Diễn đàn cải cách và phát triển Việt Nam 2020 lần thứ 3 được tổ chức bởi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) vào sáng 29/9. Năm nay, sự kiện hướng tới chủ đề phục hồi tăng trưởng sau dịch Covid-19, cũng như làm thế nào để Việt Nam phát triển nhanh và bền vững trong những năm tiếp theo.
Chủ đề này thu hút nhiều diễn giả trong và ngoài nước thảo luận sôi nổi. Một số ý kiến cho rằng Việt Nam không còn cách nào khác phải tham gia được sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Để làm được điều đó thì phải nâng cao trình độ, năng lực sản xuất, làm được các sản phẩm tinh xảo, phức tạp.
"Không nên bỏ lỡ một cuộc khủng hoảng"
Bộ trưởng KHĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết dù đạt mức tăng trưởng dương trong bối cảnh dịch Covid-19, Việt Nam vẫn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức không nhỏ trong thời gian tới. Điều đáng nói, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với những hạn chế, yếu kém nội tại của một nền kinh tế đang phát triển với mức thu nhập trung bình thấp, tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào vốn, lao động giá rẻ và khu vực đầu tư nước ngoài.
Bà Victoria Kwakwa. Ảnh: The Korea Times. |
Trong ngắn hạn, vấn đề đặt ra là cần nhanh chóng phục hồi tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, tận dụng hiệu quả các cơ hội phát triển xuất hiện từ khi xảy ra đại dịch Covid-19.
Do đó, trong trung và dài hạn, vượt qua bẫy thu nhập trung bình, thu hẹp khoảng cách phát triển với các quốc gia khác, giải quyết các thách thức môi trường, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ... là những nhiệm vụ phát triển lớn đặt ra cho Việt Nam.
Bà Victoria Kwakwa, Phó chủ tịch phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương (Ngân hàng Thế giới), trong phần phát biểu trực tuyến của mình nhắc đến câu nói “không nên lãng phí một cuộc khủng hoảng” để gợi ý những cơ hội mà Việt Nam có thể tận dụng sau dịch.
Bà cho biết xu hướng hiện tại trên toàn cầu là đẩy nhanh ứng dụng công nghệ mới, đa dạng hóa các chuỗi cung ứng, thúc đẩy nhanh cải cách. Đồng thời, đang có sự thay đổi hành vi, áp dụng tự động hóa, áp dụng công nghệ số tổng thể hơn trên toàn cầu…
Do đó, bà Kwakwa nhận định việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng, hình thành liên minh kinh tế mới, tạo cơ hội cho các quốc gia như Việt Nam. Đặc biệt, Việt Nam là các quốc gia có môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện, điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư.
“Không nên lãng phí một cuộc khủng hoảng ở cấp toàn cầu, cấp quốc gia. Tuy nhiên, chỉ có thể hiện thực hóa cơ hội khi quốc gia sẵn sàng và thực hiện cải cách cần thiết”, bà nói.
Do đó, việc tiếp tục hội nhập sâu rộng, tận dụng FDI, đẩy mạnh thương mại là những khuyến nghị vị này đưa ra cho Việt Nam.
Bài toán tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu
Tuy nhiên, để tận dụng cơ hội thì bà Kwakwa cho rằng Việt Nam cần đẩy nhanh việc tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Hiện tại, mức độ tham gia của Việt Nam đang rất thấp trong khu vực. Theo tính toán, trong chuỗi giá trị, Việt Nam tạo ra 20,4 tỷ USD và đứng thứ 55 trên thế giới. Mức này chưa bằng 1/4 so với các quốc gia trong ASEAN là Philippines. Nước này đạt hơn 80 tỷ USD, đứng thứ 34 trên thế giới.
Bà cũng nhấn mạnh, Việt Nam tham gia các công đoạn tinh xảo còn rất khiêm tốn. Thậm chí, sự phát triển của công nghiệp chế biến chế tạo còn hạn chế, chứ chưa nói đến công đoạn tinh xảo. Để tiến tới nấc thang cao hơn của chuỗi giá trị toàn cầu thì phải có các dịch vụ tiên tiến, công nghiệp chế biến chế tạo phát triển và tham gia vào các công đoạn tinh xảo.
Các chuyên gia cho rằng Việt Nam phải nâng cao trình độ khoa học, công nghệ để có thể tham gia và chuỗi giá trị toàn cầu. Ảnh: Việt Linh. |
Theo tính toán, khi tăng thêm 1% tỷ trọng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu sẽ làm thu nhập bình quân đầu người Việt Nam tăng thêm hơn 1%, cao hơn 2 lần so với giá trị của thương mại truyền thống đem lại. Mặt khác, điều này sẽ giúp Việt Nam cải thiện năng suất lao động, tạo thu nhập cao, vượt qua bẫy thu nhập trung bình.
“Làm được các công đoạn tinh xảo, đẩy mạnh công nghiệp chế biến chế tạo sẽ giúp GDP Việt Nam tăng nhanh”, bà chia sẻ.
Chính phủ cần xem lại chiến lược khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Cần ứng dụng và phổ biến rộng khoa học công nghệ. Trong dài hạn, cần phát triển kỹ năng, năng lực R&D, tiến tới giới hạn cao nhất về năng suất.
Đồng tình với điều này, ông Jacques Morisset, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cho rằng Việt Nam phải tập trung đào tạo để lao động ngày càng có nhiều kỹ năng. Các doanh nghiệp khi đầu tư vào Việt Nam đều cho rằng kỹ năng của người lao động cần được nâng cao để đáp ứng những công việc phức tạp hơn.
Để làm được điều đó phải thúc đẩy giáo dục sau trung học. Ngoài ra phải cập nhật công nghệ mới trên thế giới, bởi hiện tại nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang tụt hậu về đổi mới sáng tạo.
Trong khi đó, ông Jonathan Pincus, cố vấn cao cấp quốc tế của UNDP, cho rằng Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức khi chuyển đổi từ một nền kinh tế dồi dào lao động chuyên sử dụng lao động giá rẻ sang một nền kinh tế có công nghệ tiên tiến. Tuy nhiên, những tiến bộ công nghệ, tự động hóa có thể sẽ giúp Việt Nam thu hẹp khoảng cách nhanh hơn.
Ông cho rằng để gia tăng chiều sâu trong sản xuất công nghiệp đòi hỏi phải tạo được động lực cho các doanh nghiệp trong nước đầu tư vào công nghệ và kỹ năng mới. Lúc này, Chính phủ phải đóng vai trò tích cực, phải tư duy sáng tạo ra các công cụ hỗ trợ thúc đẩy đầu tư.