Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

KOVER

Samsung và người ‘mai mối’ tỷ đô

Ông là người “mai mối” mát tay, đưa những dự án tỷ đô về Bắc Ninh, Thái Nguyên, TP.HCM, để rồi sản phẩm từ những nhà máy này tạo ra giá trị xuất khẩu tới 50 tỷ USD.

Nguyen Van Dao Samsung Vina anh 1

Nguyen Van Dao Samsung Vina anh 2

Năm 1995, khi nhà máy sản xuất tivi Samsung khởi công ở TP.HCM, ít ai ngờ hơn 20 năm sau, Samsung nằm trong top 2 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, đóng góp tới gần 30% giá trị xuất khẩu cả nước. Người góp phần quan trọng giúp doanh nghiệp này tìm ra những vị trí đắc địa, làm việc với các đối tác Việt Nam để biến những dự án tỷ đô thành hiện thực và phát huy hiệu quả là ông Nguyễn Văn Đạo, nguyên Phó tổng giám đốc Samsung Vina.

Trong câu chuyện với Zing.vn nhân ngày Doanh nhân Việt Nam, ông Nguyễn Văn Đạo đã trải lòng về 20 năm gắn bó với Samsung và thẳng thắn chia sẻ nhưng thắc mắc về thuế, về những thời khắc khó khăn nhất của doanh nghiệp. 

Nguyen Van Dao Samsung Vina anh 3

Nguyen Van Dao Samsung Vina anh 4

- Năm 1992, khi đã 35 tuổi, anh rời biên chế Nhà nước để bắt đầu khởi nghiệp. Tại sao anh lại đưa ra quyết định đó?

- Tôi làm việc hơn 10 năm ở Viện nghiên cứu Phát triển kỹ thuật Phát thanh truyền hình, đến những năm 90 của thế kỷ 20, khi kinh tế thị trường mở ra, các viện nghiên cứu không thích nghi được nên ít việc.

Ngày ngày tôi đến cơ quan, tối về cặm cụi sửa tivi, chủ yếu là chuyển hệ tivi màu, để kiếm thêm, lo cho cuộc sống gia đình. Tôi đã mất một năm suy nghĩ giữa việc ở lại hay ra đi. Nếu làm tiếp thì cảm thấy lối sống của mình bị mòn đi, nhưng bỏ biên chế ra ngoài thì thời đó người ta nghĩ khủng khiếp lắm, như người ngoài vòng xã hội.

Cuối cùng tôi chọn cách ra ngoài vì tôi là người thích cái mới.

- Cũng vì thích cái mới mà anh bỏ vài tháng lương để mua máy vi tính từ những năm 1991?

Nguyen Van Dao Samsung Vina anh 5

Đúng vậy, hồi những năm đầu 90 của thế kỷ 20 khi công việc ít, thời gian nhiều, tôi đã dành giụm tiền sửa tivi và 4 tháng lương để mua chiếc máy vi tính hiệu IBM đã qua sử dụng trị giá 250 USD về học, sau một thời gian nâng cấp lên máy gần 1.000 USD.

Hồi đó tôi nghĩ rằng trong khi chờ đợi phương hướng, mình phải sẵn sàng với những yêu cầu mới của thời cuộc. Xã hội phát triển rất nhanh, muốn theo kịp cái mới thì mình phải đi theo trào lưu mới nhất, đặc biệt là công nghệ. Nếu cứ đứng yên, mình sẽ thụt lùi so với lớp trẻ.

Việc học IT có ý nghĩa rất lớn với tôi. Trước đó, tôi thấy mình rất lạc hậu nhưng sau khi bắt kịp được về công nghệ, rành máy tính thì thấy mình sẵn sàng để đón cơ hội. Bây giờ nhìn lại tôi nghiệm ra, cơ hội đến với mọi người, vấn đề là anh có chuẩn bị tốt để nắm lấy nó hay không mà thôi.

- Có thời kỳ anh sản xuất đĩa karaoke vi tính, bán đầu máy hát?

Đó là câu chuyện khá thú vị. Sau khi rời Viện nghiên cứu, tôi quen một anh bạn Hàn Quốc, anh này thấy tôi rành máy tính, tiếng Anh cũng khá nên rủ tôi hợp tác nhập đầu karaoke vi tính về bán.

Chúng tôi là những người đầu tiên nhập đầu karaoke vi tính về Việt Nam. Khi đó còn chưa có các bài hát tiếng Việt được vi tính hoá, nên chúng tôi thuê nhạc sĩ soạn nhạc trên MIDI để đưa vào máy tính, sử dụng phần mềm để thành bài hát có chữ chạy, có nhạc hoàn chỉnh. Nhờ đi đầu về thị trường nên sản phẩm đầu karaoke vi tính và đĩa vi tính bán rất tốt.

- Con đường nào đưa anh tới với Samsung?

Mọi thứ cứ đi theo từng bước, chúng tôi mở rộng hoạt động xuất nhập khẩu, mà muốn làm lớn về xuất nhập khẩu thì phải qua một công ty nhà nước, vì hồi đó chỉ có nhà nước mới được xuất nhập khẩu.

Nguyen Van Dao Samsung Vina anh 6

Tôi vào làm cùng một anh bạn là giám đốc công ty xuất nhập khẩu ở TP.HCM. Đúng lúc đó, công ty này đang đàm phán để thành lập liên doanh Samsung Vina. Anh bạn mời tôi tham gia.

Thời điểm đó, tôi nghe tiếng Samsung của Hàn Quốc nhưng chưa biết nó lớn cỡ nào, chỉ cảm thấy rằng đây là cái mới, mà tôi lúc nào cũng ham học hỏi. Tôi nghĩ liên quan công ty lớn chắc mình sẽ học được nhiều điều.

Vậy là tôi tham gia với vai trò đại diện công ty phía Việt Nam. Tháng 9/1994 ký hợp đồng đối tác, phía Việt Nam 30% vốn góp bằng đất, phía Samsung góp 70%. Cuối tháng 1/1995, liên doanh có giấy phép sản xuất, kinh doanh, sản phẩm của nhà máy là tivi màu. Khi đó tôi là thành viên Hội đồng quản trị liên doanh, đại diện phía Việt Nam.

Đến năm 1998 khi rời khỏi công ty của anh bạn, lãnh đạo Samsung mời tôi sang làm Phó tổng giám đốc.

Nguyen Van Dao Samsung Vina anh 7

- Samsung gia nhập thị trường Việt Nam với mục tiêu sản xuất tivi màu nhưng sau đó đã chuyển mạnh mẽ sang thiết bị di động. Anh có thể chia sẻ câu chuyện về những ngày đầu triển khai dự án tổ hợp Samsung tại Bắc Ninh?

Năm 2007, chúng tôi tham gia cùng một "đội đặc nhiệm" (task force) từ Hàn Quốc sang khảo sát tìm địa điểm để xây dựng một dự án sản xuất sản phẩm mới cho Samsung.

Chúng tôi đi khắp nước, xem địa bàn mặt bằng các tỉnh từ Bắc chí Nam trong khoảng 6 tháng. Sau đó trong đoàn xuất hiện một số nhân vật mới, cùng đi khảo sát.

Khi quyết định chọn địa điểm và chuẩn bị đàm phán về dự án, chúng tôi mới được biết đây là dự án lớn, xây dựng nhà máy sản xuất thiết bị di động, dòng sản phẩm đang phát triển mạnh của Samsung.

Tôi được giao nhiệm vụ làm việc với các bộ ngành và địa phương, để triển khai phương án xây nhà máy tại Bắc Ninh.

Nguyen Van Dao Samsung Vina anh 8

- Như vậy thông tin ban đầu chỉ là vỏ bọc?

Không, theo tôi biết dự định ban đầu là xây dựng nhà máy để sản xuất một sản phẩm khác. Nhưng trong khi khảo sát, lãnh đạo tập đoàn nhận định là sẽ có sự bùng nổ của công nghệ di động nói chung và điện thoại di động nói riêng trong thời gian tới.

Để đáp ứng kịp với nhu cầu của thị trường cũng như kế hoạch chiếm lĩnh thị trường của Samsung, chúng tôi phải nhanh chóng mở rộng quy mô sản xuất. Và Samsung đã quyết định chọn Việt Nam làm điểm đến cho dự án quan trọng này.

Đó là quyết định lịch sử đưa đến sự hình thành khu tổ hợp Samsung với tầm vóc như hiện nay.

Nguyen Van Dao Samsung Vina anh 9

- Sau 13 năm đặt chân vào Việt Nam, Samsung đã quyết định đặt căn cứ sản xuất toàn cầu ở Bắc Ninh. Theo anh, tại sao lại là Việt Nam, mà không phải là Thái Lan, Malaysia, Ấn Độ hay một quốc gia nào khác?

Việt Nam trở thành căn cứ địa sản xuất thiết bị di động lớn nhất của Samsung tính từ thời điểm đó, và cả bây giờ cũng vậy. Tôi được biết các quốc gia khác cũng trải thảm đỏ, đề xuất rất nhiều ưu đãi về chính sách thuế, hỗ trợ hạ tầng… và thực sự hạ tầng nhân lực của các quốc gia trong khu vực tốt hơn Việt Nam rất nhiều.

Tuy nhiên, lợi thế lớn nhất của Việt Nam, theo tôi là tính ổn định về chính trị, xã hội. Yếu tố này rất quan trọng đối với những dự án trọng điểm nên cuối cùng tập đoàn đã quyết định chọn Việt Nam.

Vì những lý do tế nhị này, khi chuẩn bị dự án, chúng tôi không được phép tiết lộ thông tin ra ngoài. Ngay cả đến khi gặp gỡ để trình bày đề xuất đầu tư dự án với Chính phủ Việt Nam, chúng tôi cũng đề nghị xin được giữ kín hoàn toàn thông tin về dự án trong giai đoạn đàm phán.

Khi có được giấy phép đầu tư trong tay, thông tin về dự án được công bố rộng rãi, tôi mới yên tâm.

Nguyen Van Dao Samsung Vina anh 10

- Vậy còn sức hút về những ưu đãi thuế? Xin hỏi thẳng ông về câu chuyện thuế: Samsung Việt Nam đóng góp hơn 3,1 tỷ USD lợi nhuận cho tập đoàn toàn cầu, trong khi mức thuế đóng cho ngân sách Việt Nam chỉ khoảng 3.000 tỷ đồng. Có người nói Samsung được lợi lớn nhờ ưu đãi thuế ở Việt Nam, ông nghĩ sao về điều này?

Thực ra không có gì bí mật ở đây hết. Tất cả ưu đãi mà Samsung được hưởng đều hoàn toàn nằm trong luật, được quy định bởi Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp.

Các bạn nên so sánh trên cùng một mặt bằng, cùng một ngành công nghiệp. Các tổ hợp của Samsung tại Việt Nam là doanh nghiệp sản xuất công nghệ cao, không nên so sánh với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ.

Nhà nước có chính sách khuyến khích đầu tư sản xuất trong lĩnh vực công nghệ cao, nên có những chính sách thuế khác với doanh nghiệp thương mại - dịch vụ. Ngay trong nội bộ Samsung cũng hạch toán riêng giữa khu vực sản xuất và khu vực kinh doanh.

Chúng tôi khẳng định Samsung không được ưu đãi đặc biệt nào khác ngoài những ưu đãi đã có trong luật định.

Chính sách thuế với doanh nghiệp đầu tư sản xuất công nghệ cao là như nhau. Samsung, Intel hay các hãng khác cũng đều như vậy, và chúng tôi luôn tuân thủ chặt chẽ các quy định của luật thuế thu nhập doanh nghiệp tại Việt Nam.

Nguyen Van Dao Samsung Vina anh 11

Các dự án công nghệ cao sẽ được miễn, giảm thuế cho giai đoạn đầu, nên trong thời gian đầu, mức nghĩa vụ thuế đóng góp không cao. Sau đó các doanh nghiệp sẽ phải đóng góp đầy đủ các mức thuế theo luật định.

Thêm vào đó, mọi người nên tính đến những giá trị gián tiếp mà các dự án công nghệ cao, với quy mô lớn như Samsung mang lại. Đó là hiệu ứng lan tỏa, kéo theo sự phát triển của các doanh nghiệp vệ tinh khác, tạo điều kiện hình thành, phát triển ngành công nghiệp phụ và chuỗi cung ứng, đóng góp đáng kể cho sự phát triển của mặt bằng kinh tế xã hội trong khu vực.

Tôi cũng xin nói thêm, nếu so về chính sách thu hút đầu tư công nghệ cao thì các quốc gia khác ở khu vực Đông Nam Á còn đề xuất nhiều ưu đãi về thuế hay mặt bằng lớn hơn so với Việt Nam.

- Khi làm dự án ở Bắc Ninh, anh ấn tượng gì về bộ máy lãnh đạo ở địa phương này?

Nói chung đội ngũ lãnh đạo và cơ chế phối hợp ở Bắc Ninh rất tốt. Điều tôi ấn tượng là khi họp với lãnh đạo tỉnh để giới thiệu dự án, một vị nguyên là lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh, khi đó đang lãnh đạo ở địa phương khác, về dự và phát biểu. Ông nhấn mạnh ông ủng hộ dự án vì tính lan tỏa, giá trị tác động vào mặt bằng kinh tế xã hội, chứ không chỉ vì bản thân dự án đầu tư lớn.

Ông đã nhìn thấy rất sớm về việc Samsung sẽ đóng vai trò hạt nhân, làm trung tâm thu hút và tạo ra các chuỗi giá trị, phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, chuỗi cung ứng, hình thành nền tảng cho ngành sản xuất sản phẩm công nghệ cao mà sau này dự án đã chứng minh trong thực tế.

- Sự lan tỏa của Samsung đã có kết quả thế nào, thưa ông? Bao nhiêu doanh nghiệp Việt có thể tham gia chuỗi cung ứng cho dây chuyền sản xuất điện thoại?

Mọi việc đang tiến triển thuận lợi, nếu tính doanh nghiệp thuần Việt thì hiện nay có khoảng 50 nhà cung ứng đang làm việc với chúng tôi. Nếu tính cả liên doanh hay FDI thì con số này lên tới vài trăm. Tỷ lệ nội địa hóa, những sản phẩm cấu thành nên điện thoại Samsung ở Việt Nam với một số dòng đã lên tới trên 50%.

Nguyen Van Dao Samsung Vina anh 12

- Vậy ông thích gọi điện thoại Samsung là sản phẩm của Việt Nam hay sản phẩm của Hàn Quốc?

Vấn đề này tùy thuộc vào quan điểm, cho nên tôi để ngỏ chứ không tranh luận ở đây. Tuy nhiên, dù có muốn hiểu thế nào đi nữa, đến nay gần một tỷ chiếc điện thoại, máy tính bảng… đã có mặt trên toàn cầu với dòng chữ Made in Vietnam trên nhãn, vui lắm chứ?

Ở Việt Nam hiện nay chúng tôi đầu tư cả R&D, đội ngũ kỹ sư nghiên cứu, thiết kế lên tới hơn 1.500 người. Nhiều sáng chế từ các kỹ sư Việt Nam đã được ứng dụng vào sản phẩm của Samsung trên toàn cầu, như câu chuyện của S Pen trên sản phẩm Galaxy Note. Nó khác xa với một số dự án đầu tư khác chỉ đơn thuần là lắp ráp sản phẩm.

Nguyen Van Dao Samsung Vina anh 13

- Có phải cũng chính ông đã góp phần quan trọng trong việc đưa tổ hợp CE Samsung Complex trị giá 2 tỷ USD về TP.HCM? 

Lớn lên ở thành phố này nên tôi cũng muốn đóng góp cho thành phố. Chúng tôi đã đầu tư tại Bắc Ninh, Thái Nguyên, đến khi đưa CE Samsung Complex về TP.HCM, tôi muốn tạo thêm động lực phát triển cho thành phố.

Ở TP.HCM cũng có điều kiện tốt về hạ tầng, nhân lực, phù hợp với dự án. 

Thực tình trong một cuộc trò truyện, trưởng đoàn triển khai dự án người Hàn Quốc cũng nói vui: "Ông Đạo cố tình muốn đưa dự án về TP.HCM vì ông sinh ra lớn lên ở thành phố này". Tôi cũng thừa nhận đây là quê hương của tôi. Tôi muốn có thêm nhiều việc làm, nhiều giá trị kinh tế, xã hội cho thành phố.

Khi nguyện vọng cá nhân mình phù hợp với lợi ích của tập đoàn thì đâu có gì sai.

- Nhiều mega factory (siêu nhà máy) trên thế giới đang thay đổi mạnh mẽ, ứng dụng robot hóa để giảm nhân sự, Samsung với hơn 100.000 công nhân Việt Nam có dự kiến giảm nhân sự và đưa robot vào thay thế?

Nếu bạn có dịp đến thăm khu tổ hợp Samsung tại Bắc Ninh hay Thái Nguyên sẽ thấy, hầu như Samsung đã robot hóa tối đa những khâu nào có thể. Công đoạn người tham gia vào chỉ là công đoạn cuối cùng, tức là đóng gói và kiểm định. Các khâu như hàn các vi mạch, gắn chip, lắp màn hình vào máy… đều tự động hóa. Kể cả sản xuất và lắp vỏ điện thoại (kim loại), từ khâu khoan, bắt vít, sơn, lắp cũng tự động hoàn toàn, cả xưởng hầu như không một bóng người.

Bây giờ robot đã tham gia gần như tối đa những việc có thể, nên trong vài năm tới mức thay đổi sẽ không đáng kể. Chúng tôi vẫn phải cần rất nhiều công nhân vì sản lượng quá lớn và một số khâu robot chưa thể thay thế. 

Nguyen Van Dao Samsung Vina anh 14

Nguyen Van Dao Samsung Vina anh 15

- Khi Samsung mở rộng sản xuất, có tới hơn 100.000 công nhân từ các nơi về làm việc, doanh số xuất khẩu chiếm tới gần 30% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Nhiều người lo ngại nếu một sự cố nào đó khiến Samsung giảm sản lượng thì tác động sẽ rất khủng khiếp. Ông nghĩ sao về điều này?

Trong lịch sử phát triển của Samsung, khi có các sự cố lớn xảy ra, lãnh đạo Samsung luôn tỉnh táo, đối diện trực tiếp với sự việc và đưa ra giải pháp triệt để cho vấn đề.

Sách lược điều hành của Samsung luôn luôn coi trọng quản trị rủi ro, dự trù các tình huống xấu nhất có thể xảy ra để có đáp ứng phù hợp. Dù rằng không thể dự trù được mọi tình huống, về cơ bản, Samsung đã có sẵn những “protocol” để tuân theo khi có sự cố xảy ra, bảo đảm cho hoạt động của công ty được liên tục và an toàn ở mức độ cao nhất.

Tôi đã trải qua nhiều năm tháng ở Samsung, có thể nói Samsung luôn có phản ứng nhanh và quyết liệt khi gặp sự cố.

Là một tập đoàn đa ngành, phát triển toàn cầu nên nếu gặp khó khăn ở lĩnh vực này, sẽ có thể có lĩnh vực khác, khu vực khác cân đối lại, nên tính ổn định tổng thể của Samsung rất cao.

Bên cạnh đó, tôi nghĩ phía Việt Nam cũng cần chủ động để đa dạng hóa các nguồn xuất khẩu, nhằm đảm bảo ổn định kim ngạch xuất nhập khẩu trong mọi tình huống.

Nguyen Van Dao Samsung Vina anh 16

- Khi xảy ra sự cố Note 7 liên quan trực tiếp đến lô pin sản xuất tại Việt Nam, cảm giác của ông thế nào?

Làm hơn 20 năm ở Samsung, tôi hiểu sức sống của Samsung lớn lắm. Lịch sử Samsung đã từng trải qua nhiều sự cố lớn hơn, nên khi đó tôi tin Samsung cũng sẽ nhanh chóng vượt qua chuyện này.

Tôi thích tính cách lãnh đạo ở Samsung, đó là không tránh né, nhìn thẳng sự thật và nhận trách nhiệm giải quyết rốt ráo sự việc.

- Trong suốt hơn 20 năm ở Samsung, thời điểm nào là khó khăn nhất với ông?

Đó là cuộc khủng hoảng tài chính khu vực năm 1997-1998. Khi đó Samsung Vina vừa đi vào sản xuất tivi màu, nhân viên có vài trăm, đang thiếu hụt nhân lực, nhưng lãnh đạo tập đoàn yêu cầu cắt giảm 30% nhân sự ở mọi công ty thành viên trên toàn cầu.

Chúng tôi không biết phải xoay sở thế nào, vì công ty đang còn trong giai đoạn khai phá thị trường. Đó là quyết định vô cùng khó khăn mà chúng tôi phải thực thi. Rất may sau đó tình hình tốt lên, và chúng tôi lại tiếp tục mở rộng hoạt động.

Nguyen Van Dao Samsung Vina anh 17Nguyen Van Dao Samsung Vina anh 18

- Nhìn lại chặng đường đồng hành cùng Samsung, ông cho rằng bí quyết nào là quan trọng nhất giúp Samsung thành công ở Việt Nam?

Chúng tôi luôn luôn đặt mục tiêu cao và quyết tâm đạt được mục tiêu đó. Không có câu trả lời “không thể”, mà phải là “có thể, với điều kiện được hỗ trợ".

Phải có quyết tâm cao, dám làm lớn thì mới tạo đột phá.

Ngoài ra là tính kiên trì, kiên nhẫn tối đa, luôn đặt mục tiêu cao nhất, xa nhất, không bao giờ vừa lòng với vị trí thứ hai. Đó cũng là đặc trưng của Samsung, kiên nhẫn, luôn lạc quan, lạc quan chứ không bao giờ chủ quan.

- Xin cảm ơn ông!

Káp Thành Long – Giang Thư Quân

Ảnh: Hải An
Video: Nguyễn Nguyên - Trung Mai
Đồ hoạ: Nhân Lê

Bạn có thể quan tâm