Sáng 15/12, phát biểu tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện quy định đội mũ bảo hiểm y tế, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia, cho biết sau 10 năm, tỷ lệ người đội mũ bảo hiểm khi lưu thông trên đường chiếm 90%.
Điều này đã góp phần kéo giảm số người chết vì tai nạn giao thông xuống dưới 9.000 người/năm.
Tuy nhiên, tỷ lệ đội mũ bảo hiểm cho trẻ em còn thấp. Theo thống kê, mới chỉ có 35-40% trẻ em ra đường đội mũ bảo hiểm. Đây là điều rất đáng lo ngại.
Vẫn còn nhiều trường hợp không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Ảnh: Trường Giang. |
Đội mũ bảo hiểm để đối phó
Ông Hùng cho rằng tình trạng sản xuất, kinh doanh, sử dụng mũ bảo hiểm giả, kém chất lượng còn phức tạp. Việc xử lý mũ bảo hiểm kém chất lượng là rất cấp bách trong thời điểm hiện tại. Bên cạnh đó còn tình trạng người dân đội mũ bảo hiểm chỉ để đối phó với cảnh sát giao thông.
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công An) khẳng định con số 90% người dân đội mũ bảo hiểm thể hiện sự quyết tâm của ngành giao thông.
Thiếu tướng Tuấn khẳng định 10% người dân còn lại không chấp hành chủ yếu vào ngày lễ, tết, ở vùng nông thông, miền núi.
Trong 10 năm, lực lượng cảnh sát giao thông đã xử lý 6,8 triệu trường hợp không đội mũ bảo hiểm. Bình quân mỗi năm xử lý là gần 700.000 trường hợp.
Mỗi năm lực lượng cảnh sát giao thông đăng ký mới là 2,5 triệu xe. Hiện cả nước quản lý trên 50 triệu xe máy. Bình quân 2 người dân có xe máy lưu thông.
“Nói vậy để thấy hiện nay số lượng xe máy lưu thông rất lớn và việc xử lý người vi phạm giao thông, trong đó có hành vi không đội mũ bảo hiểm rất khó khăn”, thiếu tướng Nguyễn Ngọc Tuấn nói.
Khó khăn lớn nhất đối với lực lượng cảnh sát giao thông là làm sao xác định được mũ bảo hiểm giả, kém chất lượng. Lực lượng cảnh sát giao thông mong chờ các cơ quan nhà nước có những quy định để trợ giúp lực lượng thực hiện tốt hơn công việc này.
Đại diện Cục Cảnh sát giao thông kiến nghị Ủy ban ATGT quốc gia phối hợp cùng Bộ GD&ĐT đưa vào giảng dạy luật giao thông tại các trường tiểu học, trung học.
'Sản xuất mũ bảo hiểm giả là tội ác'
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng GTVT, cho biết sau 10 năm, quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đã đạt được những con số ấn tượng. Ý thức người dân được nâng lên trong vấn đề chấp hành luật giao thông. Tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề đáng bàn.
Ông Thể cho rằng tỷ lệ đội mũ bảo hiểm vùng nông thôn chỉ đạt 50% là quá thấp so với hơn 90% ở vùng đô thị.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể. Ảnh: Văn Chương. |
Bên cạnh đó, tình trạng người mua mũ bảo hiểm rởm còn nhiều. Họ không coi trọng tính mạng của bản thân mình mà chỉ để đối phó với cảnh sát giao thông. Đây là vấn đề tiềm ẩn nhiều rủi ro đến an toàn của người dân.
Tư lệnh ngành giao thông khẳng định việc các cơ sở sản xuất mũ bảo hiểm giả, kém chất lượng được xem là một tội ác.
“Quản lý thị trường biết, CSGT biết, đã tổ chức rất nhiều đợt thanh tra nhưng tại sao vẫn chưa xử lý triệt để mũ bảo hiểm giả, kém chất lượng. Tôi cho rằng các cơ quan chức năng cần phải lên kế hoạch xử lý tận gốc vấn đề này”, ông Thể nói.
9 năm giảm hơn 7% tỷ lệ chấn thương sọ não
Thống kê của Quý AIP tại Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện đa khoa tỉnh Hải Dương cho thấy tỷ lệ chấn thương sọ não liên tiếp giảm trong nhưng năm qua. Theo đó, tỷ lệ này giảm từ 21% năm 2007 xuống 13,6% năm 2016.
Trong 10 năm áp dụng quy định đội mũ bảo hiểm bắt buộc, có 500.000 ca chấn thương đầu, 15.000 ca tử vong đã được ngăn chặn nhờ sự gia tăng của việc đội mũ bảo hiểm tại Việt Nam.