Chiều 8/11, mưa như trút nước kéo dài khiến tuyến đường Quang Trung, đoạn phía ngoài núi Bút, TP Quảng Ngãi bị ngập sâu. Trao đổi với Zing, ông Nhâm Xuân Sỹ, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Quảng Ngãi, cho biết do ảnh hưởng không khí lạnh kết hợp với nhiễu động gió Đông trên cao nên từ ngày 8 đến 14/11, địa phương có mưa to đến rất to và dông, đề phòng có lốc, sét và gió giật mạnh. |
Theo ông Sỹ, lượng mưa phổ biến từ 200 đến 400 mm, có nơi trên 500 mm, đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng thấp, ven sông. |
"Sau khi bán hết hột vịt lộn, từ TP Quảng Ngãi về nhà thì không ngờ nước ngập sâu quá, tôi phải vất vả dắt bộ xe bị hỏng tìm nơi sửa chữa", bà Hà (ngụ xã Nghĩa Thương, huyện Tư Nghĩa) nói. |
Mỗi khi có ôtô chạy ngang qua, nước mưa ngập tạo thành những đợt sóng mạnh tạt vào nhà dân dọc hai bên đường Quang Trung. |
Ông Nguyễn Văn Chờ (ngụ phường Nghĩa Chánh, TP Quảng Ngãi) sử dụng ván gỗ, gạch vỡ làm bờ kè chắn nước mưa tràn vào nhà. "Chưa có năm nào chịu nhiều cơ cực như năm nay. Hai vợ chồng kê dọn tài sản bị ngập gần như đuối sức. Do vậy, chiều nay tôi phải làm bờ bao để ngăn nước tràn vào nhà, tránh gây hư hỏng tài sản", ông Chờ cho hay. |
Người dân TP Quảng Ngãi tận dụng bảng hiệu làm bờ tường ngăn nước trước nhà. |
Chị Thu (ngụ phường Chánh Lộ, TP Quảng Ngãi) dùng biển hiệu quảng cáo cũ làm tường chắn ngăn sóng nước. |
Trong khi đó, người dân trên đường Triệu Quang Phục, TP Quảng Ngãi xúc cát đổ vào bao tải làm bờ kè ngăn nước tràn vào tầng hầm để ôtô. |
Người dân trên đường Trần Hưng Đạo, TP Quảng Ngãi (đoạn gần ngã 5 cũ) mang thùng rác để giữa phố ngập để ôtô, xe máy giảm tốc độ khi đi qua khu vực này. "Mưa lớn quá, nước ngập khắp nơi nên chúng tôi mang các thùng rác công cộng đặt giữa đường nhằm tránh cho ôtô, xe máy phóng nhanh qua đây gây sóng nước tạt vào nhà", ông Nguyễn Hồng (ngụ TP Quảng Ngãi) lý giải. |
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Quảng Ngãi yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố ứng phó với tình huống mưa, lũ lớn, sạt lở đất có thể xảy ra trên địa bàn (dự lường tình huống lũ trên các sông vượt trên báo động 3).
Các địa phương cần bố trí lực lượng canh gác 24/24 giờ, cắm biển cảnh báo ngăn cấm người dân đi lại qua các khu vực nguy hiểm (ngầm, tràn, tuyến đường bị ngập sâu, sạt lở) khi chính quyền đã cắm biển cảnh báo, ngăn cấm; tạm dừng hoạt động các đò ngang và không để người dân đánh cá, vớt củi trên sông trong thời gian có mưa, lũ.
Lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai chủ động hỗ trợ sơ tán người dân tại các khu vực có nguy cơ cao bị ngập sâu, sạt lở đất, lũ quét di dời, sơ tán đến nơi an toàn.