Năm 2011, ngày 12/8 âm lịch được chọn là ngày sân khấu Việt Nam. Từ đó, cận kề ngày truyền thống, nghệ sĩ trong Nam ngoài Bắc đều có hoạt động tôn vinh nghề.
Với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, năm nay tại Hà Nội, các nghệ sĩ tề tựu tổ chức lễ giỗ Tổ nghề một cách trang trọng. Một chương trình lớn quy tụ nhiều nghệ sĩ được thực hiện vào tối 29/9 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô.
Chương trình gồm lễ dâng hương, dâng hoa Tổ nghề sân khấu, tri ân những nghệ sĩ cao tuổi, tưởng nhớ nghệ sĩ đã khuất trong năm, và phần trình diễn của các nghệ sĩ nổi tiếng.
Một chương trình khác được tổ chức tại nhà thờ Tổ nghiệp của nghệ sĩ hài Vượng Râu. Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng của làng sân khấu phía Bắc đã tề tựu dâng hương tưởng nhớ Tổ nghiệp.
Nghệ sĩ Chí Trung (phải) trong một tiểu phẩm của Nhà hát Tuổi Trẻ. Hài kịch vẫn là mảng tác phẩm hút khán giả của nhà hát này. |
Bán được 50 vé
Dường như không khí sân khấu phía Bắc chỉ rộ lên được vài ngày trong lễ giỗ Tổ. Sau đó, hoạt động biểu diễn của sân khấu kịch khi quay lại thường nhật đối mặt với không khí ảm đạm. Làm sao để giành giật khán giả từ các loại hình giải trí, nghệ thuật hiện đại vốn là một bài toán khó của sân khấu kịch lâu nay.
Nhà hát Tuổi Trẻ - một đơn vị được đánh giá là năng động của sân khấu thủ đô - phải chật vật xoay mình trong nhiều hoạt động. Nghệ sĩ Chí Trung - Giám đốc mới của Nhà hát - nhận định khó khăn lớn nhất hiện nay là hình thức sân khấu kịch bị đóng hộp, dường như không phù hợp với thị hiếu của khán giả hiện đại.
Do vậy, Nhà hát tìm đủ cách, đưa ra nhiều thử nghiệm, xây dựng nhiều chương trình với mong muốn hiểu được khán giả cần gì, tìm ra nhu cầu của người xem.
Chương trình “100 năm âm nhạc Việt Nam” được xây dựng xuất phát từ lý do sân khấu ca nhạc thu hút khán giả hơn kịch nói. Theo đó, Nhà hát Tuổi Trẻ sẽ thực hiện 24 đêm diễn với câu chuyện âm nhạc mang tính hoài niệm, điểm lại lịch sử âm nhạc Việt Nam. Sau hai đêm diễn với các nhạc phẩm Lam Phương, sẽ là các chương trình với chủ đề âm nhạc Phạm Duy, Nguyễn Văn Tý, Trịnh Công Sơn, Văn Cao…
Tuy đánh giá âm nhạc hút người xem hơn kịch nói, song mới bắt đầu nên chương trình chưa thực sự có lãi, mà phải nhờ sự tài trợ của các doanh nghiệp. Nhà hát thường có ba đêm diễn vào cuối tuần. Trong đó, tối thứ 6 là đêm ca nhạc, thứ 7 dành cho hài kịch và Chủ nhật là đêm diễn chính kịch. “Thường đêm diễn hài kịch sẽ nuôi cả hai đêm ca nhạc và chính kịch” - Chí Trung nói.
Nhà hát Tuổi Trẻ thực hiện chương trình ca nhạc để kéo khán giả tới rạp. |
Hài kịch vốn là thương hiệu của Nhà hát Tuổi Trẻ, nhưng đơn vị này cũng chỉ dám diễn mỗi tuần một tối. Vé cho khách vãng lai bán được rất ít. Chủ yếu người xem đến theo hình thức hợp đồng. Các vở diễn chính kịch vẫn được duy trì vào tối Chủ nhật hàng tuần, dù mỗi đêm chỉ bán được khoảng 50 vé.
Để có thêm những hoạt động sôi động hơn, Nhà hát Tuổi Trẻ dựng các chương trình kịch thiếu nhi theo kỳ cuộc. Dịp 1/6, dịp Trung Thu, các tiểu phẩm, chương trình kịch thiếu nhi như Dạ tiệc đêm rằm, Ông Ba Bị… được diễn liên tục trong ngày. Vé cho các chương trình này cũng thường phát hành theo hình thức hợp đồng với các đơn vị, doanh nghiệp từ trước, chứ rất khó có thể bán cho khách vãng lai.
Bệnh sĩ - tác phẩm thành công của Nhà hát Kịch Việt Nam |
Tương tự, Nhà hát Kịch Việt Nam cũng nỗ lực để kéo khán giả. Nhưng cách thức của nhà hát này thực hiện không thay đổi loại hình nghệ thuật, không phát triển những chương trình nghệ thuật mới, mà vẫn trung thành với chính kịch.
Dựa vào truyền thống và thế mạnh của mình, Nhà hát Kịch Việt Nam xây dựng các vở kịch chất lượng cao, những tác phẩm kinh điển của sân khấu thế giới và Việt Nam nhằm tạo thương hiệu.
Thù lao diễn viên 80.000 đồng/buổi tập
Nhờ nỗ lực đó, Nhà hát Kịch Việt Nam đạt được một số thành tựu. Vở Hamlet được đón nhận nồng nhiệt và đánh giá cao ở Singapore. Vở Bệnh sĩ có hơn 200 đêm diễn. Vở Kiều được giải thưởng của Hội Nghệ sĩ Sân khấu...
Tuy nhiên, bằng ấy nỗ lực để tạo ra những tác phẩm chất lượng chưa đủ để kéo khán giả tới rạp đông đúc. Mỗi tháng, sân khấu Nhà hát Kịch Việt Nam tại số 1 Tràng Tiền chỉ sáng đèn từ 6 - 8 buổi.
Sân khấu Nhà hát chỉ có 180 ghế, mỗi suất diễn thường bán cho khách vãng lai và hợp đồng với các công ty du lịch đưa khán giả tới. Thỉnh thoảng, Nhà hát có hợp đồng xem nghệ thuật từ các đơn vị như trường học, doanh nghiệp...
Để đảm bảo nhiệm vụ diễn 200 đêm trong một năm, Nhà hát đưa các đoàn đi diễn tại các địa phương. Mỗi tháng, sẽ có khoảng 10 đêm diễn tại các tỉnh, địa phương, theo hình thức bán vé.
Diễn tại địa phương, các đoàn của Nhà hát cũng đối mặt với nhiều khó khăn. Nghệ sĩ Nhà hát phải cạnh tranh với những đoàn nghệ sĩ tư nhân khác, đôi khi họ giả danh người nổi tiếng, gây ảnh hưởng tới uy tín những đoàn nghệ thuật, nghệ sĩ chân chính.
Việc biểu diễn tại các nhà văn hóa, sân khấu địa phương cũng không đáp ứng được điều kiện âm thanh, ánh sáng, ảnh hưởng xấu tới chất lượng vở diễn.
Tiền bán vé tại các buổi diễn ở địa phương không nhiều. Sau khi chi trả phí ăn ở, đi lại, mỗi nghệ sĩ được nhận một khoản thù lao nhỏ. Đối với các vở diễn tại sân khấu Nhà hát, thù lao của nghệ sĩ cũng không lấy gì làm khá hơn. Mỗi ngày tập, nghệ sĩ được bồi dưỡng 80.000 đồng, còn mỗi đêm diễn nghệ sĩ được thù lao khoảng 150.000-200.000 đồng.
Xây dựng những tác phẩm chất lượng nghệ thuật cao như Hamlet là cách Nhà hát Kịch VN tìm khán giả. |
Ông Nguyễn Thế Vinh - Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam - nhận định dù đã có nhiều nỗ lực để dựng vở tốt, song Nhà hát Kịch Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn. Những năm 1960 - 1980, thời kỳ hoàng kim sân khấu kịch, khán giả có rất ít lựa chọn thưởng thức nghệ thuật giải trí. Nhưng tới nay, các tác phẩm đã xuất hiện trên truyền hình, internet, vào tận phòng ngủ của mọi người khiến sân khấu thưa vắng.
Bên cạnh lý do khách quan đó, Nhà hát Kịch Việt Nam còn một khó khăn khác là vị trí Nhà hát nằm nơi khuất nẻo, khiến người xem khó mà tìm hiểu, tiếp cận.
Sân khấu Nhà hát chỉ 180 chỗ ngồi, vừa khó đảm bảo chất lượng cho những tác phẩm lớn, lại cản trở khi Nhà hát tiếp cận với khách hàng doanh nghiệp.
Theo ông Thế Vinh, có những đơn vị muốn tới làm hợp đồng xem nghệ thuật cho cả cơ quan, nhưng sân khấu chỉ có 180 ghế không đủ cho cả đơn vị đối tác khiến họ bỏ đi.
Bởi vậy, có một sân khấu khang trang, quy mô xứng tầm với truyền thống và chất lượng nghệ thuật của Nhà hát kịch là ao ước bao lâu của tập thể nghệ sĩ.
Dù xây dựng được những vở diễn chất lượng, năng động tìm nguồn tài trợ, tìm hợp đồng biểu diễn, xong vấn đề quan trọng nhất của ngành sân khấu vẫn là tìm được những khán giả tự nguyện tới mua vé xem biểu diễn.
Những nhà hát năng động vẫn đang nỗ lực thực hiện nhiều cách thức khác nhau để tìm khán giả, song nói như nghệ sĩ Chí Trung thì các công đoạn này đều đang nằm ở bước thử nghiệm, thăm dò, và chưa tìm ra lời giải tốt nhất.
Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ nói rằng ông ước gì hiểu được khán giả đang muốn gì, để các nghệ sĩ có thể phục vụ đúng nhu cầu. Trong kinh doanh, biết được khách hàng muốn gì đã khó, với nghệ thuật, khó khăn ấy càng thêm chồng chất, nhất là trong một thời đại mà khán giả đã thừa mứa các loại hình nghệ thuật, giải trí.