Khác với nhiều sân bay được phát triển từ nhu cầu đi lại, cảng hàng không của thị trấn Gander, nơi chưa có đến 12.000 dân, lại sở hữu một câu chuyện khác biệt.
Jack Pinsent, cư dân lâu năm của thị trấn, hiện điều hành Hiệp hội Lịch sử Sân bay Gander, người có cha từng là nhân viên sân bay, kể với CNN về khoảng thời gian trước khi thị trấn thành lập.
Theo Pinsent, Sân bay Quốc tế Gander được xây dựng từ giữa thế kỷ 20 và chính thức mở cửa năm 1938. Trong thời kỳ đầu hoạt động, Gander đóng vai trò như một trung tâm quân sự của Thế chiến 2, giúp máy bay chiến đấu di chuyển qua Đại Tây Dương.
Thời bình, Gander là điểm dừng tiếp nhiên liệu cho các chuyến bay thương mại. Nhiều hãng hàng không lớn như Pan Am và BOAC (tiền thân của British Airways), thường xuyên ghé qua Gander trong các chuyến bay đường dài của mình.
Sân bay Gander là một địa điểm quân sự quan trọng trong Thế chiến 2, nơi các chiến đấu cơ cất cánh để bay xuyên Đại Tây Dương. Ảnh: CNN. |
Có thời điểm nhà ga tiếp nhận hơn 13.000 máy bay và 250.000 hành khách mỗi năm. Đây cũng từng là nơi hai phi công người Anh, Alcock và Brown, thực hiện chuyến bay thẳng xuyên Đại Tây Dương đầu tiên.
Cuối những năm 1950, thị trấn Gander mới hình thành, nhằm đáp ứng chỗ ở cho lượng nhân viên ngày càng tăng. Đường phố được đặt tên theo các phi công nổi tiếng và hầu hết cư dân làm việc tại sân bay.
Sau khi thành lập thị trấn, chính phủ Canada quyết định tu sửa lại sân bay nhằm tạo ấn tượng tốt hơn với du khách quốc tế.
“Đối với nhiều người, đây là nơi đầu tiên và duy nhất họ đặt chân đến Canada. Chính phủ cho rằng chúng tôi sẽ không để lại ấn tượng tốt với hình ảnh của một kho chứa máy bay cũ từ thời Thế chiến. Họ quyết định xây dựng lại sân bay theo cách nghệ thuật hơn", Pinsent nói.
Việc sửa sang tốn đến 3 triệu USD nhưng mang lại kết quả tích cực.
Ngày càng có nhiều nhiều máy bay đổ về Gander, thậm chí một số người nổi tiếng như nhóm nhạc The Beatles, Marilyn Monroe hay Fidel Castro cũng từng đặt chân đến đây.
Cách mạng hóa hàng không đẩy Gander vào quên lãng
Thời vàng son của Gander không kéo dài cùng với sự cải tiến của động cơ máy bay. Các chuyến bay đường dài không còn cần tiếp nhiên liệu giữa chặng, vì vậy họ dần bỏ qua Gander để bay thẳng đến Mỹ.
Gander lúc bấy giờ chỉ còn phục vụ các chuyến bay từ Đông Âu, thường là trước khi xuống Cuba. Thời điểm đó, Pinsent làm kiểm soát viên không lưu, đó là khoảng thời gian anh không bao giờ quên.
Sảnh chờ của sân bay quốc tế Gander sau khi thiết kế lại. Ảnh: Public Radio Exchange. |
"Một bầu không khí tuyệt vời về tinh thần, mọi người tận tâm cung cấp dịch vụ, bởi vì đó là chìa khóa của sự sống còn. Nếu không cung cấp tốt dịch vụ, sân bay sẽ tan rã", ông nhớ lại.
Nhưng từ sau sự kiện Bức tường Berlin, Gander dần vắng bóng và thậm chí mất hút trên bản đồ du lịch thế giới.
Lòng hiếu khách đưa sân bay trở lại
Mãi cho đến gần đây, khi Gander trở thành “nhân vật” chính trong vở nhạc kịch Broadway "Come From Away”, nói về sự kiện 11/9 của Mỹ, tình hình mới dần khởi sắc.
Claude Elliott, cựu thị trưởng thị trấn Gander, nhớ như in đó là một ngày bình thường, ông đi ra ngoài để uống cà phê sáng.
Vài giờ sau đó, cả thế giới rung chuyển bởi những cuộc tấn công khủng bố nhắm vào Mỹ. Giao thông hàng không toàn cầu ngừng hoạt động và toàn bộ máy bay bị cấm vào không phận xứ cờ hoa.
38 máy bay đã phải hạ cánh khẩn cấp xuống Gander và hơn 7.000 người tị nạn lấp đầy đường băng rộng lớn, vốn đang trống rỗng của sân bay.
38 máy bay xếp thành hàng dài trên đường băng Gander trong ngày 11/9. Ảnh: CNN Travel. |
Họ ngồi đó, bất động hàng giờ và trông chờ một lời giải thích từ nhà chức trách. Không ai rõ chuyện gì đang xảy ra nhưng có một điều chắc chắn: Máy bay sẽ không thể cất cánh trong một thời gian. Họ mắc kẹt ở Gander.
Bên ngoài đường băng, thị trưởng Elliott và người dân tất bật chuẩn bị thức ăn cho những “vị khách” bất đắc dĩ.
Theo lời kể của hành khách, sau khi rời máy bay và đi vào nhà ga, họ được chào đón bằng một bữa tiệc hoành tráng với hàng trăm nhân viên và thức ăn nước uống sẵn sàng.
"Tôi bật máy quay và nói 'Hãy nhìn Gander đi, chúng tôi vừa nghe tin tức khủng khiếp từ Mỹ nhưng chúng tôi an toàn ở đây”, Tuerff, một trong số đó, chia sẻ.
Hàng nghìn người lưu trú trong một sân vận động ở thị trấn Gander ngày 11/9. Ảnh: The Times |
Tuerff và hàng nghìn người được cư dân Gander chào đón, mời vào nhà, cung cấp quần áo, thức ăn và chăm sóc y tế.
7.000 người từ hơn 90 quốc gia khác nhau, có thể bao gồm cả khủng bố, những người bị từ chối ở nơi khác lại được chào đón ở Gander.
"Điều đặc biệt là số cư dân của Gander gần như ngang bằng với số người tị nạn. Dân số của thị trấn tăng gấp đôi trong vài ngày đồng nghĩa với việc mỗi người dân đang giúp đỡ một người khác", Tuerff nói.
Còn với Thị trưởng Elliott, quyết định chào đón người tị nạn là điều hiển nhiên phải làm.
Thành công của “Come From Away” một lần nữa mang Gander trở lại bản đồ du lịch, sân bay cũng nhộn nhịp hơn từ đó.
Máy bay thương mại xuất hiện nhiều hơn trên đường băng Gander, du khách đến đây muốn nhìn thấy sân bay, khám phá vẻ đẹp của Newfoundland. Nhưng trên hết, họ muốn gặp gỡ những người dân thân thiện.
Kevin Tuerff bên poster của "Come From Away", vở nhạc kịch gợi nhớ những ký ức đẹp về Gander. |
Lịch sử của Gander là chuỗi những sự kiện đáng nhớ. Pinsent cho biết sân bay sẽ tổ chức lễ kỷ niệm sự kiện 11/9, một trong những ngày đen tối nhất của nhân loại nhưng cũng là ngày mà Gander cho cả thế giới thấy lòng hiếu khách tuyệt vời của mình.
“Tôi không nghĩ có quá nhiều sân bay trên thế giới mà là cảm hứng cho một vở nhạc kịch Broadway”, Pinsent tự hào nói.