Theo Quyết định 3216/QĐ-BGTVT ngày 16/10/2013 do Bộ trưởng Đinh La Thăng ký, sân bay Phan Thiết nằm tại xã Thiện Nghiệp (TP Phan Thiết, Bình Thuận), là sân bay dân dụng cấp 4C - sân bay quân sự cấp 1 (lưỡng dụng). Giai đoạn đến năm 2020 sân bay này sẽ phục vụ bay taxi, bay hàng không chung, bay phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn… Giai đoạn định hướng đến 2030 có thể phát triển khai thác bay thường lệ khi có thị trường.
Cụ thể, giai đoạn đến 2020 sẽ xây dựng 1 đường cất hạ cánh bằng vật liệu với kích thước 2.400m x 45m (đảm bảo khai thác tàu bay quân sự như Su 27, Su 30, tàu bay dân dụng code C); xây dựng 1 đường cất hạ cánh bằng đất với kích thước 2.400mx100m, phục vụ cho các tàu bay quân sự hạ cánh trong trường hợp khẩn cấp theo tiêu chuẩn quân sự. Riêng giai đoạn đến 2030 sẽ nghiên cứu kéo dài đường cất hạ cánh đạt kích thước 3.050mx45m khi có nhu cầu.
Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu phát biểu tại lễ công bố sân bay Phan Thiết. |
Đường trục vào sân bay được xây dựng với quy mô mặt cắt ngang 20m, kết nối ra đường ĐT 715, nâng cấp đoạn từ ĐT 715 ra đường ĐT 706B (giai đoạn đến 2020). Đến 2030 sẽ xây dựng đường mới từ trung tâm sân bay nối thẳng ra ĐT 706B với quy mô mặt cắt ngang 36m.
Tổng diện tích đất được quy hoạch làm sân bay đến năm 2020 là 360,33ha và đến 2030 là 543ha. Dự kiến, sân bay Phan Thiết sẽ đạt lưu lượng 500.000 hành khách/năm, hàng hóa 10.000 tấn/năm (đến 2020); đến năm 2030 sẽ đạt 1 triệu hành khách/năm và 40.000-50.000 tấn hàng hóa/năm.
Phát biểu tại lễ công bố quy hoạch, Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu, cho biết, việc quy hoạch sân bay Phan Thiết có ý nghĩa quan trọng cả về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh trong tiến trình phát triển bền vững của tỉnh Bình Thuận cũng như khu vực phía Nam, góp phần quan trọng trong sự phát triển thương mại và du lịch tại địa phương, tăng hiệu quả đầu tư, đảm bảo an ninh chính trị tại khu vực.