Bộ Công Thương vừa công bố báo cáo về tình hình hoạt động ngành công nghiệp 9 tháng đầu năm 2020. Báo cáo ghi nhận dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, sản xuất công nghiệp tháng 9/2020 đã có sự khởi sắc, mở ra hy vọng sẽ sớm phục hồi và tăng trưởng trở lại trong những tháng cuối năm.
IIP 9 tháng năm 2020 tăng 2,4%
Theo số liệu thống kê, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 9 tăng 2,3% so với tháng 8 và tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2020, IIP ước tính tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn so với mức tăng 9,6% của cùng kỳ năm 2019. Bộ Công Thương đánh giá đây là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 9 tháng giảm và tăng thấp so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, khí hóa lỏng (LPG) giảm 16,7%; bia giảm 14,6%; dầu thô khai thác giảm 13,7%; ôtô giảm 11,8%; khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 9,1%...
Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất 9 tháng giảm hoặc tăng thấp so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản xuất xe có động cơ giảm 12,2%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 11,4%; sản xuất môtô, xe máy giảm 8,9%; sản xuất đồ uống giảm 6,6%...
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 9 tăng 2,3% so với tháng 8 và tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Việt Linh. |
Điều đáng mừng là một số ngành có chỉ số sản xuất 9 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước và đóng góp lớn vào mức tăng chung của toàn ngành. Tiêu biểu, khai thác quặng kim loại tăng 14,8%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 8,6%; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 8,2%...
Sản lượng ôtô sản xuất tháng 9 ước đạt 22.400 chiếc, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 9 tháng năm 2020, sản lượng sản xuất ôtô ước đạt 160.700 chiếc, giảm 11,8% so với cùng kỳ.
Từ cuối tháng 6/2020, với sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua các chính sách giảm thuế, phí trước bạ đã và đang tạo ra hiệu ứng tích cực cho các hãng sản xuất ôtô trong nước. Bộ Công Thương dự báo lượng tiêu thụ ôtô trong năm 2020 có thể sụt giảm, tuy nhiên chỉ khoảng 3-5% so với năm 2019.
Xuất khẩu vào châu Âu tăng mạnh nhờ EVFTA
Về xuất khẩu của Việt Nam trong 9 tháng, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 202,4 tỷ USD, tăng 4,0% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục đóng vai trò chính vào tăng trưởng xuất khẩu chung, ước đạt 171,6 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 84,62% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản sụt giảm 29,3% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 2,36 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2020. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu than đá giảm 30,6%; xăng dầu giảm 52,8%; dầu thô giảm 8,6% dù lượng tăng 40,9%. Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm thủy sản cũng giảm 2,7% so với cùng kỳ do gặp nhiều khó khăn về thị trường và giá bán.
Đáng chú ý, việc tham gia các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) nhất là Hiệp định EVFTA đã làm tăng khả năng cạnh tranh và giúp hàng hóa của Việt Nam mở rộng thị phần tại các thị trường đối tác, là động lực thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu.
Tháng 9/2020, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU tiếp tục duy trì đà tăng mạnh, tăng 14,4% so với cùng kỳ. Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực tại thị trường này sau gần 2 tháng EVFTA được thực thi.
Điển hình, từ đầu tháng 8 đến nay, xuất khẩu thủy sản có số lượng đơn hàng tăng khoảng 10% so với tháng 7; kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó xuất khẩu tôm tháng 8/2020 tăng 15,7% so với cùng kỳ (đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ đầu năm nay).
Từ đầu tháng 8 đến nay, xuất khẩu thủy sản có số lượng đơn hàng tăng khoảng 10% so với tháng 7. Ảnh: VASEP. |
Về nhập khẩu, tổng kim ngạch 9 tháng giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2019, ước tính đạt gần 185,87 tỷ USD. Trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 82,34 tỷ USD, tăng 4,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 103,52 tỷ USD, giảm 4,8%.
Trong số các mặt hàng nhập khẩu chính, chỉ có máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện có kim ngạch nhập khẩu tăng so với cùng kỳ năm 2019, tăng 17,8%. Kim ngạch nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng giảm 1,8% so với cùng kỳ; vải các loại giảm 13,4%; thép các loại giảm 15,5%...
Hiện, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước tính đạt 56,8 tỷ USD, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước, tiếp theo là thị trường Hàn Quốc đạt 32,8 tỷ USD, giảm 7,1%, thị trường ASEAN đạt 21,8 tỷ USD, giảm 8,7%...
Về hoạt động thương mại và dịch vụ trong nước, trong tháng 9, thị trường hàng hóa đã sôi động trở lại, tình hình tiêu thụ hàng hóa dần được cải thiện, nguồn cung hàng hóa dồi dào, giá cả không có biến động bất thường. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9/2020 ước tính đạt 441.400 tỷ đồng, tăng 2,7% so với tháng trước và tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 9 tháng năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 3,673 triệu tỷ đồng, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 3,6% (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,8%).
Trong 3 tháng cuối năm 2020, Bộ Công Thương cho biết sẽ tập trung thúc đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tiêu dùng trong nước, xuất khẩu và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để góp phần sớm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới.
Đồng thời, Bộ cho biết sẽ đẩy mạnh công tác phòng chống buôn lâu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng góp phần bảo vệ sản xuất kinh doanh và tiêu dùng trong nước.