Website của hãng hàng không Turkish Airlines cho biết, một số chuyến bay nội địa và quốc tế của hãng này cất cánh từ phi trường Ataturk đã hoạt động trở lại từ 9h ngày 29/6 (khoảng 13h giờ Hà Nội). Trước đó, CNN cho biết nhà ga đi tại Ataturk đã mở cửa đón khách trở lại.
Cơ quan quản lý hàng không liên bang Mỹ (FAA) cũng đã dỡ bỏ lệnh cấm bay tạm thời đối với những chuyến bay đến và đi từ sân bay Ataturk. Một quan chức FAA nói với AP rằng 10 chuyến bay đã cất cánh từ Thổ Nhĩ Kỳ và đang đến Mỹ.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim cho biết 41 người thiệt mạng và gần 150 người bị thương. 36 người thiệt mạng đã được xác định danh tính bao gồm 23 người Thổ Nhĩ Kỳ, 13 người nước ngoài, trong đó có 1 người Iran, 1 người Ukraine.
Máy bay của hãng hàng không Turkish Airlines đậu tại sân bay Ataturk. Ảnh: Reuters |
Tuy nhiên, phần lớn các chuyến bay vẫn đang bị hoãn. Nguyên nhân do tất cả các chuyến bay đều bị hủy hoặc hoãn ngay sau khi 3 vụ đánh bom liều chết xảy ra đêm 28/6. Sân bay Ataturk là sân bay nhộn nhịp thứ 3 ở châu Âu. Các hãng hàng không đang thương lượng với hành khách để đổi vé hoặc bồi hoàn tiền vé.
Do phi trường đóng cửa sau vụ khủng bố ảnh hưởng đến cả những chuyến bay dự định đáp xuống Istanbul. Channel News Asia cho biết một máy bay của hãng Singapore Airlines dự định hạ cánh ở Istanbul nhưng phải quay trở lại Singapore do phi trường Ataturk đóng cửa.
Vụ tấn công xảy ra ở sân bay Ataturk vào đêm 28/6 (rạng sáng 29/6 theo giờ Hà Nội). Một trong 3 kẻ tấn công đã tự kích nổ khối thuốc nổ quấn quanh người ngay bên trong ga đến. Kẻ khác ra tay ở bên ngoài ga đến, và vụ nổ thứ 3 xảy ra ở bãi đậu xe.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim cho biết những kết quả điều tra ban đầu cho thấy lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) là chủ mưu của vụ tấn công. Tuy nhiên, nhóm này vẫn chưa chính thức tuyên bố trách nhiệm. Đây là vụ tấn công đẫm máu nhất ở Istanbul trong một thập kỷ.
Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia có lãnh thổ phần lớn nằm tại Tây Á và một phần nằm tại Đông Nam Âu. Do vị trí nằm tại nơi giao cắt giữa châu Âu và châu Á khiến Thổ Nhĩ Kỳ có tầm quan trọng địa chiến lược đáng kể. Dân số của Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 76,8 triệu người.
Nước này luôn đối mặt với hàng loạt mối đe dọa và tấn công khủng bố, cao điểm là vào giai đoạn thập niên 1990. Thủ đô Ankara từng được đặt trong tình trạng báo động kể từ ngày 10/10/2015, khi 2 kẻ đánh bom liều chết đã tự kích nổ ở giữa đám đông khiến 103 người thiệt mạng. Đây là vụ tấn công đẫm máu nhất trong lịch sử hiện đại của Thổ Nhĩ Kỳ.