Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sân bay Nội Bài mỗi ngày đón 700 người từ TP.HCM

Người dân từ TP.HCM đến Hà Nội trước khi lên máy bay phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, khi hạ cánh sẽ được phân luồng lối ra và nhận hành lý riêng.

Ngày 15/7, Chủ tịch UBND Hà Nội Chu Ngọc Anh đã đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại một số chốt kiểm soát ra vào TP và sân bay Nội Bài.

Báo cáo đoàn kiểm tra, đại diện sân bay Nội Bài cho biết trong đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19, mỗi ngày có từ 4 đến 6 chuyến bay từ TP.HCM ra Hà Nội với khoảng 700 lượt hành khách. Để bảo đảm an toàn, tất cả hành khách trước khi lên máy bay đều phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Người từ TP.HCM đến Hà Nội đều được phân luồng lối ra và nhận hành lý riêng.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội nắm cụ thể danh sách từng chuyến bay, điện thoại liên hệ và địa chỉ của từng hành khách gửi về các địa phương để tổ Covid cộng đồng giám sát, đảm bảo cách ly đủ 14 ngày và 3 lần xét nghiệm theo quy định của Bộ Y tế.

Dich Covid-19 Ha Noi,  o dich huyen Dong Anh anh 1

Ông Chu Ngọc Anh yêu cầu giám sát chặt người đến từ TP.HCM ngay sau khi rời Sân bay Nội Bài. Ảnh: Đ.M.

Chủ tịch UBND TP ghi nhận lực lượng chức năng đã thực hiện hiệu quả các công tác phòng, chống dịch, việc test nhanh Covid-19 được thực hiện đúng quy định, nhanh gọn, giúp phân luồng người từ TP.HCM an toàn, thuận tiện.

Ông Chu Ngọc Anh yêu cầu cảng hàng không, ngành y tế tuyệt đối không lơ là, chủ quan trong lúc này, bởi đây là chốt chặn quan trọng. Ông nhấn mạnh thông tin hành khách phải được chuyển nhanh, kịp thời tới từng tổ Covid cộng đồng để giám sát chặt chẽ.

Cùng ngày, ông Chu Ngọc Anh cũng đi thị sát tại Khu công nghiệp Thăng Long, nơi phát sinh ổ dịch với gần 50 bệnh nhân.

Báo cáo Chủ tịch TP, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh cho biết huyện đang khẩn trương truy vết các ca bệnh, lấy mẫu cộng đồng để rà soát. Tính đến sáng 15/7, địa phương này ghi nhận 46 ca mắc Covid-19 liên quan đến khu công nghiệp.

Đại diện Công ty SEI cho biết nếu công ty tiếp tục dừng sản xuất sẽ ảnh hưởng hoạt động kinh doanh và đời sống của công nhân. Việc cách ly ở công ty lâu dài sẽ ảnh hưởng sức khỏe người lao động, có nguy cơ lây nhiễm chéo.

Vì vậy, công ty đề xuất TP cho phép công ty thuê thêm cơ sở lưu trú trên địa bàn để giãn cách và cho sản xuất trở lại từ 25/7 trong điều kiện tuân thủ quy định phòng, chống dịch.

Chia sẻ với lãnh đạo Công ty SEI, Chủ tịch UBND Hà Nội đồng ý tạo điều kiện cho công ty trở lại sản xuất. Tuy nhiên, ông yêu cầu lãnh đạo huyện Đông Anh báo cáo chi tiết kế hoạch, phương án đảm bảo an toàn sản xuất tại nhà máy để TP theo dõi, chỉ đạo.

"Địa phương, Ban quản lý và doanh nghiệp cùng tìm phương án, có thể chia giãn cách ca lao động tùy vào tình hình cụ thể để đáp ứng yêu cầu chống dịch. Phương án cần đưa nơi sản xuất và nơi ở của công nhân gần nhau để quản lý chặt chẽ", ông Chu Ngọc Anh nói.

Tại đợt dịch thứ 4 (từ ngày 29/4), Hà Nội ghi nhận 353 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Riêng từ ngày 5/7 đến nay, TP có 94 ca mắc, trong đó chùm ca bệnh khu công nghiệp Thăng Long có 49 trường hợp, chùm ca bệnh liên quan đến TP.HCM có 35 trường hợp (Quốc Oai: 15; Hai Bà Trưng: 6; Ứng Hòa: 5; các quận, huyện khác: 9) và ổ dịch tại An Mỹ, Mỹ Đức, có 10 bệnh nhân.

Vì sao khu công nghiệp ở Hà Nội liên tiếp có công nhân mắc Covid-19

Nguyên nhân chủ yếu khiến ổ dịch này tiếp tục phát sinh ca nhiễm mới là số lượng công nhân làm việc cùng phân xưởng với ca F0 lớn.

Hà Nội lên kế hoạch tiêm vaccine Covid-19 cho 5,1 triệu người

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết đây là số người đủ điều kiện theo độ tuổi. TP sẽ chia thành 10 nhóm ưu tiên để đảm bảo tính chính xác, minh bạch.

Sơn Hà

Bạn có thể quan tâm