Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Samsung muốn thành doanh nghiệp Việt

Lãnh đạo của Samsung tại Việt Nam vừa đưa ra đề nghị táo bạo: Muốn được các bộ, ngành xem xét như một doanh nghiệp (DN) nội địa, chứ không phải như với DN có vốn đầu tư nước ngoài.

Đề xuất lạ

Đề xuất này được Tổng giám đốc Khu tổ hợp sản xuất Samsung, ông Han Myoungsup đưa ra bên lề hội thảo gần đây. Về lý do muốn “chuyển đổi” này, ông Han Myoungsup phân tích: Hằng năm, Samsung đóng góp lớn vào kim ngạch xuất-nhập khẩu, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm ngàn lao động Việt, các mặt hàng đều dán mác “made in Vietnam” (sản xuất tại Việt Nam) lan tỏa khắp toàn cầu…

“Trong quá trình đầu tư, xây dựng nhà máy tại Việt Nam, Samsung đã tuyển dụng nhiều lao động Việt Nam, và những sản phẩm của chúng tôi được làm ra từ bàn tay và khối óc của họ. Do vậy, tôi nghĩ mục tiêu trở thành DN Việt Nam đối với Samsung không hề khó”, ông Han Myoungsup đề nghị.

Trước đề xuất này, Vụ trưởng Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Võ Văn Quyền không chỉ đánh giá cao vai trò của DN FDI này, mà còn cho biết: Hiện, hàng Việt Nam có chỗ đứng nhất định trong các cơ sở phân phối không chỉ do DN trong nước sản xuất mà cả DN có vốn đầu tư nước ngoài. “Thống kê 5 năm qua cho thấy, tỷ trọng hàng Việt Nam bán ra tại các siêu thị chiếm 90%. Thành công này có đóng góp không nhỏ của các DN FDI”, ông Quyền dẫn chứng.

Tương tự, ông Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN FDI cũng đồng tình cho rằng, sản phẩm hàng Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế được sản xuất từ các dự án đầu tư của khối FDI có mặt và được đón nhận tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. “Với thị trường trong nước, những sản phẩm này đã và đang góp phần củng cố niềm tin, nâng cao lòng tự hào của người tiêu dùng với hàng Việt Nam đạt chất lượng toàn cầu”, ông Mại nói.

“Hàng Việt Nam không chỉ được sản xuất bởi các công ty mang 100% vốn Việt Nam mà còn là các nhà sản xuất đang được đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Tôi cho rằng, đây là một quan điểm cần được nhất quán không chỉ về mặt tư tưởng mà còn về hành động đối với các DN tại Việt Nam”, Phó cục trưởng Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) Đặng Xuân Quang nhận định.

Câu chuyện phía sau là gì?

Tuy nhiên, không phải “đề xuất lạ” ở trên đều được các chuyên gia đồng thuận. Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, thương mại quốc tế xem sản phẩm Samsung là hàng xuất khẩu Việt Nam. Trên khía cạnh hội nhập quốc tế, các loại hình DN bình đẳng như nhau, cùng hoạt động trong nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, ông Doanh cũng đặt câu hỏi, liệu Samsung có thực sự muốn trở thành một DN thuần Việt hay không. “Cần làm rõ câu chuyện đằng sau là gì, muốn ưu đãi khác chăng?”, ông Doanh lưu ý.

Ngoài ra, theo ông Doanh, nếu muốn công nhận DN quốc dân Việt Nam chỉ để tham gia chương trình “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, cần phải xem xét, thảo luận và phân tích thấu đáo. “Điều đó dẫn tới nguy cơ xảy ra câu chuyện háo danh, nhận vơ của cơ quan quản lý. Nếu sản phẩm Samsung có lao động, nhãn mác thôi chưa đủ, mà cần có thêm điều kiện công nghệ, linh kiện, quản trị”, vị chuyên gia này phân tích.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nêu quan điểm: Về nguyên tắc, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài được bảo vệ bởi nhiều quy định trong và ngoài nước liên quan đến bảo hộ nhà đầu tư.

“Tôi nghĩ họ sẽ ngần ngại nếu muốn làm DN Việt thực sự. Lý do DN Việt có nghĩa vụ, mối quan hệ với cơ quan công quyền thẳng thừng hơn, bị đòi hỏi cao hơn. Ví dụ, cơ quan đoàn thể địa phương có thể đến DN Việt yêu cầu hỗ trợ các dịp lễ, Tết,… nhưng khó làm vậy với DN FDI. Hay khi bị vi phạm quyền lợi, DN Việt cũng khó có thể khiếu kiện như DN FDI”, bà Lan ví dụ.

Nhân viên sản xuất trong giờ nghỉ trưa tại Nhà máy Samsung Thái Nguyên.

Nhân viên sản xuất trong giờ nghỉ trưa tại Nhà máy Samsung Thái Nguyên.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng, sẽ không hợp lý nếu Samsung chỉ muốn nhận lợi ích (tham gia chương trình “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”), nhưng không nhận phần nghĩa vụ mà DN thuần Việt đang gánh chịu. “Thân phận ai cứ thế mà làm. Họ có ưu đãi nhiều, vị thế cũng tốt. Sản phẩm có chất lượng, dịch vụ thỏa mãn người tiêu dùng vẫn được người Việt Nam tin dùng”, bà Lan nói.

Đồng thời nhấn mạnh: “Chương trình “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” nhằm động viên, ủng hộ sản xuất trong nước lớn lên. Chương trình nên ưu tiên DN vừa và nhỏ Việt Nam gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ hàng hóa, nguyên liệu đầu vào, không nên để DN đại gia nước ngoài tham gia”.

“Thân phận ai cứ thế mà làm. Họ có ưu đãi nhiều, vị thế cũng tốt. Sản phẩm có chất lượng, dịch vụ thỏa mãn người tiêu dùng vẫn được người Việt Nam tin dùng”. 

Bà Phạm Chi Lan


Việt Nam: Công xưởng mới của thế giới

Việt Nam có những lợi thế cạnh tranh nổi trội trong khu vực ASEAN và có vị trí chiến lược gần chuỗi cung ứng toàn cầu.

http://www.tienphong.vn/Kinh-Te/samsung-muon-thanh-doanh-nghiep-viet-894483.tpo

Theo Tuấn Đức/Tiền Phong

Bạn có thể quan tâm