Lợi nhuận của Samsung giảm mạnh trong bối cảnh triển vọng kinh tế toàn cầu xấu đi. Ảnh: Bloomberg. |
CNBC đưa tin hôm 7/4, Samsung Electronics cho biết sẽ cắt giảm "đáng kể" sản lượng chip. Gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc đang lao đao vì nhu cầu chip toàn cầu sụt giảm, dẫn tới giá lao dốc nghiêm trọng.
Động thái bất thường của nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất thế giới được đưa ra ngay sau khi hãng báo cáo kết quả sơ bộ quý I, cho thấy lợi nhuận hoạt động giảm mạnh từ 14.120 tỷ won xuống 600 tỷ won.
Đây là mức lợi nhuận thấp nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009.
Những lần sụt giảm mạnh nhất của giá chip nhớ | ||||||||
Nguồn dữ liệu: TrendForce | ||||||||
Nhãn | Quý IV/2007 | Quý IV/2008 | Quý IV/2010 | Quý IV/2018 | Quý IV/2019 | Quý III/2022 | Quý IV/2022 | |
DRAM ASP | % | -27.7 | -35.2 | -28.3 | -23.6 | -31.9 | -31.4 | -34.4 |
NAND ASP | % | -34.6 | -32.7 | -22.7 | -20.1 | -26.2 | -32 | -27.7 |
Thúc đẩy giá
Giá cổ phiếu của Samsung tăng vọt 4,5% vào đầu phiên 7/4, đánh dấu mức tăng ngày lớn nhất kể từ tháng 9. Các nhà đầu tư tin rằng việc cắt giảm sản lượng sẽ hỗ trợ giá chip, vốn đã giảm khoảng 70% trong 9 tháng qua.
Giá chip nhớ lao dốc vì nhu cầu đối với các sản phẩm cuối cùng như máy tính xách tay hay điện thoại thông minh sụt giảm. Những công ty sản xuất đồ điện tử cần ít chip hơn, dẫn tới nhu cầu mua mới đi xuống.
"Quy mô và tốc độ của đà suy yếu trong thị trường chip nhớ tương đương với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008", hãng nghiên cứu Macquarie bình luận.
Samsung cũng cho biết nhu cầu chip nhớ đã giảm mạnh vì nền kinh tế toàn cầu suy yếu. Các nhà sản xuất mua ít hơn vì tồn kho vật liệu (chip nhớ) vẫn cao.
"Chúng tôi đang cắt giảm sản lượng chip nhớ một cách đáng kể, nhất là những sản phẩm đã được đảm bảo về nguồn cung", Samsung tuyên bố.
Hãng công nghệ Hàn Quốc không tiết lộ quy mô của kế hoạch cắt giảm sản lượng.
Cải thiện lợi nhuận
Trước đó, hầu hết nhà sản xuất chip nhớ đều cắt giảm sản xuất và trì hoãn kế hoạch mở rộng từ nửa cuối năm 2022 nhằm đối phó với tình trạng nền kinh tế toàn cầu suy yếu nhanh chóng.
Nhưng riêng Samsung Electronics - nhà cung cấp chip nhớ lớn nhất thế giới - vẫn không thay đổi hướng đi. Hãng thậm chí còn tích cực đầu tư, trong đó có kế hoạch chi hơn 30 tỷ USD để đẩy mạnh năng suất trong năm nay.
Tuyên bố của Samsung được cả ngành công nghiệp chip nhớ mong chờ. "Việc tập đoàn đầu ngành tham gia vào kế hoạch cắt giảm sản lượng đã thúc đẩy cổ phiếu toàn ngành", ông John Park - một chuyên gia phân tích tại Daishin Securities - nhận định.
"Tín hiệu cắt giảm sản xuất đã tạo ra triển vọng tích cực cho đà phục hồi của chip nhớ vào nửa cuối năm", vị chuyên gia nói thêm.
Dù cắt giảm sản lượng về ngắn hạn, Samsung cho biết vẫn đầu tư vào cơ sở hạ tầng và nghiên cứu trong dài hạn, nhằm đảm bảo các trang thiết bị cần thiết cho sản xuất chip và tăng cường vị thế dẫn đầu ở địa hạt công nghệ.
Theo dự báo của các nhà phân tích, mảng kinh doanh chip của Samsung sẽ ghi nhận khoản lỗ kỷ lục 2.100 tỷ won (1,6 tỷ USD) trong quý I, và lỗ thêm 2.000 tỷ won vào quý II.
Trong những năm làm ăn tốt, mảng này mang về cho gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc tới hơn 50% lợi nhuận.
Với việc cắt giảm sản lượng, giới phân tích cho rằng lợi nhuận hoạt động của Samsung sẽ được cải thiện trong quý II, nhờ đẩy nhanh tốc độ phục hồi của giá chip nhớ.
"Việc Samsung tuyên bố cắt giảm sản xuất là minh chứng cho thấy đà suy yếu đang tồi tệ tới mức nào", ông Greg Roh - Trưởng bộ phận nghiên cứu của Hyundai Motor Securities - nhận định.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.