Samsung đang là nhà sản xuất thiết bị chạy Android lớn nhất, nhưng bất chấp điều đó, vài năm qua hãng vẫn đang dành nhiều thời gian để xây dựng những phần mềm độc đáo sử dụng nền tảng riêng dành cho các thiết bị của mình. Giao diện người dùng của Samsung hiện nay ngoại trừ những thành phần cơ bản của Android, hãng còn thêm vào một số tùy chỉnh trong thiết kế cũng như các ứng dụng đặc trưng bổ sung thêm tính năng cho hệ điều hành này.
Samsung đang là nhà sản xuất Android hàng đầu. |
Hội nghị các nhà phát triển toàn cầu (WWDC) do Samsung khởi xướng và tổ chức hằng năm sẽ bắt đầu diễn ra từ ngày 27 đến 29/10 tại San Francisco. Sự kiện này là dấu hiệu cho thấy Samsung luôn quan tâm đến việc tạo dấu ấn với khách hàng bằng những nền tảng ứng dụng mang thương hiệu cá nhân. Trong một cuộc trò chuyện với chuyên trang công nghệ The Verge, Curtis Sasaki - phó chủ tịch cao cấp mảng giải pháp truyền thông của Samsung đã chia sẻ về mục tiêu cũng như kế hoạch của Samsung tại hội nghị lần này.
Thay vì tập trung phát triển Android, Samsung muốn các nhà phát triển xây dựng các ứng dụng hay sản phẩm dành riêng cho phần cứng của mình. Điều này có thể mang lại lợi ích cho khách hàng của Samsung, nhưng cũng có thể góp phần phá vỡ hệ sinh thái Android truyền thống.
Trong một bức thư gửi đến các nhà phát triển, Sasaki cho biết, định hướng của hãng là "cam kết thúc đẩy phát triển ứng dụng Android". Nhiều nhà phát triển khi nhìn vào cửa hàng ứng dụng của Android với trên 800.000 ứng dụng, họ luôn có một thắc mắc: “Làm thế nào để một ứng dụng của mình có thể tách biệt khỏi đám đông và nổi bật?". Sasaki nói câu trả lời chính là xây dựng những ứng dụng trên những sản phẩm của Samsung.
Sasaki gọi ứng dụng Twitter dành riêng cho máy tính bảng Galaxy Note 10.1 mà hãng đã phát triển, là một ví dụ điển hình của việc nhà phát triển xây dựng một ứng dụng dành riêng cho từng dòng sản phẩm. "Bạn có thể viết tweet của mình với cây bút này, và nó cũng hỗ trợ tính năng đa cửa sổ", ông nói. "Bởi vì hiện nay chúng ta đã có nền tảng phần cứng thực sự tốt, chẳng có gì có thể ngăn chúng ta làm những điều tuyệt vời hơn cho những thiết bị của mình”.
Tạo dựng sự khác biệt cùng những trải nghiệm độc đáo cho các thiết bị là cách mà Samsung đã dùng để thống trị thị phần thiết bị chạy Android. Sasaki nhấn mạnh: "Tôi nghĩ rằng người dùng luôn mong đợi những trải nghiệm tốt nhất mà nhà sản xuất có thể đem đến cho họ. Là thương hiệu có thị phần thiết bị Android lớn nhất, chúng tôi nghĩ rằng mình đang ở một thời điểm thuận lợi mang lại những trải nghiệm tốt nhất cho người dùng trong lĩnh vực phần cứng và phần mềm”.
Samsung thường tập trung vào phần cứng nhiều hơn so với điện thoại hay máy tính bảng chạy Android, và hãng cần phải tận dụng lợi thế này để tạo nên sự khác biệt của từng dòng thiết bị mà mình sản xuất. Sasaki cho rằng sự phổ biến ngày càng lớn của trải nghiệm đa màn hình (multiscreen)" đã khiến cho mục tiêu của Samsung chuyển hướng. "Chúng tôi không chỉ muốn trình chiếu những gì thể hiện trên máy tính bảng lên chiếc TV của bạn,". Câu nói trên có thể đang muốn đề cập đến đến tính năng kết nối với Apple TV của iPad.
Samsung đang cố gắng phát triển các ứng dụng dành riêng cho mình. |
"Nếu bạn đang đặt một chiếc máy tính bảng trên đùi trong khi đang xem TV thì làm thế nào để trải nghiệm đó thật sự độc đáo và khác biệt?”. Sasaki cho biết, tính năng đa màn hình (multiscreen) sẽ là chủ đề chính tại WWDC năm nay. Điều đó cũng hợp lý, khi mà thị phần điện thoại thông minh, máy tính bảng, và giải trí truyền hình mà Samsung đang nắm giữ là rất lớn. Sasaki nói thêm rằng Samsung muốn cung cấp những nền tảng “không chỉ dành cho điện thoại di động, giám sát kĩ thuật mà còn phát triển cho TV, lập trình cho doanh nghiệp, thậm chí chơi game.".
“Trước hết, chúng tôi đang theo đuổi không ngừng việc tạo ra những phần mềm tuyệt vời”. Trong thư gửi đến các nhà phát triển, Sasaki có viết. “Những cải tiến tiếp theo sẽ là thường xuyên và tích cực thay đổi các chúng ta làm việc và giải trí”. Nhìn chung, tuy không có nội dung rõ ràng nhưng có thể thấy chủ ý của sự kiện lần này chính là Samsung muốn đổi mới trên chính phần cứng và phần mềm của họ. Hiện tại, dù có một số tùy biến nhất định trong thiết kế nhưng Samsung vẫn đang sử dụng chủ yếu nền tảng Android. Nhưng trong 5 năm tới, rất có thể một phiên bản Android “lai” sẽ được ra mắt (Amazon là người tiên phong với Kindle Fire OS). Khi đó, Samsung sẽ thoát ra được tầm ảnh hưởng của Google thậm chí là tự thiết kế một nền tảng mang thương hiệu Samsung.
Hội nghị các nhà phát triển toàn cầu của Samsung có thể xem là điểm khởi đầu của một sự thay đổi cơ bản trong thị trường Android, đặc biệt hơn nữa là một loạt các ứng dụng chất lượng và độc quyền của Samsung sẽ ra đời.