Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hàng triệu m3 bùn tấn công, dân Cẩm Phả di dời

Dân cư quanh khu vực đập nước 790 (TP Cẩm Phả, Quảng Ninh) đã được di dời khi bùn đất tiếp tục tấn công. Cùng lúc, đập đã tràn bờ, rò rỉ và có nguy cơ vỡ.

Thông tin từ TP Cẩm Phả, trưa 29/7, do mưa lớn vẫn tiếp tục kéo theo đất đá, rác thải từ bãi thải Đông Cao Sơn dồn xuống khiến nước đập nước 790 tràn bờ. Một số điểm bờ đập bị rò rỉ bùn đất trôi xuống khu dân cư, đập có nguy cơ vỡ.

Anh Vũ Công (33 tuổi) cho biết, tới chiều 29/7, mưa đã ngớt. Tuy nhiên, bùn đất, cát, rác từ bãi thải Đông Cao Sơn cuốn theo nước mưa xuống khắp tuyến đường liên thôn, tràn vào nhà dân. Toàn bộ các hộ trong khu 4 đã bỏ nhà di dời đến trạm y tế xã.

Lượng bùn nhão phủ khắp các tuyến đường, dày 40-50 cm. Nhiều ôtô, xe máy bị bao phủ đất giữa đường. Một số ngôi nhà ở điểm trũng bị phủ trắng, bùn ngập sâu tới 1 m. Giao thông tê liệt, các phương tiện không thể di chuyển.

Theo nhân chứng, hiện khu 4 phường Mông Dương không một bóng người. Lực lượng chức năng đã cấm người dân vào khu vực nguy hiểm này.

Khu 4 phường Mông Dương, bùn đất phủ trắng các tuyến đường, nhà dân. Nhiều ôtô bị mắc kẹt. Ảnh: Bùi Huyền.

Ông Nguyễn Văn Hảo – Chánh văn phòng TP Cẩm Phả cho biết, sáng 29/7, UBND thành phố phối hợp với Lữ đoàn Hải quân 170, Quân khu 3, dân quân tự vệ, công an địa phương hoàn tất việc di dời toàn bộ các hộ dân thuộc các tổ 1, 2, 3, 5 khu 4, phường Mông Dương, một số hộ thuộc phường Cẩm Đông khỏi vùng nguy hiểm. Trong đó, ít nhất 40 hộ ngập sâu trong bùn cát.

Ngoài việc di dân đến nơi an toàn, việc cứu đập được thành phố khẩn trương tiến hành. Bởi nếu tình huống vỡ đập xảy ra thì thiệt hại đối với thành phố Cẩm Phả sẽ nặng nề hơn nhiều.

Chánh văn phòng UBND TP Cẩm Phả cũng thừa nhận, với sức chứa lớn, trong tình huống vỡ đập 790, nước tràn xuống có thể cuốn hàng trăm hộ dân ở hạ lưu. 

"Do đó, lực lượng hải quân, bộ đội được huy động luôn túc trực 24/24 sẵn sàng ứng cứu, cấm người dân vào trong”, Chánh văn phòng UBND TP Cẩm Phả nói.

Bùn phủ dày ở Mông Dương. Ảnh: Bùi Huyền.

Ông Đoàn Mạnh Phương, Chi cục phó Thủy lợi tỉnh Quảng Ninh cho biết, bãi đổ thải gần đập 790 là nơi đất, cát thải của mỏ than Đông Cao Sơn. Sau nhiều năm khai thác, lượng đất thải tích tụ cao như ngọn núi với dung tích hàng chục triệu m3. 

"Mưa lớn kéo dài nhiều ngày, lượng đất ngấm nước theo dòng nước chảy tạo thành dòng lũ bùn tràn xuống khu dân cư", ông Phương nói.

Vị Chi cục phó này lo ngại, mỏ Đông Sơn nằm ở vị trí trên núi cao, chỉ cách khu dân cư vài km. Nếu mưa lớn tiếp tục kéo dài, khối đất bùn này có thể cuốn theo dòng chảy đi vài cây số xuống nhà dân.

Hiện, ngoài trọng điểm phòng chống vỡ đập ở Mông Dương, khu vực phường Quang Hanh vẫn đang trong tình trạng ngập sâu. Dù lượng nước đã giảm so với ngày 28/7 nhưng do nước ngấm lâu, nguy cơ sạt lở, lũ quét vẫn có thể xảy ra. Để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, UBND thành phố đã di dời toàn bộ các hộ dân tại đây.

40 hộ gia đình ở Mông Dương bị bùn đất vây kín sâu trên 1 m. Ảnh: Bùi Huyền.

Trong khi đó, tại TP Hạ Long sáng cùng ngày mưa lớn khiến nhiều khu dân cư bị sạt lở nghiêm trọng, giao thông tê liệt.

Cụ thể, mưa lớn khiến đất trên đồi sạt xuống tổ dân phố ngõ 16 khu 2B, tổ 34 khu 3 (phường Cao Xanh); đường Hậu Cần, khu 5 (phường Bãi Cháy); khu 2A phường Hà Khánh bùn đất từ trên đồi tràn xuống ngập 20-30 cm khiến hàng chục hộ dân bị ảnh hưởng.

Trước tình hình trên, lãnh đạo TP Hạ Long trực tiếp đến hiện trường chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa lũ, di dời toàn bộ các hộ dân trong vùng có nguy cơ bị sạt lở đến nơi an toàn. Ưu tiên người già, trẻ nhỏ.

Đường huyết mạch ở Quảng Ninh tê liệt

Nhiều điểm ngập úng trên quốc lộ 18A nước đã rút nhưng tại Đèo Bụt, nước vẫn ngập sâu hơn 1 m gây chia cắt giao thông từ Hòn Gai đi Cẩm Phả.

Trên 3.700 ngôi nhà ngập sâu trong nước

UBND tỉnh Quảng Ninh trưa 29/7 cho hay, mưa lũ khiến 17 người tử vong (TP Hạ Long 14 người, 3 người ở TP Cẩm Phả). Ngoài ra, 6 ngư dân tỉnh Thanh Hóa vẫn đang mất tích.

Đợt mưa kỷ lục khiến trên 3.700 hộ dân, trường học, bệnh xá bị ngập sâu 1,5-2 m, thậm chí tại đảo Bản Sen (Vân Đồn) ngập hơn 10 m. Trong đó, TP Cẩm Phả ngập nặng nhất với khoảng 2.000 hộ chìm trong biển nước. Tiếp đến là TP Hạ Long 1.700 hộ, Vân Đồn 47 hộ và một số hộ ở các địa phương khác. 

Về giao thông, ngập cục bộ, sạt lở đất xảy ra trên các tuyến quốc lộ 18A, tỉnh lộ 334, 326, 328 nhiều điểm ngập sâu, sạt lở mái taluy. Ước tính tổng khối lượng đất đá sạt trượt là 600.000 m3. Mưa lũ cũng khiến 17 ngôi nhà sập hoàn toàn,

Trước mắt, UBND tỉnh Quảng Ninh đã trích ngân sách tỉnh 15 tỷ đồng để hỗ trợ 3 địa phương: Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn; hỗ trợ 6 triệu/người tử vong và toàn bộ chi phí mai táng; hỗ trợ 3 triệu đồng/người bị thương.

Theo thông tin từ Đài khí tượng Thủy văn tỉnh Quảng Ninh, đến nay mưa đã tạm ngớt. Thời tiết khu vực tỉnh Quảng Ninh từ 29/7 đến 3/8 sẽ tiếp tục có mưa vừa, mưa to đến rất to và có khả năng xảy ra lũ ống, lũ quét và giông, lốc.

Lượng mưa từ 25/7 đến 13h ngày 28/7 ở Cô Tô là 800 mm, Móng Cái 680 mm, Hải Hà 600 mm, Cẩm Phả hơn 850 mm, Hạ Long là 660 mm. Vùng biển Cô Tô - Quan Lạn, đảo Trần và khu vực Cẩm Phả - Vân Đồn có gió mạnh cấp 4-5, giật cấp 6-7... Đây là đợt mưa lớn nhất từ hơn 40 năm nay đổ xuống Quảng Ninh.

Hoàn Nguyễn

Bạn có thể quan tâm