Từ ngày 26 đến ngày 29/5, tại Hà Nội, Hội đồng quản trị Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp nhiệt đới (CIAT) đã họp phiên đầu tiên nhân sự kiện văn phòng châu Á của CIAT chuyển từ Bangkok về Hà Nội (trong khuôn viên Viện Di truyền Nông nghiệp).
Sắn trở thành cây tỷ đô. |
Theo GS.TS Bùi Chí Bửu, một trong hai nhà khoa học nông nghiệp của Việt Nam được tổ chức này mời tư vấn, lý do của việc di chuyển văn phòng này là Việt Nam đã có bước tiến dài trong việc trồng sắn và trở thành nước xuất khẩu lớn thứ 2 thế giới (sau Thái Lan). CIAT hy vọng với việc đặt văn phòng châu Á tại Thủ đô Việt Nam, một đất nước có nền nông nghiệp năng động nhất, sẽ tạo điều kiện giúp CIAT hoạt động mạnh hơn.
Theo tài liệu lưu hành tại phiên họp, diện tích trồng sắn của Việt Nam hiện có 560.000 ha, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,3 tỷ USD vào năm 2012 và 1,1 tỷ USD vào năm 2013. Việc năng suất sắn tăng gấp 2 lần chủ yếu nhờ lai tạo được các giống mới như KM94, KM 98-1, SM 937-26… từ nguồn gen của CIAT.Tuy nhiên cây sắn ở Việt Nam vẫn chưa bền vững vì khoảng cách chênh lệch năng suất thuộc loại lớn của thế giới, khi mà năng suất sắn tại Tây Ninh đạt 30 tấn/ha (với diện tích không tưới) và 50 tấn/ha (với diện tích có tưới bổ sung) thì nhiều nơi khác chỉ đạt 15-17 tấn/ha.
Việc rút ngắn khoảng cách chênh lệch năng suất bằng cải tiến giống và chuyển giao TBKT có ý nghĩa rất lớn trong thực hiện quy hoạch không mở thêm diện tích nhưng vẫn đạt sản lượng tinh bột cao. Các vùng thâm canh sắn của Việt Nam cũng đang phải đối mặt với 5 dịch hại mới nguy hiểm trên sắn là bệnh chổi rồng, rệp sáp hồng, cháy lá vi khuẩn, bọ cánh trắng, nhện đỏ.
CIAT sẽ xúc tiến đầu tư 13 triệu USD để xây dựng ngân hàng gen sắn và cây thức ăn gia súc, đầu tư một phòng thí nghiệm hiện đại tại Hà Nội.