Kết quả phân tích những bức ảnh chụp hôm thứ sáu tuần trước cho thấy một vệt sáng di chuyển ra khỏi “vùng thiêu đốt” của mặt trời.
“Nếu đó là một thực thể, chắc chắn nó đang thoát ra khỏi quỹ đạo mặt trời”, Alan Fitzsimmons, một nhà thiên văn ở Bắc Ireland, nhận xét.
Sao chổi ISON tiếp cận mặt trời. Ảnh: Abcnews. |
Vệt sáng lạ xuất hiện không lâu sau khi các nhà khoa học tuyên bố ISON, sao chổi đáng mong chờ nhất thế kỷ, tan biến hoàn toàn trong hành trình tiếp cận vầng thái dương. Sự xuất hiện của vệt sáng lạ một ngày sau đó có thể là tàn dư của ISON sau chuyến đi định mệnh.
Alex Young, một nhà nghiên cứu thuộc Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết, tàu thăm dò mặt trời SDO sẽ chụp hình sao chổi ISON lúc nó thoát khỏi quỹ đạo vầng thái dương, song nó hoàn toàn không ghi nhận được gì trong nhiều giờ sau đó. Tuy nhiên, một tàu vũ trụ khác lại chụp được hình ảnh một vệt sáng thoát ra.
Ban đầu người ta cho rằng vệt sáng là vật chất bốc hơi của sao chổi ISON và nó văng ra ngoài theo quán tính. Tuy nhiên, thay vì mờ dần, vệt sáng trở nên rõ ràng hơn sau khi rời xa quỹ đạo mặt trời.
“Ít nhất nó cũng là một mảnh nhỏ còn sót lại của sao chổi ISON”, Karl Battams, một chuyên gia nghiên cứu mặt trời của Hải quân Mỹ, viết trên trang cá nhân.
Theo Battams, nếu nhân sao chổi ISON được cấu thành từ loại vật chất cứng rắn, nó hoàn toàn có khả năng tồn tại sau hành trình kinh khủng xung quanh mặt trời. Hai năm trước, Lovejoy, sao chổi nhỏ hơn ISON, vẫn "sống sót" sau khi tiếp cận mặt trời ở khoảng cách gần. Tuy nhiên, Lovejoy biến mất vài ngày sau đó.
Fitzsimmons, chuyên gia sao chổi và các tiểu hành tinh cho rằng: “Đây là điều làm khoa học trở nên thú vị. Nếu chúng ta biết trước những gì sẽ xảy đến, nó sẽ không còn cuốn hút. Sự trở lại của sao chổi ISON khiến giới khoa học bất ngờ và hưng phấn”.