Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bí thư quận bức xúc việc cấp phép dịch vụ nhạy cảm ở TP HCM

Ông Trịnh Xuân Thiều, Bí thư Quận ủy quận Phú Nhuận cho hay, ông nắm danh sách các địa điểm kinh doanh nhạy cảm vừa bị bắt chưa kịp nộp phạt đã được cấp giấy phép khác.

Chiều 8/12, thảo luận tại HĐND TP HCM, đại biểu Trịnh Xuân Thiều (Bí thư Quận ủy quận Phú Nhuận) bức xúc khi việc xin giấy phép đầu tư dự án kinh doanh của doanh nghiệp xảy ra tiêu cực, còn các ngành nghề nhạy cảm được cấp giấy phép rất dễ dàng.

Bị đóng cửa, lại có giấy phép mới

“Ở quận Phú Nhuận, nhiều đơn vị kinh doanh dịch vụ nhạy cảm bị rút giấy phép thì hôm sau họ có lại. Tôi có danh sách cụ thể những địa điểm kinh doanh nhạy cảm vừa bắt, chưa kịp nộp phạt thì họ lại có giấy phép khác. Sự phối hợp quản lý địa bàn giữa TP và quận như thế nào trong chuyện này?”, ông dẫn chứng.

Do vậy, theo ông Thiều, những ngành nào góp phần phát triển kinh tế thì phải ưu tiên, còn các dịch vụ nhạy cảm phải hạn chế. “Nhưng cứ đụng đến là luật không cho phép, thế này thế nọ. Luật là do mình làm ra có thể sửa, chứ cứ để thế thì địa bàn không thể trong sạch được", ông Thiều bức xúc.

Cơ quan chức năng đột kích và một cơ sở nhạy cả ở quận Phú Nhuận. Ảnh: K.T

Liên quan đến dịch vụ nhạy cảm, ông Trần Ngọc Du - Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP HCM chia sẻ, những cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm hoạt động rất tinh vi, luôn có cách đề phòng đoàn kiểm tra liên ngành.

Từ đầu năm 2015, Chi cục kiểm tra 15 cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm ở quận Phú Nhuận thì tất cả đều có vi phạm.

“Vừa qua, đoàn kiểm tra 2 cơ sở hành nghề mại dâm trá hình tại quận Phú Nhuận nhưng gặp rất nhiều khó khăn. Nhà chức trách vừa đến thì bảo vệ đóng cửa, kiên quyết không cho vào. Chúng tôi cùng công an phải bao vây đến gần 2h sáng thì chủ cơ sở mới chịu tiếp", ông kể.

Để vào được bên trong, lực lượng chức năng phải đi qua tới 4 lớp cửa, đều có người cảnh giới. Theo ông Du, có các cơ sở này mua luôn những ngôi nhà bên cạnh, khi có “biến” thì cả khách lẫn gái mại dâm nhanh chóng trốn sang tránh lực lượng chức năng.

'Nên thí điểm lập phố nhạy cảm'

"Hà Lan có khu vực 'đèn đỏ', nhưng có ai dám nói rằng nước này thuần phong mỹ tục băng hoại không?", đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa lên tiếng về đề xuất lập "phố nhạy cảm".

Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội bức xúc, những cơ sở bị bắt quả tang bị xử phạt, rút giấy phép kinh doanh nhưng chỉ vài ngày sau, thậm chí chỉ vài giờ là họ lại có giấy phép khác với người đứng tên mới.

Tuy nhiên, vị này cũng thông cảm với Sở Kế hoạch - Đầu tư vì theo luật, khi người dân đăng ký kinh doanh, xin giấy phép mà đủ điều kiện hoạt động thì không thể từ chối.

“Vấn đề nằm ở chỗ là các ban ngành phải có kế hoạch thẩm định khi cấp phép và hậu kiểm sau khi xử lý vi phạm hành chính đối với những nơi kinh doanh dịch vụ nhạy cảm”, ông Du nói.

Trả lời về vấn đề cấp phép ngành nghề nhạy cảm, đại diện Sở Kế hoạch - Đầu tư cho biết cũng rất bức xúc vì không giải quyết được dứt điểm những vấn đề liên quan đến ngành nghề này.

"Theo quy định của Luật doanh nghiệp và những văn bản quy phạm pháp luật liên quan, nếu hồ sơ của doanh nghiệp hợp lệ thì phải cấp phép", người này nói.

Ảnh: Hải An.
Đại biểu HĐND TP HCM tại phiên thảo luận. Ảnh: Hải An.

Dự án treo, dân không biết sống thế nào

Đề cập tới tình trạng dự án treo nhiều năm ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân, đại biểu Phạm Hưng Út (quận Bình Tân) nói, trên địa bàn còn 19 dự án chưa được rà soát đánh giá lại, khiến người dân hoang mang, không biết phải sống thế nào. 

"Khi chúng tôi tiếp xúc cử tri ở Hóc Môn, họ bảo rất khổ vì không biết nhà mình bị giải tỏa khi nào. Có những nơi, người dân ở tạm bợ, nhà dột nhưng không dám sửa vì quy hoạch treo", ông Út nói.

Còn đại biểu Phạm Thanh Bình (quận 9) phàn nàn, việc công khai quy hoạch chưa làm tốt, công tác giải thích cũng không đến nơi đến chốn khiến người dân sống trong cảnh bất an, người này đi hỏi người nọ, đồn đoán loạn lên. 

Ông Phạm Huy Toàn - Phó giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM thừa nhận, thông tin quy hoạch chưa đến với người dân một cách rõ ràng.

"Thời gian qua, Sở có nhiều chuyên đề cho các quận huyện về quy hoạch và tuyên truyền nhưng công tác này chưa làm tốt. Sắp tới, thông tin quy hoạch sẽ được công bố đến từng góc phố. Ngoài ra, các thông tin này sẽ được đưa lên mạng để người dân dễ dàng truy cập", ông Toàn nói.

Ung thư do thực phẩm bẩn là gánh nặng của TP HCM

Theo nhiều đại biểu HĐND TP HCM, hoạt động bán thực phẩm bẩn, nhiễm độc và sử dụng hóa chất bảo quản rất phổ biến, là nguồn cơn của các loại bệnh nguy hiểm.

Đại biểu cuối nhiệm kỳ thờ ơ, không muốn làm việc?

Chiều 8/12, ông Nguyễn Hoàng Năng - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM - đề nghị các đại biểu HĐND TP HCM báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ cả nhiệm kỳ so sánh với chương trình hành động đã công bố với cử tri khi ra ứng cử cách đây 5 năm.

Theo ông Năng, đây là trách nhiệm và cơ sở đánh giá năng lực của đại biểu dân cử. Cử tri thành phố muốn biết thông tin về lời hứa - kết quả, lời nói - việc làm của từng đại biểu. Qua đó đánh giá gửi gắm của cử tri đó với đại biểu đạt được mức độ nào.

"Rất tiếc, hiện kế hoạch đã được ban hành, song bảng đánh giá của các đại biểu gửi về chỉ đạt hơn 50%. Vì vậy, rất mong các đại biểu sau kỳ họp này, phải hoàn chỉnh sớm để báo cáo với cử tri trong việc đánh giá kết quả hoạt động của mình", ông Năng nói.

Cũng theo ông Năng, một trong những dư luận hiện nay bày tỏ chưa hài lòng về tình trạng một số đại biểu dân cử khi gần cuối nhiệm kỳ có những biểu hiện thờ ơ trong hoạt động, không tích cự quan tâm, giải quyết và đôn đốc ý kiến của cử tri, của thành phố.



Trường Nguyên - Võ Thuận

Bạn có thể quan tâm