Hội thảo “Thúc đẩy triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam”, do Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, đánh giá các doanh nghiệp sản xuất là nhân tố quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của KTTH.
Ông Patrick Chung, Tổng giám đốc Công ty Lee & Man Việt Nam, một trong những doanh nghiệp giấy vốn ngoại lớn nhất Việt Nam, đang chủ trương phát triển theo mô hình KTTH. Đại diện Lee & Man Việt Nam đã có những chia sẻ xoay quanh chủ đề này dưới góc nhìn từ một doanh nghiệp sản xuất.
- Ông có thể chia sẻ quan điểm của mình về KTTH cũng như sự phát triển của mô hình này trên thế giới và Việt Nam?
- Rác thải, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, tài nguyên cạn kiệt là thách thức chung của toàn nhân loại. KTTH được đánh giá là giải pháp có thể giúp các nước thích nghi và tiến bước theo cách thân thiện với môi trường.
Mô hình KTTH chú trọng vào việc quản lý, tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín nhằm tránh tạo ra phế thải. Do đó, thế giới từ lâu đã quan tâm phát triển mô hình này, đặc biệt tại các quốc gia phát triển. Không chỉ nằm ở chính sách quốc gia, ngày càng nhiều các công ty sản xuất lớn trên thế giới có sáng kiến áp dụng mô hình sản xuất này trong sản xuất.
Ông Patrick Chung - Tổng giám đốc nhà máy giấy Lee & Man. |
Không nằm ngoài xu thế thế giới, nền kinh tế Việt Nam cũng dần dịch chuyển theo xu hướng KTTH. Thời gian qua, chính phủ triển khai nhiều ưu đãi về thuế, hỗ trợ vốn, đất đai để xây dựng cơ sở tái chế chất thải.
Việt Nam ưu tiên hướng tới nền KTTH trong lĩnh vực công nghiệp gồm tái chế, tái sử dụng chất thải công nghiệp làm nguyên liệu cho sản xuất xi măng, vật liệu xây dựng, sản xuất giấy… Đặc biệt, Luật Bảo vệ môi trường khuyến khích thu hồi, xử lý và tái chế rác thải sau sản xuất.
- Ông đánh giá thế nào về vai trò của chính doanh nghiệp mình trong việc thúc đẩy sự phát triển KTTH tại Việt Nam?
- Ngoài chính sách từ nhà nước, doanh nghiệp là nhân tố quan trọng để phát triển KTTH. Trong đó, các doanh nghiệp ngành giấy - ngành sản xuất quan trọng đóng góp không nhỏ vào tổng giá trị GDP của cả nước.
Là một trong những doanh nghiệp giấy lớn nhất Việt Nam, Lee & Man tin rằng, việc thực hiện tốt mô hình này không chỉ giúp thúc đẩy ngành giấy phát triển theo hướng xanh, sạch mà còn ảnh hưởng tích cực đến các ngành sản xuất khác. Chúng tôi luôn có mong muốn trở thành một trong những doanh nghiệp “đầu tàu” phát triển mô hình KTTH tại Việt Nam.
- Mô hình KTTH được cụ thể hoá như thế nào trong quy trình sản xuất của Lee & Man?
- Chúng tôi chủ trương xây dựng Lee & Man như một mô hình thu nhỏ của KTTH. Trong đó, đến 95% nguyên liệu đầu vào để sản xuất là từ giấy phế liệu và phế thải trong quá trình sản xuất được tận dụng hoặc cung ứng cho các doanh nghiệp khác.
Việc sử dụng phần lớn nguồn nguyên liệu là giấy tái chế, thay vì gỗ để sản xuất giấy bao bì cao cấp, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu giúp giảm được 74% lượng khí thải và 35% nước thải so với sản xuất giấy từ bột nguyên, qua đó, góp phần giảm khai thác hơn 24 triệu cây xanh, tiết kiệm khoảng 45,5 triệu m3 nước và gần 6 tỷ kwh năng lượng điện.
Bên trong nhà máy sản xuất giấy quy mô lớn Lee & Man. |
Các loại chất thải rắn thải ra trong quá trình sàng lọc giấy phế liệu được cung cấp lại cho các doanh nghiệp tái chế nhựa, kim loại… Nếu chúng tôi không tự phân loại hay xử lý được thì phải thuê một đơn vị trung gian. Hiện tại, Lee & Man thuê Công ty Phúc Thiên Long để giúp tách nhựa, gỗ, nước từ chất thải. Thành phẩm nhựa tái chế sẽ dùng làm giày dép hoặc các sản phẩm tiêu dùng từ nhựa khác.
Nếu không sử dụng được các chất phế thải này nữa, chúng tôi sẽ xử lý đốt và “phụ phẩm” của nó lại được tái sử dụng. Ví dụ, Insee dùng bụi tro bay từ Lee & Man để tạo xi măng hoặc công ty khác sẽ sử dụng tro xỉ để sản xuất gạch không nung hoặc làm vật liệu xây dựng.
- Việc đầu tư sản xuất theo mô hình KTTH có quá tốn kém không, thưa ông?
- Tôi nghĩ là có. Nhưng bất cứ sự đầu tư nào cho môi trường cũng cần thiết và đáng giá. Lee & Man Việt Nam đầu tư hơn 650 triệu USD cho dây chuyền sản xuất giấy bao bì hiện đại. Mỗi năm, công ty chi hàng triệu USD cho công tác xử lý chất thải, bao gồm nước thải sản xuất, sinh hoạt, chất thải rắn, khử ồn, khử mùi…
Trong năm 2018, Lee & Man dành 300.000 USD cho riêng hạng mục khử mùi ở nhà máy xử lý nước thải; 1,1 triệu USD cho trang thiết bị. Năm nay, công ty tiếp tục nhập đợt máy mới trị giá 865.000 USD và chi phí xây dựng nhà máy xử lý nước thải hơn 288.000 USD.
- Điều gì thúc đẩy Lee & Man phát triển theo mô hình KTTH trong khi mô hình này tại Việt Nam vẫn chưa bắt kịp thế giới?
- Môi trường là một trong những mối quan tâm hàng đầu và chúng tôi mong muốn theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững. Nói cách khác, chúng tôi muốn phát triển và lan toả mô hình KTTH theo xu hướng của thế giới. Điều này cũng phù hợp với quy hoạch phát triển ngành giấy ở Việt Nam đến năm 2020, có xét đến năm 2025 của Việt Nam.
Toàn cảnh hồ sinh học của nhà máy giấy Lee & Man. |
- Ông có kế hoạch gì để ngành giấy ngày một tốt hơn cũng như giúp mô hình KTTH ở Việt Nam ngày càng phát triển?
- KTTH không phải là “áp lực” mà là cơ hội của mỗi doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp giảm thiểu các rủi ro từ việc khan hiếm nguyên liệu và biến động giá tài nguyên.
Là một trong những doanh nghiệp giấy vốn ngoại lớn nhất Việt Nam, xu hướng phát triển của Lee & Man sẽ tác động tích cực đến các doanh nghiệp giấy khác. Do đó, chúng tôi phải làm tốt vai trò của mình trước tiên, đồng thời phấn đấu để trở thành đòn bẩy của nền KTTH tại Việt Nam.
Ngoài việc tiếp tục tối ưu hóa dây chuyền sản xuất, xử lý thải, chúng tôi cũng tích cực tìm kiếm thêm đối tác để có thể tái sử dụng nguồn rác thải đến mức tối đa. Chúng tôi cũng luôn đồng hành cùng các cơ quan, hiệp hội ở Việt Nam như VBCSD, VCCI, VPPA… để thúc đẩy sự phát triển của ngành giấy theo hướng xanh, sạch, bền vững.