Nhân phát biểu về chủ trương đầu tư sân bay Long Thành tại Quốc hội chiều 4/11, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đại tướng Phùng Quang Thanh đã giải trình lý do vì sao có sân golf trong các sân bay Tân Sơn Nhất, Gia Lâm.
Các dự án trên đều do các doanh nghiệp của quân đội đảm nhiệm, đã từng gặp phải nhiều ý kiến khác nhau từ dư luận.
Chỉ là tận dụng đất
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cho biết: Trước hết là sử dụng đất, thì đất ở đây là đất lưu không, đất ở loại khung sườn, tức là không dùng gì vào việc xây dựng hạ tầng ở bên dưới.
“Đất lưu không nếu mà anh không làm thì hàng năm cũng phải chi vào số tiền khá lớn để cắt cỏ, rồi côn trùng làm tổ rất nhiều, chim cò rất nhiều, nếu bay lên mà không quản lý tốt thì nó còn đe dọa, uy hiếm an toàn bay, nó chui vào động cơ thì có khi làm cháy máy bay”, ông nói.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đại tướng Phùng Quang Thanh. |
Vẫn theo đại tướng, có một số sây bay người ta phải dùng súng bắn xua chim đi để đảm bảo an toàn bay. Thế còn có những chỗ nó là nơi nước đọng, ẩm thấp, như sân bay Gia Lâm có thời kỳ còn cho đóng gạch ở dưới. Bây giờ chúng ta tận dụng những chỗ như vậy để làm sân golf. Những cái này làm từ năm 2005-2006, được các bộ ngành liên quan như Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông, Cục hàng không dân dụng, Bộ Kế hoạch đầu tư… thẩm định, đồng ý.
Làm sân golf thì nó có tác dụng là có chỗ hoạt động thể thao, thu hút du lịch, tạo chỗ hoạt động lành mạnh. Tức là cũng thu được ngân sách và tạo việc làm. Sân golf ở Tân Sơn Nhất đi vào hoạt động tạo cho 1.200 người có việc làm thường xuyên, ở Gia Lâm thì có 700 người có việc làm ổn định. Có việc rất quan trọng là an toàn bay thì cơ quan quản lý hàng không đã khẳng định là không ảnh hưởng đến an toàn bay.
“Khi nào nhà nước có nhu cầu sử dụng đất cho quốc phòng, an ninh cần phải thu hồi thì thu hồi không có đền bù. Đây là điều đã được ghi trong hợp đồng rồi. Đầu tư ở đây vẫn là các doanh nghiệp quân đội. Cho nên đầu tư sân golf ở đây là chỉ tận dụng đất thôi” , đại tướng khẳng định.
Ủng hộ chủ trương đầu tư sân bay Long Thành
“Ý kiến cá nhân thì tôi cũng nhất trí Quốc hội đồng ý về mặt chủ trương cho Bộ Giao thông vận tải được lập dự án khả thi đầu tư sân bay quốc tế Long Thành. Tôi được biết về quy trình thì dự án đã được chuẩn bị từ khá lâu, đã được báo cáo trước Chính phủ, Chính phủ đã thảo luận và cũng đã xin ý kiến về mặt chủ trương với Bộ Chính trị và Bộ Chính trị đã đồng ý về mặt chủ trương để xin ý kiến Quốc hội quyết định”, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh nói.
Ông nói tiếp: "Như các đồng chí trình bày thì sân bay Tân Sơn Nhất chiếm 46% lượng khách của cả nước, hiện nay đã quá tải rồi. Chúng ta đang mở rộng nâng công suất lên 25 triệu khách/năm, nhưng theo tính toán thì đến năm 2017 là hết công suất. Trong vòng 10-15 năm nữa thì lượng khách sẽ lên 40-50 triệu/năm. Phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất là không khả thi. Nếu muốn mở rộng thì số dân phải di dời rất lớn."
"Trong khi đó, xu hướng của thế giới mà tôi được biết là người ta không để sân bay lọt thỏm trong TP như vậy, người ta phải đưa ra xa cách năm, bảy chục hoặc hàng trăm cây số. Thậm chí có những nơi ô nhiễm tiếng ồn thì người ta yêu cầu phải đưa ra xa khu dân cư, lấn đất ra ngoài biển mà xây, ví dụ như Nhật Bản, Hongkong. Vì vậy mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất trong địa bàn dân cư như vậy là không hợp lý, không nên."
"Dân số VN hiện nay khoảng 90 triệu, nhưng hơn chục năm nữa thì chắc là trên 100 triệu. Chính trị thì ổn định, kinh tế thì đang phát triển rất năng động, các nhà đầu tư nước ngoài người ta cũng đang rất muốn đầu tư sang VN nhưng hạ tầng giao thông của chúng ta rất là kém. Khách du lịch cũng ngày càng tăng lên, người ta phàn nàn chất lượng phục vụ, rồi chậm chuyến, hủy chuyến…"
"Các nước xung quanh ta, có những nước dân số ít hơn nhưng kinh tế phát triển hơn như Thái Lan thì công suất sân bay của họ lên đến 100 triệu khách/năm, Malaisia và Singapore cũng vậy. Tôi mới đi qua Hongkong thì được biết bây giờ họ 53 triệu khách/năm rồi và bây giờ họ đang cần phải mở rộng thêm. Vậy chúng ta một đất nước 90 triệu dân mà sân bay chật hẹp như thế thì việc đầu tư là rất cần thiết."
"Bây giờ cho chủ trương, rồi các đồng chí lập dự án, còn phải qua rất nhiều bước, nếu không cho chủ trương sẽ chậm. Trước đây chúng ta bàn chủ trương đầu tư đường dây 500 KV Bắc - Nam, lúc đầu Quốc hội cũng không đồng tình đâu, thế nhưng Thủ tướng kiên quyết phải làm, bây giờ thì thấy rằng quá đúng. Nếu bây giờ chúng ta không cho làm thì tôi cho rằng nó sẽ chậm trễ và ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của đất nước."
"Thế còn vấn đề phải đi vay thì chúng ta phải tính, nếu vay về mà để đầu tư cho hạ tầng giao thông mà thấy nó có hiệu quả về kinh tế, tức là vay về có khả năng trả nợ thì cái vay đó là cần thiết. Hiện nay các đồng chí biết rồi, 98% là chúng ta vay về để đầu tư chứ không phải chi thường xuyên, nên tôi nghĩ vay để đầu tư là cần thiết."