Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sân bay Long Thành: Vốn bằng cả nước nhịn ăn 1 năm

Dù mới chỉ là cho ý kiến về chủ trương để nghiên cứu, chứ chưa phải đã đưa ra quyết định đầu tư xây dựng, song dự án sân bay Long Thành cũng khiến đại biểu Quốc hội phải đắn đo.

Dẫu sao điều này cũng thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của đại biểu Quốc hội với một dự án trọng điểm quốc gia khi thảo luận tại tổ vào chiều 4/11.

Vốn dự án bằng cả nước nhịn ăn 1 năm

Ủng hộ triển khai xây dựng sân bay Long Thành, đại biểu Nguyễn Quốc Bình đánh giá, nếu xét về vị trí thì sân bay Long Thành sẽ “không có đối thủ cạnh tranh”, và vị trí này được xem là vô giá. Bởi theo ông Bình, vị trí sân bay Long Thành còn thuận lợi hơn cả hệ thống sân bay ở Singapore và Thái Lan. Từ đó, đại biểu Bình nhìn nhận, nếu đầu tư sân bay Long Thành thì Singapore, Thái sẽ phản đối đầu tiên.

Cho rằng phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, Biên Hòa bất khả thi, theo đại biểu Bình, vị trí sân bay Long Thành sẽ là nơi hội tụ và kết nối, sẽ thành văn phòng, công ty đa quốc gia và là nơi tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế, thậm chí các trung tâm dịch vụ của Singapore cũng sẽ hội tụ về. Từ đó sẽ mở ra cơ hội phát triển du lịch, giao lưu văn hóa…

Về nguồn vốn thực hiện, đại biểu Bình cho rằng, sẽ không phải lo nhiều vốn ngân sách khi Nhật Bản đã xung phong cho vay vốn ODA. Bên cạnh đó, dự án cũng sẽ được triển khai theo hình thức PPP nên rất khả thi.

Cùng đề cập đến nguồn vốn triển khai, song đại biểu Trịnh Ngọc Thạch lại tỏ ra băn khoăn, khi nợ công hiện nay đã lên đến 85 tỷ USD. Tính trung bình một người dân đang phải gánh 937 USD. Nếu vay vốn ODA, nhưng giả sử dự án không hiệu quả, xảy ra thua lỗ, lúc đó ai chịu? Cuối cùng vẫn là Chính phủ và nhân dân phải gánh chịu.

Cũng theo đại biểu Thạch, nếu thấy quá tải vẫn có thể nâng lên mức 20 triệu hành khách/năm ở sân bay Tân Sơn Nhất, hoặc có thể nâng cấp đường tàu sẽ rẻ hơn rất nhiều. Về vấn đề trung chuyển, đại biểu Thạch cũng khẳng định "đừng hi vọng" sân bay Long Thành sẽ trở thành đường hàng không quốc tế, vì sẽ không thể bì được với Hong Kong, nếu có trung chuyển thì cũng chỉ có Úc mà thôi. Cho rằng dự án này đang “tính cua trong lỗ”, trong bối cảnh nợ công rất nặng nề, ông Thạch đề nghị dự án này tạm gác lại, để nhường cho các dự án khác thiết thực hơn.

Khẳng định về sự cần thiết của dự án, song đại biểu Trịnh Thế Khiết cũng băn khoăn vì vốn đầu tư cho sân bay Long Thành quá lớn, với mức đầu tới 18 tỷ USD, bằng khoảng 360.000 tỷ Việt Nam, bằng thu nội địa của Việt Nam trong 1 năm. Nghĩa là chúng ta sẽ phải nhịn ăn nhịn tiêu trong cả năm 2014 để đầu tư vào sân bay Long Thành. Nhưng đó mới chỉ là con số “vẽ” ra thôi. Còn thực tế triển khai, nếu nhìn vào các dự án khác như đường sắt đô thị, thì rất có thể vốn cho sân bay Long Thành sẽ còn lớn hơn nhiều.

Rút kinh nghiệm từ các dự án trước, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đề nghị cân nhắc kỹ dự án sân bay Long Thành.

Rút kinh nghiệm từ các dự án trước, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đề nghị cân nhắc kỹ dự án sân bay Long Thành.

Xét ở góc độ cạnh tranh, đại biểu cũng đánh giá, với độ chuyên nghiệp của các nước thì sân bay Long Thành rất khó cạnh tranh được với sân bay của Singapore và Thái Lan. “Các công trình sân bay, bến cảng trước nay vẽ ra rất hay, mức đầu tư rất lớn nhưng hiệu quả lại không cao, rất lãng phí. Trong bối cảnh đất nước đang khó khăn, nợ công tăng cao, rất đáng phải suy nghĩ để đầu tư cho hiệu quả”, đại biểu Khiết đề nghị.

Sân bay Long Thành: Vì sao lắm sự nghi ngờ?

Tôi nghĩ rằng dự án không thuận lợi ở chỗ chúng ta mất lòng tin, cho nên ai cũng nghi ngờ. Sự phản biện, đưa ra giả thiết phản đề là cần thiết, nhưng lòng tin lại càng cần thiết.

Nhìn lại Bauxit Tây Nguyên…

Với quan điểm giao thông bao giờ cũng phải đi trước một bước, song đại biểu Bùi Thị An và nhiều đại biểu khác cũng phải đắn đo, giằng xé, băn khoăn với dự án này. Ủng hộ về mặt chủ trương, song đại biểu An đề nghị phải có quy hoạch tổng thể rõ ràng hơn, và sẽ phải cam kết về nguồn vốn đầu tư khi triển khai thực hiện.

Cùng cho ý kiến về dự án này, Bí thư thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho biết, với 6 – 7 công trình quy mô lớn được ra Quốc hội thảo luận trước nay, có những công trình Quốc hội không đồng thuận nhưng khi triển khai lại thành công. Ngược lại có dự án mức độ đồng thuận cao, nhưng khi triển khai vẫn vướng, vẫn khiếm khuyết.

Ông Phạm Quang Nghị ví dụ dự án đường dây 500 KV Bắc Nam, nhiều ý kiến không đồng thuận, hay tỷ lệ 50 – 50 như thủy điện Sơn La, nhưng đến bây giờ mới thấy hiệu quả vượt hơn cả dự kiến ban đầu. Trong khi đó có dự án được thảo luận rất kỹ, nhưng dường như sau đó hiệu quả lại không được như kế hoach, như dự án Bauxit Tây Nguyên, Dầu khí Dung Quất, hay đường Hồ Chí Minh, hiệu quả chưa cao khi đường rất vắng.

Với sân bay Long Thành, Bí thư Hà Nội cũng cho rằng, vấn đề số một cần phải tính đến là nguồn vốn lấy từ đâu? Dự thảo nói vốn từ ngân sách, ODA và vốn huy động bên ngoài, nhưng kênh này cũng chưa chắc chắn. Ông Nghị cũng đánh giá, tờ trình của Chính phủ viết còn hơi “lãng mạn, lạc quan”. Ví dụ nói sân bay này là “thành phố sân bay”, nghe cứ như một "đô thị sân bay" vậy.

Rút kinh nghiệm từ dự án Bauxit Tây Nguyên và một số dự án khác, Bí thư Phạm Quang Nghị đề nghị, cần tính toán kỹ hơn về nguồn vốn, quy mô và tiến độ của dự án.

Dự án Long Thành sẽ sử dụng 6.000 tỷ ngân sách giai đoạn 1

Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cho biết, nếu được chấp thuận, dự án sẽ chỉ sử dụng hơn 6.000 tỷ đồng ngân sách cho giai đoạn 1a.

http://infonet.vn/san-bay-long-thanh-tam-tu-giang-xe-vi-von-bang-ca-nuoc-nhin-an-1-nam-post148745.info

Theo Nguyễn Dũng/ Infonet

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm