Bức điện tín của Hermann Göring khiến tên trùm của chế độ Đức Quốc xã nổi cơn thịnh nộ. Ảnh: Nhà đấu giá Lịch sử Alexander |
Vào những ngày cuối cùng của Chiến tranh Thế giới thứ hai, Hermann Goring, một trong những quan chức quyền lực nhất Đức Quốc xã, đang ở miền nam nước Đức. Hắn biết tin Hitler lẩn trốn trong một căn hầm ở thành phố Berlin.
Goring lo sợ hắn sẽ bỏ lỡ cơ hội cầm quyền nếu còn do dự. Vì thế, ngày 23/4/1945, nhân vật số hai của Đức Quốc xã gửi một bức điện tín ngắn, yêu cầu Hitler trao quyền. Trong bức điện phản quốc mạo hiểm, hắn viết, nếu Hitler không hồi đáp trước 22h cùng ngày, hắn sẽ coi như vị Quốc trưởng đã mất quyền tự do hành động và Goring sẽ tiếp nhận vị trí lãnh đạo.
Theo lời kể của những người thân cận với Hitler, bức điện khiến nhà độc tài nổi cơn thịnh nộ và ra lệnh bắt Goring ngay rạng sáng ngày 25/4. Trạng thái tinh thần của trùm phát xít trở nên tồi tệ hơn.
Ngày 29/4/1945, Hitler tuyên bố Goring phạm tội phản quốc, nhưng vì hắn có công lao lớn nên Quốc trưởng có thể miễn án tử hình cho Goring nếu hắn tự nguyện từ bỏ mọi chức vụ.
Adolf Hitler (trái) và nhân vật số hai Đức Quốc xã, Hermann Göring. Ảnh: Thư viện Quốc hội |
Ngày 30/4, kẻ đứng đầu chế độ Đức Quốc xã tự tử cùng vợ là Eva Braun. Vài ngày sau, Thế chiến II kết thúc.
Ngày 16/10/1946, tòa án Nuremberg tuyên bố Goring là tội phạm chiến tranh và tuyên án tử hình bằng hình thức treo cổ. Tuy nhiên, trước giờ hành hình, hắn nuốt thuốc độc tự sát.
Ngày 8/5/1945, Đại úy người Mỹ Benjamin Bradin phát hiện bức điện trong hầm của Hitler và quyết định giữ nó làm kỷ niệm. Sau đó, con trai ông tiếp quản bức điện và giao nó cho giáo sư Sử học của anh.
Ngày 7/5, vị giáo sư quyết định bán đấu giá bức điện tại Nhà đấu giá Lịch sử Alexander ở thành phố Stamford, bang Connecticut, Mỹ với giá khởi điểm 23.043 USD (khoảng 504 triệu đồng). Cuối cùng, một người giấu tên ở Bắc Mỹ trả 54.675 USD (khoảng 1,2 tỷ đồng) để mua nó, Telegraph đưa tin.