Chiều 30/7, thượng tá Đặng Công Chúng, Phó tham mưu trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ninh cho biết, đơn vị đang phối hợp với lữ đoàn 170 hải quân huy động tàu 634 ra đảo Cô Tô đón 1.500 du khách vào đất liền.
Tàu 634 có sức chứa 500-600 người nhưng do vẫn đang mưa lớn, chuyến đầu tiên lực lượng hải quân chỉ đưa 200 khách lên tàu. Những người khác sẽ trở lại khách sạn nghỉ ngơi và lên các chuyến sau.
Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn cho biết, 31.000 bộ bộ, 860 phương tiện đã sẵn sàng ứng trực hỗ trợ các tỉnh phía Bắc đối phó mưa, ngập.
Du khách được chở vào Cửa Đối để cảng vụ Cái Rồng huy động tàu ra đón vào bờ. Dự kiến, sáng 31/7 toàn bộ 1.500 du khách sẽ được đưa vào bờ an toàn.
Trao đổi với báo chí trưa cùng ngày, ông Nguyễn Văn Đọc, Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh cho hay, UBND tỉnh hỗ trợ hơn 200 triệu đồng mua vé xe cho toàn bộ du khách ở Cô Tô trở về địa phương.
Tỉnh ủy Quảng Ninh chỉ đạo Sở Giao thông vận tải huy động xe buýt, xe khách 45 chỗ chờ đón. Sau khi vào bờ, du khách được đưa ra bến xe Bãi Cháy lên xe về địa phương.
Lữ đoàn 170 hải quân đưa khoảng 200 du khách chủ yếu là phụ nữ, người già, trẻ em từ đảo Cô Tô về cảng Cái Rồng. Ảnh: Vietnamnet. |
Vietnamnet dẫn lời chị Phó Bích Huyền, một trong những du khách mắc kẹt tại Cô Tô cho biết, hiện trên đảo có mưa to. Trong số gần 2.000 hành khách đội mưa ra đứng đợi được đưa vào bờ thì chỉ có số ít lên được tàu, còn lại đã quay về nhà nghỉ.
Còn ông Hoàng Bá Nam, Chủ tịch UBND huyện đảo Cô Tô cho biết, phương án lúc đầu là có 3 chuyến chở khách về trong chiều nay nhưng vì thời tiết xấu nên sẽ chỉ có một chuyến chở tối đa 250 người. Những hành khách còn lại sẽ được ở khách sạn miễn phí hoặc hỗ trợ giá rất thấp.
Trước thông tin một số khách sạn, nhà nghỉ không nhận du khách, ông Nam nói rõ: "Huyện sẽ chỉ đạo sát sao việc này. Khách sạn, nhà nghỉ nào từ chối khách hay để xảy ra việc bán đội giá thì đề nghị du khách liên hệ đến lãnh đạo huyện, chúng tôi sẽ giải quyết thỏa đáng".
TP Cẩm Phả bàn phương án giải cứu lũ bùn cát
Chiều cùng ngày, trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Văn Hảo, Chánh văn phòng TP Cẩm Phả cho biết, UBND TP đang phối hợp với Tập đoàn than khoáng sản bàn phương án sử dụng hệ thống vòi hút đối lưu thay vì sử dụng máy bơm công suất lớn hút để chia nước xả ra nhiều nơi. Dù công suất hệ thống này không bằng máy bơm nhưng sẽ an toàn hơn, tránh tràn đập, sạt lở đất, bùn.
Nhiều ngôi nhà tại khu 4, phường Mông Dương (TP Cẩm Phả) ngập sâu trong lũ bùn cát. Ảnh: Hoàng Ảnh. |
Trước đó, Công an TP Cẩm Phả cùng Lữ đoàn 170 hải quân di dời 94 hộ (350 khẩu) ở khu 4, phương Mông Dương khỏi nơi bị lũ bùn đất tấn công. Ngoài ra, sáng 30/7, lực lượng cứu hộ tiếp tục di dời 20 hộ ở phường Cẩm Phú, 12 hộ ở phường Cửa Ông khỏi khu vực nguy cơ sạt lở, lũ quét. Một số hộ tới gia đình người thân ở tạm, số khác được đưa về trạm y tế, nhà văn hóa các phường.
Theo ông Hảo, bãi đất thải Đông Cao Sơn với khối lượng đất lọc than với khối lượng hàng chục triệu m3. Nếu mưa lớn tiếp tục kéo dài, bùn cát sẽ bị trôi xuống san phẳng các tổ dân cư thuộc phường Mông Dương.
Cảnh báo lũ quét
Theo trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn trung ương, đêm 29, rạng sáng 30/7 Bắc Bộ có mưa diện rộng. Riêng Đông Bắc tiếp tục mưa to: Cửa Ông (Quảng Ninh) 200 mm, Chi Lăng (Lạng Sơn) 220 mm.
Lượng mưa lớn kéo dài nhiều ngày làm lớp đất đá đã bão hòa nước. Sạt lở đất có nguy rất cơ cao xảy ra ở các khu vực có độ dốc lớn, thảm thực vật mỏng, các nơi bị cắt xẻ taluy, các bãi bồi cửa sông, suối tại tỉnh các phía Đông Bắc đặc biệt là tỉnh Quảng Ninh.
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở tất cả các tỉnh vùng núi phía Bắc, đặc biệt là Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Giang, Bắc Cạn, Hà Giang, Tuyên Quang) và ngập úng ở các vùng trũng, thấp, ven sông suối, ngập lụt ở đô thị Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định.