tích. “Có nhắc lại các nội dung báo cũng chỉ để minh họa cho kinh nghiệm”, bà Tâm lưu ý.

Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm. Ảnh: Hải An.
Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm. Ảnh: Hải An.

Vị chủ tọa cũng đề nghị ĐB phân tích sâu các nguyên nhân, nhất là chủ quan, dẫn tới yếu kém, hạn chế trong điều hành, hạn chế năng lực cạnh tranh, sự phát triển của thành phố, chất lượng sống của dân chưa cao, từ đó rút kinh nghiệm cho nhiệm kỳ tới.

Với kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực, đánh giá cơ hội và thách thức, khó khăn và thuận lợi mà TP đối mặt. “Thay vì ngồi đợi cơ hội, TP cần làm gì để chủ động, sáng tạo, tự tạo cơ hội phát triển cho mình”, bà Tâm đặt câu hỏi. Bà cũng đề nghị các ĐB phân tích kỹ, dự báo tình hình cụ thể. Nếu khó khăn thì như thế nào, tác động trực tiếp vào khu vực gì, tầng lớp nào trong xã hội, từ đó nêu giải pháp. Nói chung chung, đúng nhưng không trúng, sẽ không ra được giải pháp.

Bà Tâm cũng gợi ý đại biểu thảo luận thêm về các nhiệm vụ và giải pháp. Nhóm chỉ tiêu phát triển của TP đã ổn chưa? Có tăng giảm gì không? Vì sao? Tính toán cho chặt chẽ. Về vấn đề cụ thể, bà Tâm gợi ý HĐND xem xét chất lượng năng lực cạnh tranh của thành phố trong hội nhập. Cần thảo luận mang tính gợi mở vấn đề: cạnh tranh của TP so với tỉnh thành khác, với khu vực. Tiềm năng của TP ở chỗ nào? Trong cạnh tranh, vấn đề gì, lĩnh vực nào đang sụt giảm? Vì sao? Để phát triển đúng tiềm năng, TP cần chuẩn bị những gì?

Bà Tâm chỉ rõ, việc hội nhập mạnh, sâu, rộng, nhìn thấy trước mắt. TP đang đứng ở đâu? TP cần hội nhập thế nào? Làm thế nào để TP đóng tốt vai trò trong liên kết vùng? Những cơ chế nào có rồi mà TP chưa tận dụng hết? TP cần cơ chế gì mới để tạo động lực phát triển? Ngoài chính sách hỗ trợ chung của Đảng, nhà nước, TP có chính sách, biện pháp gì hỗ trợ cho DN trong hội nhập. Đơn cử, doanh nghiệp vừa và nhỏ cần gì. Vì sao họ chậm đổi mới công nghệ? TP đợi doanh nghiệo chủ động hay cần chính sách tác động từ nhà nước, để họ đổi mới công nghệ, tạo năng suất và chất lượng, để không bị thua trên sân nhà trong hội nhập?

Trong phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, cần lồng ghép để tạo động lực cho kinh tế tư nhân phát triển như thế nào? Việc cổ phần hóa DNNN cần cân đối ra sao? Có người đặt vấn đề đến đơn vị công ích của quận huyện cũng cổ phần hóa thì công cụ nào để nhà nước giải quyết nhu cầu địa phương trong an sinh xã hội, bà Tâm nêu.

Một ưu tiên thảo luận khác, theo bà Quyết Tâm, là cải cách hành chính. Trong khi nhà nước tập trung đầu tư, thì thực tế người dân vẫn thấy phiền nhiễu. Chúng ta đã học thuộc lòng: xây dựng bộ máy nhà nước hiện đại, chuyên nghiệp, phục vụ nhân dân, nhưng cụ thể phải như thế nào? Thành phố cần đánh giá xem đội ngũ công chức, bao nhiêu có ý thức phục vụ dân. Chúng ta có lượng hóa được ý thức phục vụ dân của công chức hay không? “Cái áo mình mặc, chén cơm mình ăn là do dân nuôi, phục vụ dân thế nào”, bà Tâm trăn trở. TP cần tính đến sự đồng bộ trong chuỗi chính sách, đặc biệt liên quan đến thu nhập công chức. Liệu TP có thể đi dầu, đột phá gì để phục vụ cho dân. Với thu nhập của công chức hiện nay có vô tư, công tâm, trong sáng trong phục vụ dân được không?

TP HCM xử 4 án trọng điểm trước đại hội Đảng

Ngày 8/12, bà Ung Thị Xuân Hương (Chánh án TAND TP HCM) cho biết, lượng án thụ lý năm 2015 tuy có giảm, nhưng các vụ án có tính chất phức tạp xuất hiện ngày càng nhiều.

Bí thư quận bức xúc việc cấp phép dịch vụ nhạy cảm ở TP HCM

Ông Trịnh Xuân Thiều, Bí thư Quận ủy quận Phú Nhuận cho hay, ông nắm danh sách các địa điểm kinh doanh nhạy cảm vừa bị bắt chưa kịp nộp phạt đã được cấp giấy phép khác.

Nhóm PV

Bạn có thể quan tâm