Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sẵn sàng sơ tán hơn 360.000 người ở miền Trung

Tình huống lũ vượt báo động 3, các địa phương từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa dự kiến sơ tán trên 360.000 người khỏi nơi có nguy cơ sạt lở, ngập lụt.

Thông tin trên được trực ban Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai báo cáo tại cuộc họp ứng phó với mưa lũ ở các địa phương từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa, diễn ra sáng 9/11.

Trước diễn biến phức tạp của thiên tai, các địa phương từ Quảng Nam đến Khánh Hòa dự kiến sơ tán trên 65.000 hộ, với hơn 258.000 người ra khỏi khu vực nguy hiểm nếu lũ vượt báo động 3. Đồng thời, địa phương lên kế hoạch sơ tán hơn 110.000 người ở vùng nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở.

so tan nguoi ung pho mua lu mien Trung anh 1

Quảng Ngãi có thời điểm ghi nhận lượng mưa rất lớn, trên 100 mm/h trong ngày 8/11. Ảnh: Minh Hoàng.

Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết ngày 8/11, những trận mưa rất lớn đã trút xuống Quảng Ngãi. Khu vực này có thời điểm ghi nhận lượng mưa trên 100 mm/h.

Lúc 4h ngày 9/11, lũ trên sông Vệ đạt đỉnh 4,6 m, trên báo động 3 là 0,1 m. Chuyên gia dự báo 12-24 giờ tới, mực lũ trên các sông ở Quảng Ngãi giảm dần, trong khi khu vực Bình Định tiếp tục lên.

Theo chuyên gia, đợt mưa lần này ở Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ xảy ra do ảnh hưởng của không khí lạnh và nhiễu động gió đông trên cao. Khác với mưa do bão, hai hình thái trên kết hợp sẽ gây ra đặc điểm mưa lớn trút xuống liên tục 2-3 giờ, sau đó giảm mưa trong 3-5 giờ rồi mưa lớn trở lại.

"Địa phương cần lưu ý đặc điểm trên của đợt mưa này, tranh thủ những lúc mưa giảm để triển khai công tác ứng phó, vận hành điều tiết hồ chứa phù hợp. Ngoài ra, mưa lần này cũng tập trung ở vùng ven biển, đặc biệt nhiều nơi ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có thể mưa trên 800 mm", ông Lâm khuyến cáo.

so tan nguoi ung pho mua lu mien Trung anh 2

Cuộc họp ứng phó với mưa lũ miền Trung của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai diễn ra sáng 9/11. Ảnh: Ngọc Hà.

Kết luận cuộc họp, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, đề nghị địa phương lên kịch bản chuẩn bị ứng phó với từng lượng mưa cụ thể, đồng thời phân công cán bộ đến khu vực nguy cơ ngập lụt để chỉ đạo ứng phó.

Nhắc lại đợt mưa lũ ở Nam Trung Bộ tháng 11/2016 gây ra thiệt hại nặng nề về người và tài sản, ông Hoài cho rằng các địa phương không nên chủ quan và cần có kế hoạch đảm bảo nhu yếu phẩm, lương thực đủ trong một tháng cho những khu vực nguy cơ ngập sâu, chia cắt kéo dài.

Phó trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai cũng lưu ý việc đảm bảo an toàn về sinh hoạt tại các điểm sơ tán tập trung.

"Năm 2020 có trường hợp tập trung hơn 200 người ở nhà văn hóa để tránh lũ mà không có nhà vệ sinh, bồn nước uống cho người dân. Đợt này, địa phương vẫn còn thời gian để tăng cường cơ sở vật chất, có thể trích quỹ phòng chống thiên tai để lắp đặt các bình nước cho khu vực nhà vệ sinh, nhà bếp ở nơi sơ tán", ông Hoài nói.

Quảng Nam - Phú Yên mưa liên tục 7 ngày, có nơi 800 mm

Thời tiết Nam Trung Bộ diễn biến xấu trong một tuần tới khi bước vào đợt mưa lớn cực đoan, có nơi mưa trên 800 mm. Trong khi đó, Bắc Bộ chuyển sang trạng thái rét khô.

Người dân Quảng Ngãi làm bờ bao ngăn nước vào nhà

Mưa lớn kéo dài khiến nhiều tuyến đường ở TP Quảng Ngãi bị ngập sâu. Người dân nơi đây phải dùng ván gỗ, bảng hiệu hoặc bao tải cát để ngăn nước tràn vào nhà.

Mỹ Hà

Bạn có thể quan tâm