Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

CEO Vingroup nói về thách thức khi tập trung công nghiệp, công nghệ

CEO Vingroup Nguyễn Việt Quang cho rằng thách thức lớn nhất khi doanh nghiệp này chuyển hướng sang lĩnh vực công nghệ và công nghiệp là phải làm chủ quy trình và chuỗi giá trị.

Trong những ngày đầu năm mới, Phó chủ tịch, Tổng giám đốc Vingroup Nguyễn Việt Quang đã có những chia sẻ với Zing.vn về khó khăn, thách thức khi doanh nghiệp này chuyển hướng tập trung sang công nghiệp và công nghệ.

Ông Quang cũng mong muốn các doanh nghiệp Việt ngày càng có nhiều thành tựu, từ đó vị thế của Việt Nam được nâng tầm trên thế giới.

nguyen viet quang anh 1

Phó chủ tịch, Tổng giám đốc Vingroup Nguyễn Việt Quang.

Thách thức lớn nhất là phải làm chủ được các quy trình và chuỗi giá trị

- Năm 2019 đã qua, theo ông đâu là dấu ấn lớn nhất của Vingroup? Rút khỏi một loạt lĩnh vực bao gồm bán lẻ, nông nghiệp và mới nhất là dừng dự án Vinpearl Air để dồn lực cho công nghiệp - công nghệ, Vingroup đã thu được những thành công bước đầu nào từ sự chuyển hướng này?

- Năm 2019, Vingroup đã thực sự chuyển đổi mạnh mẽ sang lĩnh vực công nghiệp - công nghệ, làm chủ các quy trình, chuỗi giá trị. Kết quả là chúng tôi đã sản xuất ra 3 mẫu ôtô, 5 mẫu xe máy điện, 11 mẫu điện thoại và 5 mẫu tivi thông minh.

Chúng tôi vô cùng biết ơn người tiêu dùng tin tưởng và đón nhận các sản phẩm VinFast và Vsmart, dù 2 thương hiệu này hoàn toàn mới, trong khi thị trường có rất nhiều lựa chọn tốt.

VinFast đã nhận được hơn 17.000 đơn đặt hàng ôtô, 50.000 đơn hàng xe máy điện. Trong khi đó, VinSmart đã chiếm được 7,5% thị phần trên thị trường điện thoại thông minh với 80.000 máy bán ra (chưa tính 100.000 máy bán B2B cho Vinhomes).

nguyen viet quang anh 2

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan nhà máy VinFast Hải Phòng. Ảnh: Hoàng Hà.

Việc đầu tư mạnh mẽ cho nghiên cứu khoa học cơ bản cũng đã thu được những kết quả rất ấn tượng.

Đặc biệt, thông qua các quỹ tài trợ cho khoa học của Vingroup như Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VINIF), Quỹ tài trợ nghiên cứu ứng dụng VinTech Fund…, chúng tôi đã tài trợ cho rất nhiều dự án khoa học với số tiền lên tới hàng trăm tỷ đồng, đồng thời góp phần làm thay đổi văn hóa nghiên cứu khoa học tại Việt Nam.

Có thể nói, đây là những nền tảng quan trọng để Vingroup tiếp tục hành trình phát triển để trở thành tập đoàn công nghệ trong tương lai, với năng lực nghiên cứu, sản xuất ra các sản phẩm đẳng cấp đáp ứng được các xu hướng tiêu dùng, chất lượng và thiết kế đạt tiêu chuẩn quốc tế.

- Việc tái cấu trúc Vingroup trong năm 2019 chắc hẳn có những khó khăn. Ông có thể chia sẻ về những khó khăn này hay không?

- Chúng tôi nhận thấy thách thức lớn nhất là việc phải làm chủ được các quy trình và chuỗi giá trị. Việt Nam luôn bị đánh giá đi sau nhiều quốc gia trên thế giới về trình độ sản xuất và mọi người vẫn quen chúng ta là nước sẽ chỉ đi gia công các đơn hàng cho các công ty đa quốc gia.

Tuy nhiên, trong thời đại công nghiệp 4.0 và thế giới phẳng, chúng tôi đã nhận thấy có rất nhiều cơ hội để thay đổi được việc này.

Ví dụ, VinFast đã chủ động làm việc với các đối tác Đức, cái nôi của ngành công nghiệp cơ khí, chế tạo thế giới để thiết kế cho riêng VinFast dây chuyền sản xuất ôtô hiện đại tầm cỡ quốc tế. Chúng tôi cũng bắt tay với các doanh nghiệp châu Âu, Nhật Bản trong việc lắp đặt nhà máy sản xuất thiết bị điện tử VinSmart.

VinFast, VinSmart hiện nay cũng là đối tác của hàng nghìn nhà cung ứng, các nhà thiết kế hàng đầu trên thế giới, để từ đó làm chủ được chuỗi giá trị làm ra sản phẩm - điều quan trọng nhất với các nhà sản xuất.

Trong quá trình làm việc, chúng tôi có nguồn động lực lớn khi tầm nhìn được các đối tác quốc tế chia sẻ và cùng hoà vào một tập thể có tốc độ làm việc mãnh liệt.

Hy vọng các doanh nghiệp Việt sẽ có thêm nhiều thành tựu mới

- Theo ông, để một doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh, vươn tầm quốc tế, cần đòi hỏi những điều gì?

- Chúng tôi tin rằng bên cạnh việc có chiến lược bài bản, sở hữu những sản phẩm vượt trội, đẳng cấp, cùng sự am hiểu về thị trường quốc tế, thì một khát vọng mãnh liệt xây dựng những thương hiệu Việt Nam có đẳng cấp sẽ là những yếu tố quan trọng để có thể vươn ra quốc tế.

- Ông có thể chia sẻ kế hoạch phát triển của Vingroup trong năm tới hay không?

- Trong năm 2020, Vingroup vẫn tiếp tục đầu tư mãnh mẽ để phát triển 3 lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là công nghệ - công nghiệp, bất động sản - du lịch và dịch vụ cộng đồng.

Đặc biệt ở mảng công nghiệp, Vingroup tiếp tục đẩy mạnh sản xuất thêm nhiều mẫu ôtô, xe máy điện VinFast ở các phân khúc khác nhau, đáp ứng mọi nhu cầu của mọi nhóm đối tượng khách hàng.

Dự kiến năm 2021, tập đoàn sẽ xuất khẩu ôtô điện sang thị trường Mỹ. Tập đoàn cũng sẽ tiếp tục tập trung sản xuất các sản phẩm điện - gia dụng và nhiều sản phẩm điện tử thông minh khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt thường ngày.

Với mảng thương mại dịch vụ hiện có, tập đoàn tiếp tục đẩy mạnh, hoàn thiện và nâng cấp chất lượng cũng như hiệu quả hoạt động.

- Ông kỳ vọng điều gì trong năm mới Canh Tý?

- Tôi hy vọng năm Canh Tý, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có thêm nhiều thành tựu mới, để từ đó vị thế của Việt Nam được nâng tầm trên thế giới.

Hiếu Công

Bạn có thể quan tâm