Cảnh bận rộn hiếm hoi từ nhiều năm trước tại phi trường thương mại lâu đời nhất nước Đức. Ảnh: Airliners |
Giới chức thành phố Berlin xác nhận họ đang nghiên cứu kế hoạch biến sân bay Tempelhof thành nhà khổng lồ dành cho khoảng 800.000 người tị nạn mà Đức sẵn sàng tiếp nhận trong năm nay, theo Daily Mail.
Cơ quan y tế và các vấn đề xã hội Đức yêu cầu Bộ Nội vụ cho phép họ sử dụng tòa nhà trong sân bay. Một nhóm quan chức phụ trách vấn đề người tị nạn đã khảo sát phi trường.
Christian Hanke, người đứng đầu quận Mitte, ủng hộ ý tưởng biến "sân bay của Hitler" thành nơi ở cho người tị nạn. “Đây là một giải pháp tình thế và không thể tránh khỏi, vì sân bay Tempelhof có nhiều phòng chứa phi cơ”, ông nói.
Kiến trúc sư Norman Foster từng mô tả Tempelhof là “mẹ của tất cả sân bay”. Giới chức Đức xây dựng nó vào năm 1923 theo lệnh của Adolf Hitler. Phi trường nằm trên một khu đất có diện tích 300.000 m2. Mái che của nó có chiều dài 1,2 km. Sân bay ngừng hoạt động từ một thập niên trước.
Hàng trăm lính Đức theo dõi bài phát biểu của trùm phát xít Adolf Hitler vào ngày 1/5/1934. Ảnh: Getty |
Tempelhof từng là nơi Hitler đọc bài phát biểu nổi tiếng trong vai trò thủ tướng Đức vào ngày 1/5/1934. Không quân Đức hiếm khi sử dụng phi trường trong giai đoạn chiến tranh và chỉ sử dụng nó trong các dịp lễ.
Dư luận quốc tế biết tới Tempelhof qua sự kiện ngày ngày 24/6/1948, khi quân Liên Xô tại khu vực Đông Đức phong toả phía tây Berlin bằng đường bộ, đường sắt và đường sông. Ngay lập tức Mỹ phải lập cầu hàng không tại Tempelhof để chở khoảng 4.500 tấn lương thực và các nhu yếu phẩm khác cho người dân phía đông Berlin bằng trực thăng.