Nhiều người thường lo ngại các mặt hàng phục vụ mùa Tết như dưa kiệu, bánh chưng, mứt… ngoài thị trường không đảm bảo an toàn vệ sinh, chất lượng kém. Do vậy, người tiêu dùng có xu hướng chọn mua các mặt hàng dạng “nhà làm” vì biết rõ nguồn gốc nơi làm và người bán do các mối thân quen giới thiệu nên yên tâm về chất lượng.
Hàng “nhà làm” không hóa chất
Chị Nguyễn Thị Ái Vân (quận Tân Bình) cho biết chị hay làm chà bông để bán cho người quen. Thông tin chị rao trên Facebook nên bạn bè, người quen thường đặt hàng. Đến Tết chị nhận làm các món như mứt, dưa kiệu, giò chả… theo đặt hàng. “Mình làm thủ công, không dùng hóa chất hay những phụ gia khác nên bạn bè rất yên tâm. Mình chỉ làm số lượng ít, không làm đại trà được”, chị Vân chia sẻ. Năm nay chị làm mứt tắc, khi dùng người ăn sẽ cảm nhận bên trong vẫn còn từng tép tắc dẻo, không như hàng ở chợ khi ăn chỉ có vỏ tắc. Đặc biệt lượng đường được giảm tối đa, nhờ vậy mứt tắc sẽ giữ hương tự nhiên. Hay mứt mít, chị Vân cũng không dùng đường mà tận dụng mật của mít. Khoảng 4,5 kg mứt chị Vân chỉ sử dụng hai lạng đường.
Còn cô Trần Thị Liên (Gò Vấp) kể cô không chuộng bánh chưng ngoài chợ vì sợ đậu nếp không rõ nguồn gốc, bánh không dẻo. Mua ở siêu thị cũng có năm gặp bánh chưng không ngon, nhanh hư. Vì vậy cô đặt bánh ở một mối quen ở Phú Nhuận. Họ dùng nguyên liệu ngon như đậu xanh lòng, nếp Bắc, ba rọi rút sườn… Cô Liên cho biết hàng ở đây làm theo yêu cầu của khách, muốn bánh ướt yêu cầu nhân mỡ nhiều hơn thịt nạc, muốn ít nhân họ sẽ làm vỏ bánh dày hơn.
Chị Thu Hương (TP HCM) cho hay chị vừa bán xong 25 kg khô bò ướt. Khách hàng chủ yếu là bạn bè, đồng nghiệp. Thịt bò nguyên liệu được chị chọn rất kỹ từ chỗ người thân ở Bình Định nên mọi người yên tâm về nguồn gốc, chất lượng. Ban đầu chị làm một ít đưa lên công ty mời mọi người. Thấy ai cũng tấm tắc khen ngon, chị quyết định “kinh doanh” khô bò qua Facebook.
Do lo ngại các mặt hàng mứt trên thị trường không đảm bảo vệ sinh, chất lượng nên nhiều người có xu hướng đặt sản phẩm dạng nhà làm với mức giá cao. |
Rồi nữa, một lần tình cờ đi ăn nhà hàng Nhật có món trứng Aji được làm rất ngon, muốn mua với số lượng nhiều về dùng dần nhưng nhà hàng không bán. Thế là chị Hương quyết định về nhà thử nghiệm làm trứng Aji để ăn. Sau khi thành công chị Hương rao trên Facebook, bạn bè dùng thấy ngon nên chỉ trong vòng một tuần chị “sản xuất” ra được 200-300 trứng, giá 15.000 đồng/trứng. “Khác với trứng vịt muối, trứng Aji là trứng vịt ở quê, luộc hồng đào, sau đó lột vỏ cho thật đẹp. Dùng nước tương Nhật nấu với gia vị, tiếp theo trứng sẽ được ủ. Sau ba ngày trứng được mang ra cho vào tủ lạnh, thời hạn dùng lên đến 10 ngày. Đây là món ăn tiện lợi, có thể dùng ngay. Trứng Aji dùng chung với củ kiệu tôm như món tôm khô củ kiệu và trứng bách thảo”, chị Hương cho biết.
Cô Minh (Gò Vấp) kể cứ đến Tết là cô làm mứt dừa non, bắp bò ngâm nước mắm vị gừng và tiêu xanh, gân bò ngâm nước mắm tỏi ớt, tai heo ngâm nước mắm... Tất cả được làm hoàn toàn thủ công, không có chất bảo quản hóa chất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Rất nhiều người quen biết đến đặt hàng và giới thiệu với bạn bè nên khách của cô ngày càng tăng.
Kỳ công nên giá cao
Còn trường hợp chị Nguyễn Ngọc Như (Tân Bình), do quen biết và tin tưởng mứt dừa do nhà của bạn bè làm nên đặt mua. Mứt đúng là chất lượng ngon nhưng giá quá cao, hơn 300.000 đồng/kg.
Về giá cả, chị Ái Vân giải thích làm hàng thủ công giá cao hơn so với ngoài thị trường do tốn nhiều công sức và không thể làm đại trà được. Chẳng hạn làm mứt gừng phải luộc để gừng giữ màu vàng tự nhiên, không dùng chất tẩy.
Chị Thu Hương giải thích hàng “nhà làm” của chị: “Chế biến khô bò ướt kỳ công hơn làm khô bò thông thường rất nhiều. Một tiếng đồng hồ mới được một mẻ trong khi với khô bò thông thường, chỉ cần chưa tới nửa thời gian là hoàn thành. Khi ăn dai, mềm, không bị khô cứng, giá bán 150.000 đồng/hộp 200 g. Mức giá này chủ yếu lấy công làm lời”.
Vì sao người dùng chấp nhận bỏ ra số tiền cao hơn để chọn những sản phẩm “nhà làm” như vậy? Chị Nguyễn Thanh Huệ (Tân Phú) cho rằng khi đặt hàng như thế là mình đã biết rõ người bán hàng sẽ sử dụng những nguyên liệu chất lượng và an toàn.
Cùng ý kiến trên, chị Nguyễn Thị Hà (Gò Vấp) cũng cho hay hàng đặt thì người làm sẽ thực hiện đúng theo yêu cầu đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Giả sử chỗ chị thường đặt bánh chưng nhiều năm, chị thấy bánh để được lâu hơn, nhân nêm nếm vừa vị. Còn mua ở ngoài không biết bánh được nấu lúc nào…
Đặc sản hút hàng
Chị Phạm Phương Thảo, Giám đốc chuỗi cửa hàng thực phẩm hữu cơ Organica, cho biết mấy ngày nay cửa hàng liên tục nhận được nhiều đơn đặt hàng các loại đặc sản trên mạng. Chẳng hạn, chả mực Hạ Long (Quảng Ninh) giá 290.000 đồng/vỉ 500 g, gà muối, giò thủ Hà Giang, miến dong Bình Liêu (Quảng Ninh) với giá 86.000 đồng/túi 500 g.
“Đây là các mặt hàng nổi tiếng ở phía Bắc nhưng trong Nam còn ít người biết tới. Các sản phẩm đều được lấy hàng có nguồn gốc rõ ràng, có chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Như gà muối và giò thủ thì cửa hàng phải lấy từ Hà Giang do đây là các giống gà và heo của người bản địa vùng núi. Sản phẩm này được dự án phát triển cộng đồng quốc tế hỗ trợ. Sản phẩm đảm bảo các yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm. Giá bán gà muối Hà Giang là 399.000 đồng/con (từ 850 g đến 1 kg), giò thủ khoảng 380.000 đồng/kg”, chị Thảo nói.
Sản phẩm hàng “nhà làm” có giá cao hơn những nơi làm chuyên nghiệp dù không tốn chi phí nhân công, mặt bằng… là do sản lượng ít, không cố định lượng hàng, nguyên liệu được chọn chất lượng nhất, giá đầu vào cao.
Cô TRẦN THỊ HIỀN MINH, giảng viên khoa Công nghệ hóa học và thực phẩm Trường ĐH Nguyễn Tất Thành