Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết: “Chúng tôi cho rằng sao chổi ISON không còn tồn tại vì không thể nhìn thấy bụi ở phía sau của nó. Hiện tượng này xảy ra rạng sáng nay theo giờ Việt Nam. Khi đó, sao chổi ISON cách mặt trời 1.174.281 km. Sức nóng của mặt trời khiến toàn bộ vật chất trên bề mặt sao chổi bốc hơi vào không gian”.
Sao chổi ISON bị mặt trời thiêu đốt hoàn toàn. Ảnh: Livescience.com. |
Khi tiếp cận vầng thái dương, nhiệt độ trên bề mặt sao chổi lên tới 2.700 độ C, đủ làm bốc hơi các loại vật chất, bao gồm cả đá. “Cái chết” của ISON là điều đáng tiếc với giới khoa học bởi người ta từng hi vọng “sao chổi thế kỷ” sẽ tạo ra cảnh tượng ngoạn mục trên bầu trời, phản chiếu ánh sáng rực rỡ từ vầng thái dương.
Tàu vũ trụ của NASA cũng ghi lại hình ảnh sao chổi lao nhanh vào quỹ đạo mặt trời nhưng không thấy cảnh tượng nó quay trở lại không gian. Karl Battams, chuyên gia nghiên cứu mặt trời của Hải quân Mỹ cho rằng: “Có thể ISON không còn tồn tại để thực hiện nốt hành trình dang dở”. Tuy các nhà khoa học ghi nhận hàng loạt tín hiệu xấu nhưng họ cần thêm vài tiếng để xác nhận “cái chết” của ISON.
Trên thực tế, ISON phải mất hàng triệu năm để di chuyển tới nơi mà loài người có thể quan sát được nó. Nó xuất phát từ cái gọi là đám mây Oort, một khu vực mênh mông chứa hàng tỷ khối đá và băng còn sót lại sau quá trình hình thành các hành tinh. Đám mây Oort nằm cách hành tinh gần nhất hơn 4 năm ánh sáng.